.

Sáng 2-5, đồng loạt bán cá sạch

.

ĐNĐT - Mỗi chợ phải tổ chức một điểm bán cá sạch, mỗi phường phải chọn một nhà hàng bán hải sản sạch. Trong sáng 2-5, phải đồng loạt bán cá sạch tại các chợ. Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng với các sở, ngành, quận, huyện tại cuộc họp ngày 1-5 về tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, tiểu thương trước ảnh hưởng của vụ cá chết dọc biển miền Trung.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì hội nghị sáng 1-5
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chủ trì hội nghị sáng 1-5

Kiểm soát chặt nguồn gốc hải sản

Dù là ngày nghỉ lễ 1-5, ông Đặng Việt Dũng vẫn có cuộc họp khẩn với lãnh đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện để bình ổn thị trường, giúp ngư dân đánh cá bình thường, tạo tâm lý an tâm cho người dân và du khách khi đến Đà Nẵng.

“Nhiệm vụ của chúng ta là phải cung cấp được nguồn hải sản an toàn, tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi, tiểu thương buôn bán. Muốn làm được điều này thì phải kiểm soát đầu vào và khâu cận chuyển”, ông Đặng Việt Dũng khẳng định.

Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, do hiệu ứng dây chuyền nên người tiêu dùng trên cả nước e ngại ăn cá. Hiện nay, lượng hải sản bán tại các chợ trên địa bàn thành phố đã giảm mạnh. Do vậy, cần có sự vào cuộc nhanh, chính xác, kịp thời của cơ quan truyền thông đại chúng.

Theo Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Anh, tư tưởng người dân hiện nay chưa thông vì thông tin chưa rạch ròi. “Cứ nói cá sạch nhưng người dân yêu cầu đưa ra bằng chứng thì ai sẽ đưa ra? Vì vậy, ta phải công khai bằng chứng trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Đại diện phòng Kinh tế Hải Châu cũng cho biết, tâm lý người dân là sợ tiểu thương thu mua cá chết ở các tỉnh bị nhiễm đốc tố về Đà Nẵng tiêu thụ. Thời gian qua, có hiện tượng người dân thành phố ồ ạt dự trữ mắm, muối vì quan ngại cá chết vừa qua sẽ được đem làm mắm, muối, ăn rất nguy hiểm.

Ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, trên địa bàn quận có 183 hộ bán cá biển, đến nay rất nhiều người đã nghỉ bán. Ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cũng dẫn chứng: trước đây mỗi ngày tàu nhập cảng từ 30-50 chiếc, gần 200 tấn hải sản. Hằng ngày có hàng nghìn người hoạt động tại chợ, hơn 1.000 phương tiện vận chuyển, thu mua, nay chỉ có hơn 100 phương tiện thu mua.

Trước tình trạng như vậy, việc kiểm soát nguồn gốc thủy sản là vấn đề đặc biệt quan trọng. Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Sở đang tiến hành truy xuất nguồn gốc hải sản. Việc này được thực hiện bằng hai cách:

Thứ nhất, bắt đầu từ hôm nay, tàu thuyền ra khơi đều có sổ nhật ký ghi chép đánh bắt ở đâu, ngư trường nào, kết hợp với định vị của cơ quan chức năng để kiểm soát. Khi về cảng, Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng sẽ tiến hành kiểm tra.

Thứ hai, Chi cục Quản lý chất lượng sẽ tiến hành kiểm nghiệm chất lượng hải sản để thông báo cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Phú Ban bày tỏ trăn trở khi nguồn hải sản trên biển có thể kiểm soát được nhưng nguồn hải sản trên bờ thì khó khăn hơn. Do vậy, ông đề nghị ngành công thương, công an cũng phải vào cuộc quyết liệt để đảm bảo chất lượng hải sản trên toàn thành phố.

Mỗi chợ phải có một điểm bán cá sạch

Đại diện các sở, ngành cho rằng, do tâm lý lo ngại của người dân nên hiện nay, cá ít vào chợ nhỏ. Vì vậy, phải có các biện pháp để đưa hải sản vào các chợ nhỏ trên địa bàn thành phó; đồng thời phải kêu gọi người dân quay lại dùng hải sản. Muốn như vậy, phải có những điểm bán cá sạch, có nguồn gốc rõ ràng.

Do đó, các ngành chức năng, quận, huyện đề nghị ngành thủy sản phải cung cấp được nguồn hải sản sạch, đánh ở ngư tường nào. Cạnh đó,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải khoanh vùng nào an toàn, không an toàn để ngư dân chủ động đánh bắt; Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố thường xuyên quan trắc, kiểm tra nguồn nước biển và thông báo hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi có đầy đủ thông tin, người tiêu dùng sẽ tiếp tục sử dụng hải sản.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải triển khai quản lý chặt chẽ nguồn cung cấp cá đến của Đà Nẵng. Đối với các thuyền chuẩn bị rời bến đợt này thì khẩn trương hoàn chỉnh quy trình, xác định tọa độ đánh bắt không an toàn, xác định trữ lượng ngày trở về; đồng thời phối hợp với Bộ đội Biên phòng kiểm soát xuất cảng.

Ông Đặng Việt Dũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi các doanh nghiệp thu mua chuẩn bị đầy đủ tiền để thu mua, không để xảy ra tình trạng ép giá, tồn hàng trong cảng, gây tâm lý lo lắng cho ngư dân. Phải xử lý ngay 10 tấn hải sản của các nậu đang tồn tại tại âu thuyền. Đặc biệt, mỗi địa phương chọn mỗi chợ một điểm bán cá sạch. Nguồn cá do Sở NN&PTNT cung cấp thông qua một đơn vị tư nhân thực hiện. Để đảm bảo đây là cá sạch, Sở Công thương phải công bố rộng rãi giá cả, chất lượng, tên người bán, thời gian bán để người dân nắm rõ.

Ngoài điểm cá sạch, các phường, xã cũng phải chọn một nhà hàng, điểm ăn uống kinh doanh hải sản sạch, công khai niêm yết giá cả, nguồn gốc xuất xứ và lưu ý không được “treo đầu dê, bán thịt chó”.

“Trưa nay, phải chọn được vị trí bán cá sạch, 5 giờ sáng mai sẽ triển khai đồng loạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Các điểm bán cá không bán hết thì sẽ thu hồi cá về. Không để cho người bán cá chịu thiệt. Ngoài ra, thành phố sẽ thành lập sở chỉ huy tiền phương, do Giám đốc Sở NN&PTNT làm chỉ huy trưởng để giải quyết những vấn đề khó khăn của ngư dân cũng như cung cấp thông tin cho báo chí khi cần thiết”, ông Đặng Việt Dũng yêu cầu.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.