.

Luẩn quẩn chuyện hàng rong, lang thang xin ăn - Bài 1: Tái diễn hàng rong, xin ăn

.

Sau thời gian tạm lắng, tình trạng bán hàng rong, lang thang xin ăn tái diễn trên địa bàn Đà Nẵng và ngày càng tinh vi. Song, các ngành chức năng vẫn loay hoay tìm cách xử lý và hiện chưa có giải pháp căn cơ.

Vào các buổi trưa hằng ngày, một nhóm khoảng 3-6 người bán hàng rong tập trung trước nhà hàng P.B, đường Nguyễn Tất Thành.
Vào các buổi trưa hằng ngày, một nhóm khoảng 3-6 người bán hàng rong tập trung trước nhà hàng P.B, đường Nguyễn Tất Thành.

Báo cáo quý 1 - 2016 của các quận tập trung đông hàng quán, các khu, điểm tham quan du lịch như Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn cho thấy tình trạng hàng rong đeo bám khách, lang thang xin ăn tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhan nhản hàng rong

Anh Nguyễn Đức Bình (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) kể rằng, mới đây, anh cùng một số người bạn đến một quán ăn trên đường Dương Đình Nghệ (quận Sơn Trà) và cảm thấy rất khó chịu vì không ít lần bị làm phiền bởi những lời mời mua vé số, mua tăm bông, kẹo chewing-gum, trái cây… của những người bán hàng rong. Điều đáng nói là một số người bán hàng cứ đứng bên cạnh bàn ăn để năn nỉ, mời chào dù anh đã không ít lần từ chối mua.

Đó là thực trạng làm nhiều người dân và du khách phiền lòng. Thực trạng này diễn ra ở các tuyến đường ven biển, nơi tập trung nhiều khách du lịch như đường Hồ Nghinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Thoại, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Tất Thành…; khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, điểm dừng chân trên đỉnh đèo Hải Vân…

Tại một số nhà hàng “điểm” (khách đoàn đến rất đông), đối tượng bán hàng rong hoạt động công khai theo nhóm. Theo phản ánh của người dân tại khu vực đường Nguyễn Tất Thành (đoạn hướng về cầu Thuận Phước), chúng tôi có mặt tại nhà hàng P.B lúc 13 giờ ngày 28-4 thấy một nhóm khoảng 3-6 người đi xe máy chờ sẵn trước nhà hàng, khách vừa ăn xong ra xe thì họ lập tức áp sát mời mua hàng lưu niệm, chủ yếu là những cây đàn, xe xích-lô bằng gỗ…

Một tài xế thường xuyên chở khách theo đoàn (chủ yếu khách Trung Quốc, Hàn Quốc) đến nhà hàng này chia sẻ, một mô hình cây đàn họ bán với giá thấp nhất là 80.000 đồng; mô hình xích-lô có giá trung bình 250.000 đồng trở lên. Người tài xế này cũng lo lắng khi chúng tôi áp sát các đối tượng để ghi hình vì anh nói rằng “họ liều lĩnh lắm”!

Nói thêm về sự liều lĩnh của các đối tượng, ông Huỳnh Văn Bảy, Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà, nhớ lại chuyện xảy ra vào giữa tháng 4-2016. Lúc đó, tổ quy tắc đô thị phường Phước Mỹ làm nhiệm vụ đẩy đuổi hàng rong trên đường Hà Bổng thì phát hiện một người bán sầu riêng chèo kéo du khách nước ngoài trước một khách sạn.

Khi lực lượng chức năng đến lập biên bản, tạm giữ xe máy chở sầu riêng, người này đã gọi thêm hai người khác mang gậy sắt, dao đến đuổi đánh tổ công tác khiến một thành viên tổ quy tắc đô thị bị thương nhẹ.

Xin ăn biến tướng, tinh vi

Tình trạng xin ăn biến tướng cũng khá phổ biến trên địa bàn Đà Nẵng trong thời gian qua khiến các cơ quan chức năng “đau đầu”. Ông Nguyễn Dân, Đội phó Đội quy tắc đô thị quận Hải Châu cho biết, trên địa bàn quận vẫn xuất hiện tình trạng trẻ em, người già, người mù đi bán vé số, tăm bông, kẹo chewing-gum với giá gấp 3 lần bình thường. Nếu người được mời không có nhu cầu thì họ “xin vài đồng”.

“Như trường hợp một người đàn ông lớn tuổi, bị mù, nhà ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, hằng ngày đi xe ôm đến khu vực các đường Lê Thanh Nghị, Xô Viết Nghệ Tĩnh bán tăm bông, đến chiều xe ôm tới chở về. Mỗi gói tăm, bông có giá 10.000 đồng. Thấy ông già cả, khuyết tật chỉ nhắc nhở chứ sao nỡ xử phạt!”, ông Dân chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở việc lang thang ăn xin hoặc núp bóng bán hàng rong, quà lưu niệm... để xin ăn, trên địa bàn thành phố còn diễn ra trường hợp lợi dụng người già, người tàn tật và cả trẻ em để chăn dắt xin ăn nhằm đánh vào lòng thương của du khách.

Ông Nguyễn Văn Đường, thành viên Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn thành phố (Tổ 550) cho biết, từ đầu năm đến nay, Tổ đã phát hiện, thu gom 107 trường hợp lang thang, xin ăn (62 trường hợp ngoại tỉnh, 12 trường hợp thành phố Đà Nẵng, 33 trường hợp chưa xác định rõ ở đâu). Trong đó có hai trường hợp chăn dắt người già, người tàn tật xin ăn. Vào đầu năm 2016, người dân phát hiện và báo về Tổ 550 trường hợp một thanh niên, bên cạnh là cụ bà lớn tuổi, giả vờ bệnh tật với chiếu, giỏ xách ngồi ngay vệ đường gần chợ Cẩm Lệ, lấy lý do không có tiền vào viện để xin tiền người dân.

Khi lực lượng chức năng khai thác thông tin thì thanh niên tên Huy này khai nhóm của Huy gồm 8 người quê ở An Giang đến Đà Nẵng thuê nhà nghỉ và hành nghề. Theo địa chỉ đối tượng này khai, Công an phường Khuê Trung đến nơi thì các đối tượng đã bỏ đi… “Chúng tôi có hai đường dây nóng, là các số điện thoại 0511.3550550 và 0903550770. Dù hoạt động 24/24 giờ nhưng với tình hình phức tạp như hiện nay, tổ chỉ có 10 người và 1 xe nên khi có phản ánh vẫn không xử lý kịp thời”, ông Đường nói.

Quý 1 - 2016, quận Hải Châu đẩy đuổi 112 trường hợp đeo bám chào mời mua vật phẩm hàng lưu niệm (cùng kỳ năm ngoái có 45 trường hợp, tăng 250%; phát hiện 15 người xin ăn và 4 người lang thang (cùng kỳ 15 đối tượng, tăng 150%). Trong khi đó, quận Sơn Trà phát hiện 52 trường hợp đeo bám chào mời mua vật phẩm hàng lưu niệm (cùng kỳ 5 trường hợp, tăng 940%); lang thang xin ăn 7 đối tượng (cùng kỳ 5 trường hợp, tăng 40%. Quận Ngũ Hành Sơn đẩy đuổi 29 trường hợp (cùng kỳ 22 trường hợp, tăng 32%)...

Bài và ảnh: NGỌC HÀ - THU HÀ

;
.
.
.
.
.