.

Học Bác ở xã nông thôn mới Hòa Châu

.

Từ những ống tiết kiệm hay hành động nhỏ như bỏ rác vào thùng…, phong trào học tập Bác đang lan rộng tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang

Công trình của chi đoàn thanh niên thôn Quang Châu giúp mọi người bỏ rác đúng nơi quy định.
Công trình của chi đoàn thanh niên thôn Quang Châu giúp mọi người bỏ rác đúng nơi quy định.

Đến nhà chứa rác của thôn Quang Châu, ai cũng không khỏi ngạc nhiên bởi nó khá rộng rãi, quy mô với câu khẩu hiệu rất bắt mắt: “Dừng xe lại và bỏ rác vào thùng/Vì môi trường xanh-sạch-đẹp, hãy chung tay xây dựng nông thôn mới” ở trước cổng. Ít ai biết rằng nhà chứa rác này được xây dựng bằng kinh phí và công sức của các bạn đoàn viên thanh niên tại địa phương. Không “kém cạnh”, thôn Đông Hòa thường xuyên duy trì phong trào kế hoạch nhỏ, quyên góp sách giáo khoa và vận động các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí để giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Hội Phụ nữ xã cũng duy trì thường xuyên phong trào “Nuôi heo vàng” bằng cách vận động hội viên tiết kiệm chi tiêu, mỗi ngày “cho heo ăn” từ 500 đồng trở lên. Đồng thời, đơn vị còn vận động các doanh nghiệp ủng hộ để gây quỹ nhân ái. Từ nguồn tiền này, hằng năm, Hội hỗ trợ từ 300-400 suất quà cho các gia đình khó khăn, rủi ro, bất hạnh. Ở thôn Phong Nam, chị em còn vận động gây quỹ “Đồng hành cùng phụ nữ nghèo”, từ đó mỗi năm hỗ trợ hàng chục trường hợp đau ốm, hoạn nạn. Mới đây, chị Ngô Thị Tý (ở thôn Phong Nam) bị bệnh nặng đã được Chi hội Phụ nữ ân cần thăm hỏi, động viên và hỗ trợ 3 triệu đồng, giúp hội viên này có thêm nghị lực chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.

Trên quê hương Hòa Châu anh hùng còn có nhiều cá nhân điển hình về các hoạt động làm theo Bác như chị Ngô Thị Hồng (ở thôn Phong Nam) tận dụng phế phẩm vải vụn của các cơ sở may thải ra, may thành các sản phẩm thảm chùi chân, mũ trẻ em, bao tay, áo quần búp bê…, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động, hằng năm hỗ trợ 2 địa chỉ nhân đạo, mỗi địa chỉ 1,2 triệu đồng. Anh Ông Văn Lành (ở thôn Tây An) tự nguyện hiến 30m2 đất và vận động con cháu làm mương thoát nước, giải quyết được tình trạng ngập úng cục bộ, đem lại nhiều lợi ích cho nhân dân về đời sống và lao động sản xuất. Hay như cụ Ông Thị Hòa (thôn Quang Châu) đã ngoài 70 tuổi vẫn nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, luôn hăng hái đóng góp và vận động kinh phí xây dựng các đường giao thông và các hoạt động bảo vệ môi trường cảnh quan trong thôn…

Theo tiêu chí nâng chuẩn nông thôn mới, các tuyến đường được mở rộng để có chiều ngang đường liên thôn từ 5 mét trở lên và đường kiệt xóm từ 3,5 mét trở lên, thực hiện theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Người dân xã Hòa Châu đồng lòng hiến đất, tháo dỡ tường rào, vật kiến trúc để mở rộng đường và hăng hái tham gia xây dựng các công trình công cộng. Người hiến nhiều nhất là ông Ông Văn Nhàn ở thôn Tây An đã hiến hơn 50m2 đất. Nhờ vậy, đường làng ngõ xóm khang trang hơn, diện mạo nông thôn cũng ngày một thay đổi.

Xã Hòa Châu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2013 và hiện đang tiếp tục phấn đấu nâng chuẩn nông thôn mới. Ở Hòa Châu, bình quân mỗi hộ dân đóng góp từ 500.000 đồng trở lên để làm công trình điện chiếu sáng công cộng. Đặc biệt, nhân dân thôn Dương Sơn đã đóng góp gần 900 triệu đồng - vượt mức đối ứng, để đầu tư nâng cấp đường giao thông trong chương trình xây dựng và nâng chuẩn nông thôn mới. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền nhân rộng những cách làm đạt hiệu quả cao, làm cho hoạt động học tập và làm theo đạo đức Bác Hồ để điều đó trở thành động lực đẩy nhanh tiến trình nâng chuẩn nông thôn mới”, ông Nguyễn Phụ, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Châu chia sẻ.

Bài và ảnh: Minh Ngọc

;
.
.
.
.
.