Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa ký Quyết định thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. |
Theo đó, đoàn công tác số 1 do ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn, sẽ làm việc tại các tỉnh: Thái Nguyên, Lạng Sơn.
Đoàn công tác số 2 do Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn, làm việc tại các tỉnh: Phú Thọ, Sơn La.
Đoàn công tác số 3 do ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn, làm việc tại các tỉnh: Bắc Ninh, Tây Ninh.
Đoàn công tác số 4 do ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn, làm việc tại các tỉnh: Hậu Giang, Bến Tre.
Đoàn công tác số 5 do ông Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn, sẽ làm việc tại các tỉnh: Phú Yên, Bình Phước.
Đoàn công tác số 6 do ông Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sẽ làm việc tại các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Đoàn công tác số 7 do bà Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn, sẽ làm việc tại các tỉnh: Long An, Tiền Giang.
Theo Kế hoạch, việc kiểm tra, giám sát tập trung vào các nội dung công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc phát hiện và xử lý tham nhũng; Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, nhất là thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế của các cơ quan, đơn vị chức năng ở một số địa phương; việc thi hành án phần thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; công tác tham mưu, đề xuất xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế của ban nội chính tỉnh ủy. Kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai Chỉ thị 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.”
Các đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiến hành kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo (qua Ban Nội chính Trung ương) trong thời gian từ 20/8 đến ngày 20/10.
Thông qua kiểm tra, giám sát, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nắm tình hình, đánh giá kết quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng; trọng tâm là kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là những vụ việc, vụ án nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; phương pháp, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng.
Theo Vietnam+