.

Chuyện ở nước Lào

.

Không có cảnh xả rác bừa bãi. Không có tiếng ồn còi ô-tô. Không thiếu những sân trường có cây cổ thụ 3-4 người ôm mới xuể. Không có những chiếc thùng rác, vun cao thành ngọn, nắp đóng hờ... Đó chỉ là vài điều mà khi đặt chân đến đất Lào, ai cũng nhìn thấy được.

Dùng thùng rác làm từ lốp ô-tô cũ, người Lào vừa giải quyết bài toán “rác” từ lốp ô-tô cũ, vừa tiết kiệm kinh tế song song với bảo vệ môi trường sống sạch-đẹp.   Ảnh: B.A
Dùng thùng rác làm từ lốp ô-tô cũ, người Lào vừa giải quyết bài toán “rác” từ lốp ô-tô cũ, vừa tiết kiệm kinh tế song song với bảo vệ môi trường sống sạch-đẹp. Ảnh: B.A

Từ chiếc thùng rác làm từ lốp ô-tô cũ

Đến Lào, đi đâu cũng thấy những chiếc thùng rác làm từ lốp ô-tô cũ được đặt trước mỗi nhà. Từ những con đường lớn cho đến các ngõ nhỏ.

Những chiếc thùng rác có hình tròn, dáng như chiếc nồi đất lớn, có nắp đậy kèm hai quai cầm chắc chắn. Kệ để các thùng rác cũng được tạo ra từ những vành của lốp xe. Do có nắp đậy kín nên những chiếc thùng rác này không gây mùi hôi và cảnh bù hóng, ruồi bâu quanh như thường thấy ở ta.

Có thể thấy, với sản phẩm sáng tạo này, người Lào vừa giải quyết bài toán “rác” từ ô-tô cũ, vừa tiết kiệm kinh tế song song với bảo vệ môi trường.  

Ông Minh, người Huế, là Việt kiều Lào, chủ quán bún bò mà tôi có dịp ghé thưởng thức, cho hay: “Chiếc thùng rác này tiện lợi ở chỗ có nắp đậy tránh mùi hôi, lại có quai cầm để công nhân môi trường bốc lên xe dễ dàng mà có vứt từ xe rác xuống thì cũng không vấn đề gì”. Chiếc thùng rác được gia đình ông mua với giá 220.000 kip (tương đương 600.000 đồng Việt Nam), đến nay đã được “6 tuổi” nhưng nhìn qua vẫn còn như mới, rất sạch sẽ.

Có lẽ thấy được tính tiện dụng và lợi ích kinh tế lâu dài từ những chiếc thùng rác này mà nhiều người dân ở khu vực cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) cũng sắm cho gia đình mình một chiếc. Đi xe từ cửa khẩu Lao Bảo về, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy điều này.

… Đến ý thức người dân

Có người nói, đi trên đường phố Lào, nếu nghe tiếng còi xe thì hẳn đó là của người từ nơi khác đến.

Đặt chân đến một tỉnh nhiều khó khăn như Salavan hay tỉnh lớn thứ nhì sau thủ đô là Savannakhet, người viết đều rất ít khi nghe tiếng còi xe dù bạn có thể thấy xe máy, ô-tô, xe tút tút chạy vù vù trên đường. Mũ bảo hiểm được những người đi xe máy ở đây sử dụng là loại mũ đạt chuẩn, loại trùm
kín đầu.

Nhiều ngã tư, đèn đỏ dừng đến 87 giây. Trong khi nhiều người trong đoàn chúng tôi than vãn vì phải chờ đợi lâu thì người Lào kiên nhẫn “đội” nắng và từ từ chuyển bánh khi đèn tín hiệu chuyển xanh. Người đi xe máy, người đi bộ đều tự giác đi sát về phía tay phải của mình và luôn nhường đường cho ô-tô.

Khi đoàn y tế Đà Nẵng đến khám bệnh tình nguyện tại Trạm y tế huyện Kaisone Phomvihanh (tỉnh Savannakhet), những đứa trẻ chỉ chừng 3-4 tuổi, sau khi ăn thạch dừa được đoàn tặng đều đưa vỏ cho cha mẹ vứt hoặc tự động làm điều đó nếu thấy thùng rác. Đường phố của Lào thì khỏi nói về độ sạch sẽ, thông thoáng và rất yên tĩnh.

Có dịp ghé thăm Trường trung cấp y tế của tỉnh Savannakhet, sự ngạc nhiên của chúng tôi về đất nước Triệu Voi này càng tăng lên gấp bội khi chứng kiến hàng cây cổ thụ to bằng vòng tay của 3 người, sừng sững, mọc thành từng cụm lớn trong sân trường. Thầy hiệu trưởng nhà trường cho hay, thay vì chặt bỏ đi, nhà trường đã quyết định “bẻ hướng” xây dựng để gìn giữ những cây cổ thụ quý hiếm này, nuôi bóng mát và cũng là bảo vệ chính lá phổi của mình. Và người Lào nói chung đều có suy nghĩ này.

Thiết nghĩ, chẳng cần đến trời Tây để học về quy hoạch đô thị, cách xây dựng mạng lưới giao thông, hay những dự án vĩ mô về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, ngay bên cạnh chúng ta, nước bạn Lào anh em có hàng tá những câu chuyện hay ho, kỳ lạ và cực kỳ văn minh… mà chúng ta cần phải học.

BÌNH AN

;
.
.
.
.
.