Từ những khó khăn trong công việc hằng ngày, các công nhân tại Công ty CP In và dịch vụ Đà Nẵng đã có những sáng kiến hay không chỉ khắc phục những hạn chế mà còn tạo ra sản phẩm với hiệu quả cao, làm hài lòng khách hàng.
Anh Ngô Văn Thông luôn suy nghĩ cải tiến thiết bị để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc. |
Gắn bó với công việc đóng các loại sách giáo khoa, hóa đơn, chứng từ... tại Công ty CP In và dịch vụ Đà Nẵng hơn 30 năm, chưa lúc nào chị Nguyễn Thị Xuân Thu (52 tuổi) lơ là với công việc. Hằng ngày, chị Thu và các đồng nghiệp thực hiện việc dán gáy để giấu kim đóng làm cho gáy sách. Tuy nhiên, với các sản phẩm sách đóng lồng như các loại sổ, sách giáo khoa thì không được phép dán gáy nên nếu đóng kim bị lệch, không đều qua máy dao xén thành phẩm trông rất xấu.
Trăn trở mất 3 tháng với suy nghĩ làm sao khắc phục điều này, cuối cùng chị nảy ra sáng kiến cần phải cải tiến máy móc để kim đóng khi thành phẩm phải ngay hàng, đều nhau, tạo thẩm mỹ cho chồng sách, đồng thời tăng năng suất lao động. Không ngờ ý tưởng làm tay kê cho máy ở đầu và chân sách của chị được Ban Giám đốc công ty ủng hộ ngay.
“Tay kê cho máy ở đầu và chân sách giúp linh hoạt trong quá trình lắp đặt canh chỉnh và có thể dịch chuyển vị trí nhanh hơn khi chuyển đổi tài liệu để đóng”, chị Thu cho biết. Sau khi thử nghiệm một thời gian, nhờ áp dụng sáng kiến của chị Thu, năng suất tăng lên thấy rõ, từ 400 bản/giờ tăng lên 500 - 550 bản/giờ. Không chỉ vậy, chất lượng sản phẩm cũng cao hơn, đường kim thẳng trên một chồng sách đều và đẹp hơn. Ngoài ra, theo đánh giá của đơn vị, nhờ sáng kiến này, năng suất lao động tăng lên 12-15% do không phải điều chỉnh nhiều trong quá trình sản xuất.
Hơn 15 năm làm việc tại công ty, nhiệm vụ của anh Ngô Văn Thông (48 tuổi), công nhân thợ máy in offset là phụ trách đứng máy in offset Hashimoto. Đây là loại máy in chuyên dụng để in các loại ấn chỉ thuế và các loại sản phẩm có số nhảy được đơn vị nhập về từ nước ngoài. Trong quá trình sản xuất, anh Thông nhận ra những bất cập khi sử dụng chiếc máy này.
Đó là tấm đế đục lỗ răng cưa trong máy phải thay thường xuyên. Cứ khoảng 1 triệu đến 1,3 triệu lượt in thì phải thay tấm đế này và mỗi lần phải thay 2 tấm. “Chúng tôi mất nhiều thời gian vì phải canh chỉnh lại toàn bộ hệ thống cho thật chính xác mới có thể tiếp tục in tài liệu. Một năm, trung bình công ty phải thay 3 đến 4 bộ như vậy”, anh Thông cho biết.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Thông thấy cần phải cải tiến lại tấm đế để có thể tận dụng được toàn bộ diện tích của nó và di chuyển một cách linh hoạt trong quá trình sản xuất. Với thực tế sản xuất và kinh nghiệm tháo lắp, canh chỉnh máy nhiều lần, anh Thông đề xuất với lãnh đạo đơn vị rồi cùng anh em ở bộ phận cơ khí bắt tay vào thiết kế gia công lại tấm đế đục từ có lỗ nhíp sang tấm đế đục không có lỗ nhíp. Nhờ vậy, người thợ có thể linh hoạt trong quá trình lắp đặt canh chỉnh và dịch chuyển vị trí nhanh chóng khi chuyển đổi tài liệu in.
“Sáng kiến mới của anh đã làm tăng độ bền, độ chính xác của đường đục lỗ răng cưa, giảm thời gian canh chỉnh và lắp ráp trong quá trình sản xuất đem lại hiệu quả, tăng năng suất lao động. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm được nâng cao, tiết kiệm thời gian giao hàng và chi phí vật tư cho công ty”, anh Lê Khánh Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP In và dịch vụ Đà Nẵng cho biết.
Theo anh Tân, mỗi năm, trung bình đơn vị phải thay thế từ 3 bộ đế tấm đục lỗ, nay nhờ sáng kiến của anh Thông chỉ cần 1 bộ/năm, giảm chi phí hơn 4 triệu đồng/bộ, một năm giảm gần 9 triệu đồng. “Chúng tôi đã thưởng kịp thời cho mỗi công nhân có sáng kiến kỹ thuật 2,5 triệu đồng và tuyên dương trước toàn thể cán bộ, nhân viên đơn vị”, anh Tân nói.
Anh Ngô Văn Thông, chị Nguyễn Thị Xuân Thu là 2 trong 50 công nhân, lao động tiêu biểu được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng có quyết định tặng Bằng khen trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. |
Bài và ảnh: KIM NGÂN