.

Mười năm sau bão Chanchu - Bài cuối: Ngư dân mở hướng tương lai

.

Sau bão Chanchu, cùng với những cải thiện, hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng, ngư dân rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu và đầu tư mạnh mẽ hơn cho nghề đánh bắt trên biển; trong đó có việc đóng những con tàu lớn và tăng cường tàu dịch vụ thủy sản để thể hiện rõ quyết tâm vươn khơi bám biển, làm kinh tế và kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.

Hàng trăm tàu cá công suất lớn, hiện đại liên tục được ngư dân đóng mới.  Trong ảnh: Tàu vỏ thép hiện đại do ngư dân Nguyễn Sương tự thiết kế, đóng mới, hạ thủy vào đầu tháng 5-2016.			                   Ảnh: NGỌC PHÚ
Hàng trăm tàu cá công suất lớn, hiện đại liên tục được ngư dân đóng mới. Trong ảnh: Tàu vỏ thép hiện đại do ngư dân Nguyễn Sương tự thiết kế, đóng mới, hạ thủy vào đầu tháng 5-2016. Ảnh: NGỌC PHÚ

Vươn lên sau bão

Bão Chanchu dù đã trôi qua tròn 10 năm, nhưng với người phụ nữ Lê Thị Huệ (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) cứ ngỡ như mới xảy ra hôm qua. Nỗi đau vợ mất chồng, con mất cha, tài sản trôi theo biển cả mênh mông như không bao giờ nguôi. Những ngày sau bão Chanchu, bà quỵ ngã. Sau bão, nợ ngân hàng chồng chất.

Rồi sức mạnh của người đàn bà làng biển nhiều năm làm điểm tựa cho chồng giúp bà mạnh mẽ vươn lên. Gạt đi những giọt nước mắt đớn đau, bà quyết tâm nối nghiệp biển của chồng. Không thể bỏ biển, khi cái “nghiệp” biển đã ăn sâu vào máu. Bà tìm cách vực dậy.

Năm 2011, bà Huệ vay ngân hàng đóng một con tàu “khủng” nhất Đà Nẵng mang số hiệu ĐNa 90422. Đến năm 2013, bà đóng thêm con tàu có công suất 900CV, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Lãnh đạo Chi cục thủy sản Đà Nẵng cho hay, sau bão Chanchu, bà Lê Thị Huệ đã không ngừng vươn lên làm giàu từ biển. Ngoài việc khai thác, đội tàu của bà suốt mấy năm qua đã thực hiện tốt công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

10 năm trước, ngư dân Lê Văn Chiến (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê)  đánh bắt trên con tàu 90CV. Thời đó gọi là tàu lớn. Nhưng biết bao ngư dân quận Thanh Khê phải bỏ mạng trên những con tàu có công suất như vậy, nên ông quyết tâm đầu tư.

Năm 2010, ông mua con tàu công suất 500CV làm nghề lưới khơi. “Cơn bão dữ Chanchu năm 2006 là nỗi ám ảnh kinh hoàng của ngư dân chúng tôi. Vì vậy, đóng tàu lớn là mơ ước của ngư dân, để chúng tôi yên tâm hơn mỗi khi phải đối mặt với những cơn gió chướng trên biển cũng như đối mặt với tàu lạ”, ngư dân Lê Văn Chiến tâm sự.

Bão Chanchu cướp đi 44 người con quận Thanh Khê, với 10 tàu chìm, 20 tàu hư hỏng nặng. Ông Võ Kim Tú, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê cho biết, để khôi phục lại nghề biển, hầu hết ngư dân đã chuyển đổi ngành nghề, từ câu mực sang các nghề lưới rê, lưới vây đánh bắt các loại hải sản có giá trị cao; các loại tàu được đầu tư công suất lớn.

Nếu trước bão Chanchu, tàu trên 90CV chỉ đếm trên đầu ngón tay thì nay đã có gần 60 chiếc, trong đó có những chiếc trên 1.000CV. Đây là bước phát triển vượt bậc về phát triển tàu thuyền tại địa bàn quận sau 10 năm.

Những con tàu lớn vươn khơi

10 năm qua, ngư dân Đà Nẵng không chỉ chuyển hướng bỏ tàu nhỏ sang đóng tàu lớn mà còn hình thành nên một thế hệ ngư dân trẻ, tiếp thu, vận dụng khoa học công nghệ hiện đại vào đánh bắt hải sản, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Những ngày qua, ngư dân Thái Vĩnh Ngộ (trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) đang túc trực tại nhà máy đóng tàu S.TECH Đà Nẵng để thực hiện dự án tàu vỏ gỗ có công suất lớn nhất của Đà Nẵng - 1.330CV.

Anh Ngộ rất rành về khoa học công nghệ. Anh cho biết phải bỏ tiền túi để sang Nhật học công nghệ khai thác, đánh bắt suốt 3 tháng trời. Đổi lại anh đã nắm được các kỹ thuật khai thác cũng như bảo quản hải sản nguyên vẹn. Dù mới 35 tuổi, anh Ngộ có 15 năm lênh đênh trên biển. Anh không đánh bắt mà đi thu mua hải sản. “Tôi đang liên kết với các tàu vỏ thép để thu mua hải sản cung cấp cho các thị trường Nhật Bản và Nam Phi. Làm biển hiện nay phải đầu tư; phải chú trọng vào chất lượng, phải biết bảo vệ nguồn lợi hải sản nữa”, anh Ngộ chia sẻ.

Con tàu mà Ngộ đóng dù là tàu vỏ gỗ nhưng trị giá lên đến 8 tỷ đồng, vừa khai thác, vừa làm dịch vụ hậu cần. Đặc biệt là tàu có các ngăn chứa để nuôi sống hải sản. “Liên kết làm ăn với các thị trường khó tính, nếu mình không đầu tư công nghệ thì chất lượng hải sản không đảm bảo, hiệu quả kinh tế không cao”, anh Ngộ tự tin nói.

Sau bão Chanchu, có rất nhiều ngư dân trẻ đã vươn lên, vượt xa những thế hệ trước. Họ có năng lực, trình độ khoa học kỹ thuật cao, đặc biệt công tác quản trị tốt, nên làm ăn hiệu quả, có trách nhiệm trong công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà), Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà)… là những ví dụ điển hình.

Học được bài học từ những người đi trước, khi dấn thân vào nghiệp biển, Lê Văn Sang đã mạnh dạn đầu tư con tàu hậu cần có công suất gần 1.300CV. Hoạt động thu mua cho ngư dân tại các ngư trường lớn, thời gian qua, anh Sang đã giúp không ít ngư dân có điều kiện để bám biển.

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng cho biết, 10 năm trở lại đây, Đà Nẵng luôn quán triệt chủ trương giảm số lượng tàu nhỏ, tăng số lượng tàu có công suất lớn; đồng thời hỗ trợ hàng trăm máy ICOM, định vị, bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu cho ngư dân…

Đến nay, Đà Nẵng có gần 400 tàu công suất lớn, trong đó có 270 tàu công suất từ 400CV – 1.300CV. Năm 2012, thành phố ban hành Quyết định số 7068 (nay là Quyết định 47) về hỗ trợ, đóng mới tàu cho ngư dân. Tùy theo công suất, mỗi tàu được hỗ trợ từ 400 đến 800 triệu đồng. Theo đó đã có 42 tàu đóng mới, trong đó có 36 tàu đã hạ thủy.  Đà Nẵng cũng có 4 tàu đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, trong đó có 3 tàu hạ thủy (1 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ thép). Hiện tại có gần 10 hồ sơ đang chờ phê duyệt của Ngân hàng để cho vay đóng mới…

NGỌC PHÚ – HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.