Chứng kiến cảnh trẻ thẳng tay vứt hộp sữa xuống đường, hay ít biết nói lời cảm ơn-xin lỗi, thậm chí ùa vào đánh bạn khi không vừa ý…, các bạn trẻ nhóm Thế hệ tươi sáng (Bright Generations) đã nảy ra ý định mở lớp học miễn phí, dạy trẻ biết yêu thương, biết trung thực và biết tự bảo vệ mình.
Các bạn nhỏ được làm việc theo nhóm để học cách chia sẻ quan điểm, lắng nghe, nêu ý kiến. |
Bắt đầu từ những điều nhỏ nhất
Trước thực tế kỹ năng mềm ít được chú trọng trong nuôi dạy trẻ em, một nhóm gồm 5 bạn vốn là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn xây dựng chuỗi dự án giáo dục đào tạo kỹ năng miễn phí, nhằm tạo tiền đề hình thành một “thế hệ tươi sáng” như tên gọi của nhóm. Đến nay, nhóm có tổng cộng 33 thành viên.
Dự án bắt đầu từ tháng 8-2014, với hai mảng chính là đào tạo kỹ năng sống và kỹ năng sinh tồn cho nhóm học sinh lớp 3-5. Đã có không ít ngờ vực từ phía phụ huynh về tính khả thi của dự án, nhưng qua những khóa học “Học kỳ môi trường” được tổ chức tại các Trường tiểu học Tây Hồ (quận Hải Châu), Hàm Nghi (quận Thanh Khê), hay những lớp “Em yêu trung thực” ở các Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (quận Thanh Khê), Hoa Lư (quận Thanh Khê), nhóm đã dần tạo được niềm tin và khẳng định “người trẻ có thể làm được nhiều điều hữu ích cho cộng đồng”.
Từ khóa đầu tiên vào tháng 10 năm 2015 với 30 em, chia thành 3 lớp, đến khóa thứ hai khởi động vào tháng 3 vừa qua đã có gần 60 phụ huynh đăng ký cho con em theo học; tuy vậy, nhóm không thể nhận quá nhiều. Mỗi khóa học kéo dài từ 10-12 tuần vào hai ngày cuối tuần. Thấy các bạn trẻ chịu khó, nhiệt tình, hoạt động có hiệu quả, một trung tâm giáo dục trên đường Núi Thành cho nhóm sử dụng phòng học miễn phí trong thời gian dài.
Trưởng nhóm Ngô Tùng Chi cho hay: “Những bài học đều bắt đầu từ những ứng xử nhỏ nhất trong đời sống hằng ngày của trẻ như đi thưa-về chào, biết cảm ơn-xin lỗi, không nói dối, cách ứng phó trước tình huống nguy hiểm như nhận biết nấm độc, làm gì khi đi lạc, hỏa hoạn… Tiêu chí hoạt động của nhóm là: Yêu thích-Hiểu-Hành động-Lan tỏa”.
Thoát khỏi mô hình truyền thống thầy đứng nói, trò ngồi nghe, những buổi học của Thế hệ tươi sáng luôn đầy ắp tiếng cười với các hoạt động vẽ tranh, xem phim, diễn kịch, trồng cây, làm thiệp. Với hoạt động nào, lớp cũng chia thành nhiều nhóm để các em làm quen cách làm việc tập thể, lắng nghe, tiếp thu ý kiến và thể hiện quan điểm.
Đổi thay lớn
Sau những giây phút bỡ ngỡ, trước sự chỉ bảo tận tình, gần gũi như anh em trong nhà, các bạn nhỏ dần thay đổi. Nguyễn Viết Khánh Linh, 20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), hào hứng nói: “Nhiều phụ huynh chia sẻ con họ ngoan hơn, sống tình cảm, biết cách cư xử hơn”. “Thầy giáo” Lê Thiện Đạt 20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Bách khoa lại nhớ như in kỷ niệm về một cô học trò lớp 3 vô cùng bướng bỉnh của khóa đầu tiên: “Lần đầu gặp, thầy hỏi em học lớp 4 à? - Em đáp: Điên à? Nhìn em mà nói em học lớp 4?”. Rồi có lần dạy bài giảng về cảm ơn-xin lỗi, em ấy lại nói: “Biết rồi, nói mãi!”… làm thầy chưng hửng. Tới buổi học thứ 5 thì trò bắt đầu thay đổi, không phản ứng mạnh hay nhăn nhó nữa, biết vâng lời hơn”.
Nhiều thành viên khác trong nhóm cũng gặp những câu chuyện đổi thay bất ngờ. Có lần, vừa bước vào lớp, một phụ huynh bỗng kéo tay Chi lại xúc động kể: Hôm qua xém… bật ngửa vì bất ngờ khi nhận được thư của con gái gửi mẹ. Trong thư, bé kể những chuyện đã gặp trong ngày, có kèm hình vẽ rất ngộ nghĩnh. Đáng nhớ nhất là đợt sau Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, rất nhiều bà mẹ cho hay, lần đầu tiên con tự tay làm hoa, thiệp hình trái tim, hình bông hoa tặng mẹ.
Khóa học thứ hai này sẽ kết thúc vào tháng 6. Ngay sau đó, nhóm tổ chức khóa học về văn hóa Việt Nam. Tại đây, các bạn nhỏ sẽ được trải nghiệm nhiều loại hình văn hóa thông qua các trò chơi dân gian, thực hành mô phỏng ngày Tết Việt, ẩm thực 3 miền, tham gia các loại hình nghệ thuật dân gian bài chòi, múa rối nước. Nhóm còn ấp ủ kế hoạch tổ chức những buổi dạy học về kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa.
Bài và ảnh: MỘC MIÊN