Trong văn học Việt Nam hiện đại, Thanh Thảo là nhà thơ viết trường ca nhiều nhất, đến 12 tác phẩm. Trường ca của Thanh Thảo là loại trường ca có hương sắc riêng. Hương sắc ấy toát ra từ quan niệm nghệ thuật về con người và cuộc đời của nhà thơ.
Thanh Thảo, với thể loại trường ca, đã có những sáng tạo, tìm tòi vừa đột phá, phong phú, vừa mới mẻ trong tạc dựng chân dung nhân vật, lại thổi vào đó một âm hưởng thấm đẫm chất thơ, chất nhân văn, chất thời đại và cả chất bi tráng của lịch sử. Những nhân vật mà nhà thơ xây dựng trong trường ca ẩn chứa những quầng sáng lung linh, kỳ ảo của hơi thở nhân dân, khát vọng của dân tộc và hướng đến mỹ học của cái cao cả, vĩnh hằng.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt và công nhân trên công trường xây dựng trạm biến thế 500kV Pleiku ngày 3-11-1993. (Ảnh Internet) |
Vào dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, Thanh Thảo viết trường ca về một nhân vật đương đại, một tổng công trình sư của thời kỳ đổi mới, đó là Võ Văn Kiệt. Trường ca có tên: Dạ, tôi là Sáu Dân, giới thiệu trên Tạp chí Thơ, số 4-2015, với 486 câu và 4 câu lục bát đề từ:
Dạ, tôi là Sáu Dân
Là tôi thưa với nghĩa ân tình người
Tôi thưa với nhân dân tôi
Thưa cùng đất nước muôn đời Việt Nam
Trường ca Dạ, tôi là Sáu Dân không kết cấu theo tiến trình lịch sử. Điều này có chủ đích của tác giả. Trục thẩm mỹ của trường ca, như đề từ, là nói về, nói đến Nhân Dân. Từ trục này, những nhân vật lịch sử mà số phận của họ, bi kịch của họ, theo chiều dài thời gian, ít hay nhiều đều gắn với nhân vật trữ tình Sáu Dân - Võ Văn Kiệt.
Trong 86 năm trên cõi thế, thời gian dành cho cuộc chiến đấu của dân tộc chiếm trọn 30 năm. Thời gian còn lại là những trăn trở, dằn vặt về cái được, cái mất của người thắng cuộc. Gần như suốt một đời, Sáu Dân - Võ Văn Kiệt, đều tham dự vào những biến động của đất nước, có những thời khắc khó khăn, đau đớn của đời mình: Một cuộc chiến tranh quá nhiều khổ đau hệ lụy/ Một bàn thờ hai đứa con khác phía/ Mẹ đứt ruột đẻ ra giờ cư xử thế nào? Ngay những giờ phút: “Ngày đám tang tôi người ta đuổi các nông dân mất đất chạy có cờ/ Cả những bà mẹ từng mang cơm xuống hầm bí mật nuôi tôi/ Sao lại thế?/ Chúng ta không bảo vệ dân/ Dân không bảo vệ ta/ Thì làm sao ta bảo vệ được mình?”. Day dứt quá!
Có thể nói, trường ca khắc họa khá rõ nét chân dung Sáu Dân - Võ Văn Kiệt ở vào những thời khắc hết sức tiêu biểu và điển hình. Nổi lên trên những trang thơ là hình ảnh một con người đau đáu về Dân, về Nước, hoài bão cả một đời: “Mong được thấy nhân dân mình đỡ khổ/ trái cây chín trên cành là Dân chủ Tự do”.
Trường ca bắt đầu về con tàu mang tên Thuận Phong bị quân đội Hoa Kỳ bắn chìm trong một cuộc càn quét qua Củ Chi vào đầu năm 1966. Trận càn đó, cùng với 100 người, vợ con ông Võ Văn Kiệt, gồm vợ, bà Trần Kim Anh cùng hai con Phan Chí Tâm (1966), vừa mới sinh được ít lâu, con gái Phan Thị Ánh Hồng (1958), 8 tuổi, đã chết. Họ vĩnh viễn nằm lại ở đáy sông, không tìm thấy xác. Lúc còn sống, ông có niềm mong mỏi khôn nguôi, khi qua đời, hỏa thiêu, tro của mình được rải xuống khúc sông, nơi mà hai người con và người vợ đã yên nằm:
Vợ con tôi giờ này ở đâu
Đáy sông nước êm hay nước xiết
Lục bình trôi mải miết
Hồn vợ con tôi nương náu
nơi nào
Nửa khuya buồn nghe tiếng
quốc kêu
Sao con tàu lại mang tên
Thuận Phong
Sao vợ con tôi lại ngồi con tàu đó
“Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá về đồng ăn cua”
Bây giờ ăn gì cũng vậy thôi
Đâu còn vui nữa.
Có thể nói, đoạn khai mở trường ca đẫm đầy nước mắt. Nước mắt của bi kịch chiến tranh, lặn vào trong tim, không thể nói ra bằng lời, cứa vào mọi khoảnh khắc đời thường: Bây giờ ăn gì cũng vậy thôi/ Đâu còn vui nữa. Nhưng, không phải chỉ nỗi đau này, khi nghe mẹ và các em qua đời, cha một mình côi cút, người con trai đầu Phan Chí Dũng (1952), rời Hà Nội, tình nguyện vào Nam và sáu tháng sau của năm 1972 cũng đã hy sinh, khi vừa hai mươi tuổi.
Anh ngã xuống tại Rạch Giá, quê mẹ: Tôi thương thằng Dũng con tôi/ Nó chết còn trinh trắng/ Chưa một lần tỏ tình/ Tôi không hiểu làm sao mình đồng ý cho nó xuống chiến trường/ Biết nơi đó mười chết một sống/ Nhưng con tôi giống tôi/ Nó đã quyết thì không thể cản/ Tôi làm cha đau đớn khôn cùng/ Con ơi, cha mắc nợ con/ Món nợ ấy muôn đời không trả được.../ Cha mất con/ Đất nước mất hàng triệu người con.
Hằng năm, cứ tới mùa bông điên điển thắm vàng/ những đồng sen dâng hương theo nước nổi, người cha lại nhớ về đứa con, đứt ruột nhớ thương: một bông hoa không bao giờ trở lại/ một bông hoa trong lòng cha tê tái/ thôi con về với mẹ, các em con/ đợi cha, cha sẽ cùng sum họp. Những dòng thơ như không còn câu chữ nữa, chỉ thấy một nỗi lòng. Từ đó, tóc ông trắng xóa, từ đó có những đêm không ngủ:
Tôi cũng có những 0 giờ
của mình, nào ai biết
Tôi cũng có những phút giây
thảm thiết
Nào ai hay...
Cuộc đời tôi bùn với đất
chan hòa...
Rồi chiến tranh đi qua. Hòa bình trở lại. Ngỡ niềm vui nước nhà thống nhất sẽ xếp lại những chia ly. Ngỡ như những trang Kiều thương thảm, xé lòng, đã đến ngày tái hợp, nguôi đi bao nỗi đau của dân tộc, không ai nỡ lật trang này không thấy phía trang kia. Nhưng không. Lại bẽ bàng. Lại cắt chia lòng người:
Bao người vượt biển chết giữa
đại dương...
Ngày Thống Nhất triệu người vui
có triệu người buồn
Triệu người đoàn viên
triệu người ly tán
Bơi về phía nào cũng người
tỵ nạn
Một biển Đông ken đặc
hiểm nguy
Tôi làm sao thanh thản...
Những “húp cháo lá đa” của hàng triệu sinh linh/ qua mấy cuộc chiến tranh loạn lạc/ Tôi là Sáu Dân nguyện chung số phận với mọi người”, làm ray rứt mọi trái tim. Con người ấy, bao giờ cũng gắn bó một lòng với nhân dân, với đất nước, với cuộc đời. Tấm lòng vì nước cuồn cuộn như thủy triều. Ngày trước, Nguyễn Trãi cũng có nỗi niềm riêng tây này: Bình sinh độc bão tiên ưu chí/ Tọa ủng hàn khâm dạ bất miên (Suốt đời riêng ôm cái chí lo trước thiên hạ/ Ngồi ôm chăn lạnh, suốt đêm không ngủ). Sáu Dân có niềm tin mãnh liệt vào lẽ phải, vào lương tri.
Ánh sáng của chân lý luôn soi đường, Và ngay trong đêm tối, hãy tin/ Tôi là Sáu Dân, tôi cảm nhận điều này. Tin ở con người là phẩm chất của nhà lãnh đạo tài ba, dám làm dám chịu, dám đi tới cho một ngày mai tươi sáng, dù phải trả giá.
Ta biết, để có điện phục vụ cho đời sống, cho phát triển công nghiệp, cho xóa đi những tăm tối cuộc đời, vậy mà, Ngày khánh thành đường dây 500kV/ Tôi vào trại giam Thanh Xuân thăm anh Vũ Ngọc Hải/ Xin lỗi anh, anh Hải/ Vì dự án này anh chịu khổ/ Anh ở tù thay tôi/ Nào cạn ly/ Ở tù mà dân được nhờ/ Thì cũng đáng/ Tôi chỉ là người đơn giản/ Đơn giản - tôi là Sáu Dân/ Nếu làm được gì cho Ân Nhân/ Mình không làm - là có tội. Ngày đó, nếu không có một quyết tâm đầy sắt đá, một trái tim đầy yêu thương, một nghị lực phi thường, không có gì lay chuyển, thì chắc gì “từ nay lưới điện quốc gia chan hòa”, chắc gì có một Dung Quất, chắc gì tứ giác Long Xuyên đổi thay gương mặt đồng bằng và chắc gì người giỏi, người tài ở lại, không bỏ mình mà đi. Cũng như trường hợp bà Ba Thi:
Chị Ba Thi ơi, hãy xuống
đồng bằng mua gạo
Cứu dân Sài Gòn
Chị có bị tù thì tôi mang cơm
Đừng để dân mình đói
Với những văn nghệ sĩ như Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Chim Trắng, Sáu Dân - Võ Văn Kiệt chia sẻ tấm lòng. Ông nói về người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh: Tôi yêu người nhạc sĩ ấy/ Người cho tôi nếm trải/ Mình có thể đứng lên từ một khúc nhạc buồn/ Người cho tôi chiếc lá / Xanh như là giọt lệ tuôn/ Cho tôi một phút lắng lòng/ Thế giới này quả thật mênh mông/ Cuộc đời còn thơ ca và âm nhạc/ Có thể tóc bạc nhiều tôi mới biết/ Điều đơn giản này.
Xa hơn, với những bậc hiền tài, đó là Lê Văn Duyệt: Được toàn dân kính nể/ Người tiên phong đưa Sài Gòn mở cửa/ Chính là người giờ trụ ở Lăng Ông/ Ai có công với Dân là có công với Nước/ Xin khắc ghi điều đơn giản ấy vào lòng. Rồi Đồ Chiểu: Tôi xin theo Lục Vân Tiên/ Xin theo Tử Trực, Hớn Minh, Tiểu Đồng/ Xin theo những bước thong dong/ Nhà thơ mù ấy sáng lòng muôn thu. Với Võ Đại tướng: Không phải vì Ông cùng họ với tôi/ Mà Ông cùng họ với Nhân Dân này.
Với quốc tế, ông là bạn của Lý Quang Diệu, “có những lý do khác nhau khiến chúng ta để vuột nhiều cơ hội”. “Cuối cùng, với người Mỹ, tôi xin nói/ Ngày xưa lẽ ra chúng ta là bạn/ Nếu Tổng thống Mỹ tin Hồ Chí Minh/ Với nước Mỹ Cụ Hồ chỉ muốn/ Việt Nam là đối tác chân thành/ Vâng, là đồng minh/ Nhưng rồi... / Thôi bỏ qua chuyện cũ...” .
Trường ca Dạ, tôi là Sáu Dân toát lên tư tưởng nhân nghĩa, đan xen chất triết luận và chất dân gian, chất tự sự và chất trữ tình. Cái lõi của trường ca, đích đến của nó, đó là sự đoàn kết, hòa hợp, hòa giải dân tộc, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng đến tương lai.
Dạ, tôi là Sáu Dân khắc họa một trái tim nhân hậu, một tầm nhìn chiến lược, một lữ hành cô đơn trên hành trình đi về phía cái thiện, cái mỹ, mà nếu thiếu đi khuôn mặt này, lịch sử sẽ ra sao?
HUỲNH VĂN HOA