Chính trị - Xã hội
Nhớ anh Tân!
Hè năm 1967, tôi được phân công về Đà Nẵng làm phóng viên thường trú của Báo Cờ Giải phóng (Khu ủy 5). Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng lúc này đóng ở Điện Quang, tôi gặp anh Tân (Hồng Quang) lần đầu ở đây.
Chính anh Tân đã nói với vợ anh - một giao liên hợp pháp, tìm cách liên hệ với bà dì tôi lúc ấy đang ở Đà Nẵng và sống nhờ một lò bún tươi, nói với bà ấy tôi đã về Nam và đang công tác ở ngay quê nhà. Được tin này bà mừng quýnh, tháo ngay chiếc khâu và dốc hết tiền trong túi “tiếp tế cho Việt cộng”.
Thế là chẳng phải thử thách lâu dài, anh xem tôi như một người đồng chí cùng vào sinh ra tử, một đứa em thân thiết. Và nhờ đó tôi đã hiểu hơn nhiều góc cạnh của đời anh.
Gia đình anh như là tiêu biểu cho các gia đình ở miền Nam lúc đó, dưới mỗi mái nhà đều có đau thương, rạn vỡ mất mát, nhưng cuộc sống, cuộc chiến cứ như cuốn mọi người về phía trước. Anh vượt lên tất cả, nói cười vui vẻ hài hước và kiềm lại giấu kín biết bao chua xót.
Khi nghe tin anh về đến chiến trường quê hương, người con trai anh (anh có một trai và ba gái, trong đó có một gái được sinh sau khi anh đi tập kết vài tháng) liền bỏ học về vùng giải phóng làm Việt cộng. Chiến trường ngày một ác liệt, anh chị chỉ có mình Chấn là con trai. Đó là chàng trai thư sinh nhỏ nhắn, cân phân, đẹp ngời ngời, rất dễ thương.
Không nói ra nhưng nhiều người muốn thu xếp đưa cháu ra Bắc học tập, mai mốt về xây dựng lại quê hương, chứ ở đây ai biết lúc nào, một tai họa sẽ đập bể “hũ mắm treo đầu giàn”. Khi có người đem chuyện đó gợi ý với Chấn, Chấn phản ứng rất tự nhiên “các anh bộ đội miền Bắc vào đây nhiều người cũng đang học đại học, cũng là cử nhân, tú tài đó”. Chấn còn nói Chấn biết có nhiều người là con một.
Hồi đó, các cơ quan cách mạng - nhất là các cơ quan có thể rút người từ Đà Nẵng, Hội An lên, có nhiều thanh niên có học, trẻ trung. Họ đều là những người đã “xếp bút nghiên theo việc binh đao” với giấc mộng “mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt”, chính các bạn đem đến cho cuộc sống các cơ quan cách mạng những nét tươi vui.
Tôi cũng đã tận mắt thấy những hy sinh của họ, không phải là với những hào quang rực rỡ mà là những cảnh ngộ rất thảm thương, tức tưởi. Có người chết khô trên chiếc võng mắc giữa cây rừng Trường Sơn vì sốt rét ác tính. Có người qua suối gặp lũ ống cuốn trôi. Anh em đi mãi theo dòng nước không tìm thấy xác, đành làm một chiếc quan tài giả cùng nhau cúi đầu mặc niệm.
Có người bị địch ném xăng vào hầm đốt cháy đen thui. Có nhiều người trúng bom quét, anh em nhặt từng lóng xương, miếng thịt sắp xếp gọi là chôn cho đủ. Biết mấy người cho đến nay, gia đình người thân vẫn chưa tìm được một chút di hài. Thật khủng khiếp khi nhớ lại những ngày ấy, những người ấy.
Hình như lúc đó, chúng tôi không hề có cảm nhận khủng khiếp dù đau đớn thì đến mức tột cùng. Bởi với mọi người, chúng tôi từ anh Tân già dặn từng trải đến lớp chúng tôi “tam thập nhi lập” và lớp Chấn phơi phới trẻ trung, tất cả đều đi vào cuộc chiến với tâm thế sẵn sàng…
Chấn hy sinh, anh Tân già đi đến mười tuổi như hóa thành một người khác. Còn tôi, dù đã biết điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tôi đã không biết làm gì, nói gì với anh.
Tôi không rõ vì sao anh có sức hút mạnh mẽ với nhiều cơ sở cách mạng, từ các vị cao tăng, các phật tử, đến các bạn trí thức, giáo chức, rồi anh em tài xế, thợ máy, chị em tiểu thương ở các chợ… Nói chung với tất cả mọi người, với bách tính mà thường được gọi chung là các tầng lớp nhân dân.
Sau Mậu Thân, nhiều cơ sở có người hy sinh, người bị bắt. Nhiều người phải bật ra vùng giải phóng, lên núi rồi đi Bắc, tưởng như trắng tay. Nhưng chỉ một thời gian ngắn anh đã có một lớp cơ sở mới trẻ trung, năng động. Lớp cơ sở này không thua kém lớp Phan Duy Nhân, Lê Công Cơ ngày trước. Rồi khi học xong trung học đi Sài Gòn, Huế học đại học, họ móc nối ngay với các đồng chí ở đó như thơ Trần Quang Long “Trời Việt Nam đâu chẳng có anh em”; và ở Đà Nẵng, Quảng Nam lại có một lớp cơ sở mới.
Có thể, một phần do anh có cách nói đầy ắp sức thuyết phục của thực tiễn cuộc sống mà không hề thiếu vắng những kiến thức cơ bản.
Một tối, cơ quan quây quần khá đông, có cả mấy cơ sở, mấy giao liên hợp pháp từ nội thành lên, anh đặt một câu hỏi cắc cớ với tất cả: “Đố các bạn Cụ Hồ giỏi hay ông Huỳnh Tấn Phát giỏi?”. Nhiều người đáp lại “Cụ Hồ”. Anh nói tiếp “Cụ Hồ lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945 đọc Tuyên ngôn Độc lập, vậy mà đến tận tháng Giêng năm 1950, Liên Xô rồi Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa mới công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; ông Huỳnh Tấn Phát thì chưa tuyên bố thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời, mới nói Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là đại diện chân chính hợp pháp của nhân dân miền Nam Việt Nam, các nước đã nồng nhiệt chào đón. Đến khi Chính phủ Cách mạng lâm thời thành lập, các nước rần rần đua nhau công nhận”.
Mọi người đang vắt óc tìm đáp án thì anh nói ngay “Cụ Hồ đã biến không thành có, dưới sự lãnh đạo của Cụ, Việt Nam đã làm Cách mạng Tháng Tám đánh Pháp, đuổi Nhật, lật đổ chế độ phong kiến nhà Nguyễn, là nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở châu Á. Việt Nam đánh thắng Pháp ở Điện Biên Phủ, trở thành tiền đồn của hệ thống xã hội chủ nghĩa. Ông Huỳnh Tấn Phát là lính của Cụ Hồ, không phải là ông giỏi hơn Cụ Hồ mà là do ông và Chính phủ cách mạng lâm thời của ông thắng lợi là nhờ dựa vào những thành tựu, sự giúp đỡ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của Cụ Hồ”.
Sau ngày hòa bình ít lâu, cùng với lo công tác Mặt trận, anh Tân còn được phân công phụ trách Ban cải tạo, nói cho đầy đủ là Cải tạo xóa bỏ công thương nghiệp tư nhân để xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa chỉ có hai phần (quốc dân – Nhà nước và tập thể - Hợp tác xã). Anh thường tâm sự với mọi người “đó như là sự trớ trêu của lịch sử”.
Trong chống Mỹ được giao công tác Mặt trận ở thành phố, anh đã tiếp cận nhiều bà con ở giới làm ăn, một phần vì họ là những người có nhiều mối quan hệ xã hội, có sản nghiệp. Họ có điều kiện để nuôi giấu anh em mình, ở nhà họ có thể dễ che giấu công tác cách mạng. Họ đều rõ nếu lộ ra, họ có thể khuynh gia bại sản, tù đày khốn khó nhưng họ luôn sẵn sàng. Lúc đó, anh mong họ làm ăn phát đạt để có đóng góp nhiều hơn cho cách mạng và anh nói với họ “Đánh Mỹ xong, họ sẽ tha hồ tự do làm ăn trên đất nước Việt Nam độc lập”.
Bây giờ trên cương vị phụ trách Ban cải tạo, anh phải đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, phải “đánh” họ. Anh thấy có cái gì như không phải đạo. Gia sản, phương tiện, cả tiền và vàng kiểm kê ở nhà họ chẳng có gì là ghê gớm, còn lâu mới được như cơ ngơi mà anh hình dung về họ sau ngày thắng lợi. Đau đớn hơn, anh phải chỉ huy trận đánh vào những người đã che chở, nuôi giấu anh và các đồng chí đầy ơn nghĩa, những lúc khó khăn nhất.
Đà Nẵng có một nhà công thương vốn là cán bộ kháng chiến chống Pháp. Không đi tập kết, ông ở lại, từ Tiên Phước ra Đà Nẵng làm ăn, dần dần nổi cơ đồ. Ông tìm cách bắt liên lạc với cách mạng và trở thành cơ sở chí cốt. Trong nhà ông có hầm bí mật nuôi cán bộ và chứa vũ khí. Khi bị cải tạo và tịch thu nhà, ông chạy đến tìm anh. Anh bí quá đành nói với ông “Thôi bây giờ là cơ sở cách mạng, ông phải gương mẫu chấp hành chính sách cải tạo”. Anh biết ngay lý sự của mình là khó chấp nhận và niềm day dứt cứ theo mãi trong anh “tại sao lại ăn ở như thế với những cơ sở cật ruột của mình”.
Thời gian này, anh như sống giữa hai luồng áp lực. Một luồng là phải nghiêm chỉnh chấp hành chính sách cải tạo của Đảng, một luồng là không được làm gì phương hại đến cuộc sống của nhân dân.
Và anh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã khôn khéo tìm cách đi giữa hai luồng áp lực ấy. Như chủ trương của Trung ương là phải cải tạo triệt để các chủ xe khách và xe vận tải hàng hóa, các anh thực hiện đầy đủ, chỉ có một điều đã được vận dụng linh hoạt. Chủ xe nào thì vẫn quản lý vận hành xe ấy, không xáo trộn. Nhờ đó, các xe được giữ gìn và khai thác tốt. Cả trăm xưởng cưa của tư nhân ở Đà Nẵng sẽ phải đóng cửa để thực hiện chính sách cải tạo, vì Trung ương không cho tư nhân mở các xưởng cưa với lưỡi cưa C.T8. Các anh bàn bạc rồi giao cho mấy ông chủ xưởng chế ra lưỡi cưa nhỏ hơn C.T8. Thế là các xưởng cưa không bị xóa sổ. Lao động vẫn có việc làm, có thu nhập. Lực lượng sản xuất của xã hội không bị triệt tiêu.
Đặc biệt là với dịch vụ. Ngay hồi đó, các anh đã nhận ra dịch vụ là chỉ dấu của một xã hội tiến bộ. Các anh không chấp nhận nguyên tắc chỉ có trâu bò thải loại vì không cày kéo được mới đem mổ thịt (chuyện ở miền Bắc). Và thế là làng bê thui Cầu Mống tồn tại và phát triển, giờ đã thành một thương hiệu cả nước biết đến. Rồi cơm gà bà Luận và nhiều quán mì Quảng, bánh xèo làm ăn khấm khá. Cuộc sống con người nhiều màu sắc hơn, dễ chịu hơn
Nhớ về những ngày cải tạo, tìm mọi cách để có thể vừa hoàn thành cải tạo, vừa giữ được cuộc sống việc sản xuất của nhân dân, anh Tân luôn nhắc đến các anh Hồ Nghinh, anh Hoàng Minh Thắng, anh Phạm Đức Nam. Là những người đã cùng nhau nằm gai nếm mật trong chiến tranh, lăn lộn trụ bám giữa cuộc sống của nhân dân, các anh cảm nhận hết nghịch lý của chủ trương cải tạo. Là những người đứng đầu một Đảng bộ, các anh phải có ý thức kỷ luật, phải nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương cải tạo. Các anh nương tựa vào nhau tìm cách tránh né đi giữa những kẽ hở của những quy định có nhiều sơ hở.
Việc này không hề đơn giản.
Một chiều, trước lúc bay đi thành phố Hồ Chí Minh họp về cải tạo, anh Tân đến gặp Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh. Bộ dạng anh lúc này sao mà nghiêm trang thế, như là một tráng sĩ đến cáo biệt đầu lĩnh của mình để ra trận, một trận sinh tử. Anh nói với anh Hồ Nghinh “ở hội nghị ngày mai, chắc là tôi phải cãi ông Đỗ Mười (Tổng Bí thư-B.T). Tôi sẽ nói thẳng, tư sản ở Đà Nẵng đâu ra nhiều thế (chắc là Trung ương áp đặt một tỷ lệ tư sản, như trước đó đã áp đặt một tỷ lệ địa chủ trong cải cách ruộng đất) và đối với những nhà tư sản là cơ sở chí cốt của cách mạng phải tính sao để họ không trách là cách mạng ăn ở bạc với họ. Tôi cãi có thể làm ông Đỗ Mười bực mình, có khi ông thi hành kỷ luật tôi. Kỷ luật thì tôi chịu, nhưng bảo tôi làm như chỉ đạo thì tôi không thể làm được. Nếu có chuyện gì, tôi mong các anh thông cảm. Các anh chắc phải đồng ý với Trung ương kỷ luật tôi, nhưng tôi chỉ xin các anh giữ lại cho tôi hai chữ “đảng viên”.
Anh Hồ Nghinh chăm chú lắng nghe rồi cười tủm tỉm: “Ông cứ cãi, cãi cho ra là dân Quảng Nam. Tôi sẽ báo cáo Trung ương, báo cáo ông Đỗ Mười, tôi là Bí thư, tôi chịu trách nhiệm. Nếu có kỷ luật, trước hết hãy kỷ luật tôi”.
Dù đã tránh né, cố tìm mọi cách giảm bớt những tổn thất do chủ trương cải tạo duy ý chí, bất chấp quy luật của cuộc sống, nhưng các anh vẫn thấy mình có trách nhiệm, ám ảnh, ray rứt. Hơn 20 năm sau cải tạo xóa bỏ công thương nghiệp tư nhân, 3 anh Khu ủy viên, nhiều anh Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, trong đó có anh Tân - những lãnh đạo chủ chốt của Quảng Nam-Đà Nẵng đã cùng ký vào một tờ đơn nhận thiếu sót, sai lầm của mình trong cải tạo tư sản và đề nghị Trung ương, Chính phủ xem xét có chỉ đạo để trả lại căn nhà mà chính quyền cách mạng đã tịch thu của nhà công thương yêu nước.
Trong những năm làm công tác thành phố, anh Tân đã móc nối xây dựng hàng trăm cơ sở, mà ông Thị là một trường hợp đặt biệt. Ông là người Bình Định, bộ đội chủ lực trong kháng chiến chống Pháp. Tập kết ra Bắc ít lâu, ông trở lại chiến trường. Trong một trận càn quét, ông bị thương. Mỹ đưa ông ra Đà Nẵng chữa chạy rồi phóng thích. Không biết đi về đâu, bốn bề đều bom đạn, ông ở lại Đà Nẵng lấy vợ, làm ăn sinh sống. Không rõ vì duyên cớ nào, ông bắt được liên lạc với giao liên hợp pháp của anh Tân và trở thành cơ sở của anh. Anh Tân biết đây là một trường hợp phức tạp, nhưng anh nghĩ mình biết đủ mọi sự, mình sẽ tương kế tựu kế. Vấn đề là phải luôn luôn có phương án bảo vệ. Ông đã thống nhất với anh Tân một mật ước: thư viết cho anh nếu được ông viết một màu mực thì có thể tin dùng 100%, nếu có 2 màu mực thì đó là viết khi bị khống chế. Hoạt động của ông và đường dây liên lạc với anh tồn tại 4 - 5 năm thì Đà Nẵng rồi miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Ông sống những ngày tưng bừng hồ hởi nhất. Ông tự xem và cũng được xem như một chiến sĩ cách mạng kiên trung. Mấy người con mà ông có với một bà vợ ở miền Bắc đều học đại học và làm cán bộ Nhà nước. Ông tự hào về họ và họ tự hào về ông.
Thế rồi một hôm, cơ quan bảo vệ thông báo cho anh Tân, rằng ông Thị là một người được địch cài cắm. Mọi việc như đảo ngược 180 độ. Ông đau đớn mà anh Tân cũng đau đớn không kém. Bỗng dưng một người mình tin cậy hết mực lại trở thành phản bội. Dẫu biết rằng, những thủ đoạn tâm lý chiêu hồi của địch vô cùng tinh vi và thâm độc, mọi sự có thể xảy ra, nhưng anh Tân như không thể chịu được cảnh ngộ ấy. Anh nói với tôi: “Mình vẫn đối xử với nẫu tử tế, nhưng sao mà thấy thương nẫu. Nẫu làm thì nẫu chịu. Mình sẽ cố làm cho rõ sự việc”.
Lúc này, tôi đã công tác ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, cơ quan có trách nhiệm giải quyết những tồn tại từ thời chiến liên quan đến Ban công tác Mặt trận thành phố. Tôi vào cuộc với anh, có cả một đồng chí thời chiến tranh là cán bộ an ninh, nay chuyển sang công tác ở cơ quan bảo hiểm cùng tham gia. Chúng tôi đã cố gắng mọi cách, cuối cùng chỉ có một kết quả: Ông Thị được công nhận là thương binh, có thẻ và có trợ cấp, ngoài ra không có bất cứ một chữ minh oan nào. Chúng tôi phải chấp nhận.
Trong cuộc chiến có bao nhiêu cảnh đời oan khuất. Có chiến sĩ tình báo và vợ con anh đeo cái tội phản bội đầu hàng nhiều năm, đến khi được phong anh hùng mọi việc mới sáng tỏ. Chúng tôi vẫn hứa với nhau sẽ tiếp tục hành trình giải oan cho ông.
Một hôm, anh Tân ghé phòng làm việc của tôi, vẻ mặt xúc động, căng thẳng. Tôi hỏi ngay: “Anh mới gặp ông Thị”. Anh cười mà như khóc: “Khổ quá, lâu nay lão ấy vẫn thường đến gặp mình như nhắc mình làm nhanh việc minh oan cho lão. Gần đây, mỗi khi gặp mình lão không nói chuyện ấy như chỉ thăm cho đỡ nhớ. Mình thấy thần sắc lão kém quá, sợ lão rầu mà ra đi. Trong túi còn mấy trăm ngàn mình đưa cho lão hết và nói đây là một phần lương hưu của tôi, ông cầm lấy sáng ăn một tô bún, uống một ly cà-phê. Mình định nói, nhất định ông phải sống đến ngày mọi sự rõ ràng, nhưng thấy tay lão run run khi cầm mấy tờ bạc mình nghẹn lại không nói được nữa”.
Chừng đâu một tháng sau ngày đó, tôi và anh Tân được tin ông đã từ biệt thế giới này.
Nhớ một đêm vượt đường cái ngang lên vùng B Đại Lộc cùng anh Tân. Anh có hẹn vào Văn phòng Huyện ủy làm việc trước khi về núi. Đêm đó địch phục, qua đò Vinh Cường đã hơn 12 giờ khuya. Đến cơ quan huyện, anh em vẫn chờ. Anh Tân trao đổi nhanh với anh Thắng, Chánh Văn phòng các phương án cho sáng mai.
Trước khi cột võng ngủ, anh nói với anh Thắng, nói to như để mọi người cùng nghe: “Bọn mình vừa ở dưới đó lên, được bà xã tiếp tế cho ít đồng, cậu cầm mấy trăm nói anh em mua được cái gì tươi tươi thì mua, sớm mai anh em cùng ăn”. Anh Thắng cười: “Ở xứ này có bạc vạn cũng chẳng mua được cái chi”. Anh Tân nói mãi, anh Thắng mới cầm tiền rồi cùng mấy đồng chí cảnh vệ ở văn phòng đi ra tát nước dưới ánh trăng ở hố bom gần đó, kiếm ít con cá vụn để đãi khách cấp tỉnh.
Sáng hôm sau, ăn cơm dù chỉ có ớt xanh đâm nát với muối sống dầm mấy con cá nhỏ nướng, ai cũng thấy ấm lòng. Trước lúc lên đường, anh nói anh em để lại mấy lon cá hộp Đại Hàn, quà của đồng bằng. Trên đường về, anh mới tiết lộ: “Biết là có tiền ở vùng B Đại Lộc lúc này cũng chẳng mua được cái chi, mình mới nói dóc chớ như ở Xuyên Châu, Phú Thạnh, nửa đêm có bảo nó mua bê về thui, nó cũng làm xong liền”. Lúc này, tôi và nhiều anh em mới biết dù chỉ ghé ngang qua chốc lát, anh hiểu rất rõ cuộc sống của anh em và rất thương anh em.
Anh không hề phải mở sách đọc Kinh nhật tụng nhưng chân lý, đạo lý “việc gì lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì hại dân thì hết sức tránh” như là có trong máu thịt của anh chứa chan đằm thắm.
Ngay cả khi đã “rửa tay gác kiếm” nghỉ hưu, có quyền đứng ngoài mọi giằng xé, nhiễu nhương, anh vẫn cứ “khư khư mình buộc lấy mình vào trong”. Điều dân muốn làm cho mình và mình muốn làm cho dân từ ngày ấy; điều dân khát khao mà mình cũng khát khao từ ngày ấy, mà sao bây giờ lại như xa vời và sao vẫn còn đó nhiều con người bất hạnh, nhiều mảnh đời oan ức.
Con người ấy đi đến đâu tưởng cũng chỉ đem theo tiếng cười, những câu bông lơn, hài hước mà từ trong sâu thẳm có biết mấy suy tư.
Xin kể một chuyện:
Anh có một cơ sở rất tâm phúc, là một thượng tọa, anh xem ông cũng như một nhân sĩ. Chùa Viên Giác ông trụ trì là nơi cất giấu vũ khí, nuôi nấng cán bộ. Ông đã nhiều lần vào các khu dồn thuyết pháp, kêu gọi đồng bào phật tử tháo cũi, sổ lồng về vùng giải phóng. Ông từng dẫn nhiều đoàn cứu trợ đi đến các vùng bị lũ lụt tiếp sức cho những người dân khốn khó. Sau ngày giải phóng, ông được mời tham gia Mặt trận và giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.
Khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam nảy sinh những vấn đề nội bộ giữa các hệ phái, các lực lượng, ông nghĩ ông có cách hóa giải và ông làm theo điều ông suy nghĩ, lẽ tất nhiên không phải mọi người đồng tình với cách làm của ông. Anh Tân và nhiều đồng chí lãnh đạo đã nghỉ hưu không tin là ông vì đạo pháp mà đã xa rời dân tộc. Nhưng anh và các đồng chí cùng quan điểm với anh chỉ còn một sự lựa chọn là vẫn chung thủy, ân tình với người từng đồng hành với mình một chặng đường đầy thử thách.
Nghe tin Thượng tọa bị bạo bệnh, anh Tân đã 11 lần vào thăm (tuổi đã cao, anh vẫn đạp chiếc xe cọc cạch từ Đà Nẵng vào Hội An, dù không phải anh không mượn được xe). Và khi Thượng tọa về cõi niết bàn, anh vào viếng với những câu thơ cảm động.
Ở đám tang về, tôi thấy anh có vẻ xơ rơ xác rác, anh nói và tôi ngộ ra: Có những người khi họ còn đó, ta ngồi bên họ cả ngày không nói một lời thì chả sao. Vậy mà khi họ ra đi, ta thấy trống vắng. Đúng là một tri âm, tri kỷ.
Tôi đọc cho anh nghe mấy câu thơ mà tôi chẳng nhớ là của ai\
“Cõi nhân sinh đâu có thiếu chi người
Tôi nói rứa mà lòng tôi ứa lệ”
Và đúng là tôi thấy những dòng lệ ứa ra nơi cặp mắt già của anh.
Nguyễn Đình An