.

Luẩn quẩn chuyện hàng rong, lang thang xin ăn - Bài cuối: Loay hoay tìm giải pháp

.

Thành phố Đà Nẵng đã thực hiện các biện pháp mạnh, triển khai khảo sát đối tượng bán hàng rong, bán vé số dạo, kẹo chewing-gum... để có chính sách giúp đỡ, tạo việc làm; đưa người lang thang xin ăn vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố... Song, nếu không có giải pháp căn cơ thì khó giải quyết dứt điểm tình trạng hàng rong, chèo kéo khách và lang thang xin ăn.

Anh L.V.Đ (42 tuổi, phường Bình Hiên, quận Hải Châu) tự tay đúc những bồn hoa trong khuôn viên Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố nhưng khi được về nhà thì lại uống rượu và lang thang xin ăn.
Anh L.V.Đ (42 tuổi, phường Bình Hiên, quận Hải Châu) tự tay đúc những bồn hoa trong khuôn viên Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố nhưng khi được về nhà thì lại uống rượu và lang thang xin ăn.

Hàng rong: chủ yếu đẩy đuổi

Báo cáo quý 1-2016 của các quận, huyện về việc thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị” cho thấy, toàn địa bàn thành phố có hơn 200 trường hợp bán hàng rong được phát hiện nhưng lực lượng chức năng chủ yếu đẩy đuổi, xử phạt cảnh cáo chưa đến 10 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thủ tục nhiêu khê là một trong những lý do khiến lực lượng chức năng, đặc biệt là Đội quy tắc đô thị các quận ngại xử phạt.

Một cán bộ Đội quy tắc đô thị ở quận trung tâm (đề nghị giấu tên) cho biết, quy tắc đô thị là lực lượng tiếp cận các đối tượng bán hàng rong nhiều nhất nhưng không có quyền xử phạt trực tiếp. “Khi chúng tôi phát hiện trường hợp bán hàng rong thì chỉ được phép thu giữ tang vật và lập biên bản, sau đó về làm báo cáo. Từ báo cáo đến xử phạt phải đi vòng qua Phòng Tư pháp quận, UBND quận (2 lần) rồi mới trở về lại chúng tôi để tống đạt quyết định đó đến đối tượng, đưa họ đến Kho bạc nộp phạt.

Có khi đối tượng khai địa chỉ tạm trú không chính xác thì không biết tìm ở đâu. Vì vậy, biện pháp thực hiện chủ yếu là đẩy đuổi. Tôi nghĩ rằng, nên trao quyền phạt tại chỗ cho quy tắc đô thị và tăng khung xử phạt, chứ mức phạt từ 150.000 - 300.000 đồng không đủ sức răn đe các đối tượng”, người cán bộ này nêu quan điểm.

Khi đặt vấn đề tại sao hàng rong đầy rẫy ở các quán ăn, lực lượng chức năng không có biện pháp xử lý, ông Nguyễn Dân, Đội phó Đội quy tắc đô thị quận Hải Châu thở dài cho biết, các quán ăn, nhà hàng dù đã được niêm yết các bảng cam kết nghiêm cấm bán hàng rong, ăn xin trá hình đeo bám chèo kéo khách nhưng các chủ quán hầu như không phối hợp. “Chúng tôi mặc đồng phục vào đẩy đuổi trong khi khách đang ăn uống thì coi sao được. Chưa kể trường hợp chống đối, gây mất trật tự. Vì thế, chỉ đẩy đuổi khi họ ở bên ngoài quán”, ông Dân nói.

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Hùng, Chánh Văn phòng UBND quận Sơn Trà cũng cho rằng, xử lý hàng rong đang gặp khó bởi những người bán hàng rong từ các địa phương khác đến chiếm 90%; các đối tượng này thường xuyên di chuyển trên các địa bàn khác nhau, công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn. “Thậm chí, một số đối tượng còn “tính toán” được lịch trình đi của các đội quy tắc, quận đã phải điều chỉnh không đi tuần vào một thời gian cố định nhưng cứ thấy xe, hoặc bóng của đội quy tắc đô thị đi qua thì lại “sạch bóng” hàng rong”, ông Hùng bày tỏ.

Lang thang, xin ăn: ra rồi lại vào

Tình trạng lang thang, xin ăn lại là câu chuyện khác với hàng rong chèo kéo khách, song có nhiều điều phải suy ngẫm. Chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố vào một sáng cuối tháng 4, anh L.C.Đ (31 tuổi, quê Thăng Bình, Quảng Nam) đang chăm chú tưới nước cho hàng cây trước khuôn viên của Trung tâm. Theo lời một cán bộ Trung tâm, anh Đ. đã ra vào Trung tâm này tới… 5 lần.

Anh Đ. còn rất trẻ, bị khuyết tật ở tay. Theo anh kể, anh có nghề vẽ quảng cáo, nhưng thay vì chăm chú làm nghề, anh lại chọn đi lang thang, tụ tập với những thành phần xấu, hết tiền uống rượu thì ra đường xin và bị thu gom đưa vào đây.

Dưới tán cây bàng xanh mát, nhìn cách anh L.V.Đ (42 tuổi, phường Bình Hiên, quận Hải Châu) ngồi tỉ mỉ làm khuôn để đúc chậu cây cảnh, không ai nghĩ anh là người lang thang xin ăn bởi anh là thợ nề khá giỏi. Những chiếc chậu anh đúc ra được trưng dụng ngay trong khuôn viên của Trung tâm để trồng hoa, cây cảnh. Nhưng cứ ra khỏi Trung tâm, anh lại sa đà vào rượu chè, không chịu làm ăn, cuối cùng là đi xin ăn và bị đưa vào lại đây không biết bao nhiêu lần.

Lại có trường hợp khó giáo dục như P.V.H (SN 2000, ở thành phố Hồ Chí Minh), được một gia đình ở Đà Nẵng xin về nuôi, cho đi học nhưng nghiện trò chơi điện tử, gia đình khuyên nhủ không được, H. bỏ đi và bị gia đình từ luôn. Vào Trung tâm, H. được cán bộ xin cho đi học nghề, vừa học, vừa làm ở một khách sạn trên địa bàn thành phố. Nhưng được một vài tháng thì H. trốn khỏi chỗ làm, cán bộ Trung tâm phải đi tìm và Công an phường Thanh Khê Tây đã gom được H. khi em đang đi lang thang trên địa bàn phường.

Theo thống kê của Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố, từ đầu năm 2016 đến nay, có gần 70 đối tượng bị đưa vào Trung tâm (19 người Đà Nẵng, còn lại là ngoài tỉnh), trong đó có những đối tượng tái phạm nhiều lần, hầu hết bị nghiện rượu, lười làm ăn… “Thà các đối tượng này bị nghiện thì cho đi cai nghiện, bị tâm thần thì đưa vào nuôi dưỡng, chăm sóc, đằng này họ “lưng lửng” nên vào đây, Trung tâm không thể giữ họ lại và nuôi dưỡng được. Nhưng cứ cho về thì chẳng bao lâu lại thấy có mặt ở Trung tâm”, anh Trung, cán bộ ở Trung tâm nói.

Ông Lê Văn Hai, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, dựa trên Quyết định 02-2015/QĐ-UBND quy định về việc đưa người lang thang vào cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố, Trung tâm thực hiện tiếp nhận người lang thang xin ăn để chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời trong khi chờ xác minh thân nhân, quê quán để trả về gia đình, địa phương.

Theo ông Hai, khó khăn nhất trong quá trình tiếp nhận, xử lý các đối tượng này là họ không có nhà cửa, một số đối tượng có vấn đề thần kinh hoặc lang thang không nơi cư trú hoặc ở các địa phương khác đến, khai không đúng địa chỉ, gia đình không quan tâm… khiến công tác xác minh gặp nhiều khó khăn, không có hướng giải quyết. Đặc biệt là những em nhỏ không có giấy tờ tùy thân, nguồn gốc khó xác minh nên rất khó làm giấy khai sinh để cho các em đi học. Thậm chí, có những đối tượng đưa về Trung tâm rồi nhưng lại tìm cách trốn nên cán bộ Trung tâm phải canh giữ, phải quản lý rất chặt chẽ.

“Chỉ những trường hợp trẻ em, người già không có thân nhân, không còn sức lao động thì mới ở lại để Trung tâm nuôi dưỡng. Những đối tượng còn sức khỏe lao động mà tái phạm nhiều lần thì cần có biện pháp cụ thể, giải quyết triệt để, chứ không thể cứ ra ra vào vào mãi thế được”, ông Hai nói.

Có thể thấy, tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách, lang thang xin ăn ngày càng diễn biến phức tạp nhưng các lực lượng chức năng vẫn chưa tìm ra giải pháp căn cơ để dẹp bỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết triệt để hành vi này, các ngành chức năng nên tìm giải pháp đồng bộ; trong đó chú trọng tăng khung xử phạt, địa phương nơi những người bán hàng rong và lang thang xin ăn cư trú cần quản lý chặt chẽ, cùng với việc thực hiện những chính sách mang tính nhân văn của thành phố.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ - THU HÀ

;
.
.
.
.
.