Chính trị - Xã hội
Công tác vận động bầu cử: Bình đẳng, dân chủ, công khai và bảo đảm an toàn
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là Ngày hội của các tầng lớp nhân dân sẽ diễn ra vào ngày 22-5.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố hướng dẫn các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND thành phố khóa IX vận động bầu cử. |
Tại thành phố Đà Nẵng, ngoài việc tổ chức vận động bầu cử dưới 2 hình thức theo quy định của Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, đó là: ứng cử viên trực tiếp tiếp xúc, trao đổi, trình bày Chương trình hành động trước cử tri do MTTQ chủ trì thực hiện và vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng; Mặt trận còn tổ chức mạn đàm tiểu sử ứng cử viên và hướng dẫn công tác bầu cử theo địa bàn khu dân cư do Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì.
Đây là việc làm rất cần thiết, nhằm giúp cử tri nắm chắc hơn thể thức bầu cử và quá trình hoạt động của từng ứng cử viên; qua đó, tự mình lựa chọn những người đủ tài, đủ đức thay mặt cho mình tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước (Quốc hội) và cơ quan quyền lực của địa phương (HĐND). Vì vậy, công tác mạn đàm phải được thực hiện chu đáo, đúng luật; phải bình đẳng, công khai, dân chủ và bảo đảm an toàn.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác mạn đàm về bầu cử, ngày 27-4-2016, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố ban hành Hướng dẫn số 27/HD-BTT-MTTQ với nội dung rất cụ thể. Theo đó, yêu cầu phải chuẩn bị chu đáo cho công tác mạn đàm, từ việc huy động người tham dự, đến nội dung phổ biến trong cuộc họp…
Cụ thể như: thông báo tiểu sử ứng cử viên, xác định cơ cấu, hướng dẫn bỏ phiếu để hạn chế phiếu không hợp lệ hoặc chưa thể hiện đầy đủ quyền của cử tri (phiếu bầu thừa ứng cử viên theo quy định là một trong các trường hợp phiếu không hợp lệ; phiếu bầu thiếu so với quy định là phiếu chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm công dân…) và tại cuộc họp này, Mặt trận thực hiện một công việc rất quan trọng là vận động cử tri tham gia bầu cử theo tinh thần: “đi đông, bầu đúng, bầu đủ”.
Vừa qua, sau khi công bố danh sách những người đủ điều kiện làm ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp (chậm nhất là ngày 27-4) và niêm yết danh sách ứng cử viên (chậm nhất ngày 2-5), Mặt trận thành phố và các cấp đã tổ chức 617 cuộc tiếp xúc cử tri để các ứng cử viên trình bày Chương trình hành động vận động bầu cử của mình, bao gồm: 7 điểm theo địa bàn quận, huyện cho 10 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV ở 2 đơn vị bầu cử thuộc thành phố Đà Nẵng; 16 điểm cho 85 ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố theo địa bàn Ban bầu cử; 56 điểm cho 417 ứng cử viên đại biểu HĐND quận, huyện và 538 điểm cho 2.613 ứng cử viên đại biểu HĐND phường, xã. Tất cả các điểm tiếp xúc này đã được thực hiện nghiêm túc, đúng luật, thu hút đông đảo cử tri tham gia.
Nhận xét chung của cử tri thành phố là hầu hết các Chương trình hành động của ứng cử viên đều thể hiện tâm huyết, trách nhiệm và đáp ứng yêu cầu bức xúc thực tiễn đặt ra. Nhiều Chương trình hành động đã đề cập trực tiếp với ý thức quyết liệt trước những vấn đề bức xúc có ảnh hưởng đến vận mệnh của Tổ quốc như nạn tham nhũng, lãng phí; về chủ quyền biên giới và biển, đảo; những bức xúc liên quan đến cuộc sống của nhân dân như ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; an toàn giao thông; nạn ma túy và các tệ nạn xã hội khác, nhất là trong giới trẻ.
Cử tri yêu cầu các ứng cử viên phải nghiêm túc thực hiện đúng lời hứa; gần gũi, sâu sát cơ sở và cử tri; nắm bắt cho được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân. Cử tri đề nghị các ứng cử viên khi trúng cử phải tỏ rõ bản lĩnh của người đại biểu đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Cử tri không chấp nhận những đại biểu sau khi trúng cử trở thành “ông (bà) nghị gật”. Cử tri thành phố đã phát biểu thẳng thắn: “Vấn đề không chỉ ở lời nói, cho dù đó là lời nói hay nhất; mà vấn đề quan trọng là ở việc làm. Nhân dân Đà Nẵng chỉ tin và chấp nhận ở người đại biểu của mình khi đạt được sự thống nhất giữa lời nói với việc làm”.
Các chương trình hành động của ứng cử viên sẽ được Mặt trận các cấp lưu giữ để thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện lời hứa trong suốt quá trình hoạt động của các đại biểu Quốc hội và HĐND ở mỗi cấp.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cũng đã thành lập 7 đoàn do các Phó Chủ tịch dẫn đầu trực tiếp giám sát công tác bầu cử ở cơ sở để kịp thời nắm bắt, kiến nghị giải quyết các vấn đề nảy sinh trong công tác chuẩn bị bầu cử.
Từ kinh nghiệm và kết quả đạt được qua 617 điểm tiếp xúc cử tri vận động bầu cử vừa qua, 1.242 điểm mạn đàm bầu cử đã và đang diễn ra trên địa bàn thành phố do Mặt trận chủ trì thực hiện; với sự lãnh đạo có hiệu quả của từng chi ủy; sự phối hợp đồng bộ của tổ trưởng dân phố và trưởng thôn; đặc biệt là sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, chắc chắn sẽ góp phần tích cực và có hiệu quả vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Nguyễn Đăng Hải
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố