.

Sáng mãi đạo lý "Đền ơn đáp nghĩa"

.

Có dịp đi nhiều nơi, đến với nhiều địa phương, càng thấy nhiều nghĩa cử cao đẹp “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của cộng đồng, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, xã hội. Nhiều nghĩa trang liệt sĩ ở hầu hết các địa phương khang trang, xanh, đẹp như công viên.

Những hàng cau trổ buồng, hoa trái ngát hương gợi nhớ đến các làng quê Việt, nơi đã có hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu thanh niên lên đường ra trận. Đến các nghĩa trang sạch đẹp – vút cao những hàng cau, dãy dừa, những cây bông sứ rực sắc trắng, đỏ, làm ấm lòng bao linh hồn các Anh – những liệt sĩ đã nằm xuống, yên nghỉ ngàn thu vì sự trường tồn của dân tộc.

Ở nơi đó, khi những cây nhang trầm nghi ngút khói, những cây nến thắp sáng lung linh, người đến viếng cũng được ấm lòng bên nấm mộ những người thân yêu đã ra đi mãi mãi – không còn trở về với mái ấm gia đình.

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Ảnh: P.Q.T
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Ảnh: P.Q.T

Một lần chúng tôi cùng nhà báo, đại tá Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đến nghĩa trang liệt sĩ đồi 82 – Tây Ninh, nơi đó có phần mộ liệt sĩ Hồ Quang Lộc, người em trai thân yêu của Hồ Quang Lợi, hy sinh tại mặt trận biên giới Tây Nam năm 1978. Hai anh em trai, cách nhau 2 tuổi đã vượt qua bao nghèo khó của tuổi thơ xứ Nghệ, vượt qua  đói nghèo, chắt chiu củ khoai, củ sắn, giúp mẹ, đỡ sự nhọc nhằn cho  cha. Cúi xuống bên mộ em trai, nhà báo Hồ Quang Lợi thủ thỉ tâm tình và đã bật khóc với người em trai về cha, về mẹ, về quê hương làng Quỳnh, Nghệ An, nhớ về những  kỷ niệm tuổi thơ  đong đầy.

Đầu tháng 4-2016, chúng tôi có dịp đến nghĩa trang liệt sĩ thành phố Buôn Ma Thuột – thủ phủ  Tây Nguyên, nơi đã diễn ra trận đánh huyết tử, mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - tiến đến cuộc Đại thắng 30-4-1975. Đó là một trong số hàng vạn nghĩa trang liệt sĩ khang trang, đẹp tựa công viên. Những hàng cau trĩu hoa và quả - màu trắng tinh khôi của hoa cau vườn trầu. Bên nấm mộ của liệt sĩ Trần Văn Thiềng, quê xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, hương trầm nghi ngút. Anh sinh năm 1954, hy sinh năm 1973 trong một trận đánh ác liệt trên một hướng mặt trận Tây Nguyên. Sau năm 1975, mất nhiều thời gian và công sức, anh trai - nhà báo Trần Thế Tuyển cùng gia đình, đồng đội mới tìm được mộ liệt sĩ Trần Văn Thiềng và đưa anh về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Buôn Ma Thuột, giữa lòng đất Mẹ. Nhà báo Trần Thế Tuyển xúc động đọc những vần thơ trước mộ em trai: “Ký ức tháng Tư / Nơi em tôi nằm lại / Trời xanh mắt con gái / Mây trắng đỉnh đại ngàn/ Em ơi…

Không chỉ liệt sĩ Trần Văn Thiềng mà còn có hàng ngàn, hàng vạn liệt sĩ mãi sau này mới tìm được phần mộ, phủ quốc kỳ rước về yên nghỉ trong các nghĩa trang. Và vẫn còn hàng ngàn, hàng vạn liệt sĩ cho đến nay – sau 41 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, vẫn chưa tìm được phần mộ để quy tập các Anh về các nghĩa trang.

Đà Nẵng có huyện đảo Hoàng Sa, hòn đảo thiêng – phần máu thịt của Tổ quốc đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép. Và cũng đã có nhiều liệt sĩ trên đảo Gạc Ma… nơi trùng khơi Trường Sa, là con em của đất mẹ Quảng Nam-Đà Nẵng cùng mọi miền đất nước, anh dũng hy sinh trong cuộc thảm sát của binh lính Trung Quốc hơn 30 năm trước.

Quảng Nam-Đà Nẵng mảnh đất khúc ruột miền Trung anh hùng, luôn đi đầu trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Nơi đây, mỗi góc rừng, bờ khe, con suối, mỗi mảnh vườn, khúc đường, bờ ruộng… đều là một trận địa chiến chôn vùi quân xâm lược, bán nước. Hàng chục ngàn liệt sĩ đã ngã xuống. Hàng ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng hy sinh to lớn mà rất đỗi thầm lặng cho độc lập, tự do của Tổ quốc; hàng ngàn người có công cần được chăm sóc.

Bà mẹ Thứ trên quê hương Điện Bàn trở thành biểu tượng anh hùng của hàng triệu Bà mẹ Việt Nam kiên trung, bất tử. Nghĩa trang liệt sĩ nối tiếp nhau, trở thành những công viên xanh, những vườn hoa thắm tươi, địa chỉ đỏ - nơi giáo dục truyền thống hiệu quả, sống động, tụ hội hồn thiêng sông núi.  Bao nghĩa cử cao đẹp của trách nhiệm và nghĩa tình “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” chăm lo chính sách hậu phương quân đội, chăm lo người có công, phần mộ các nghĩa trang.

Kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” càng được phát huy; để giữ mãi và nhân rộng truyền thống quý báu; chung tay hành động vì những nghĩa cử cao đẹp chăm sóc các gia đình chính sách, thương binh, gia đình liệt sĩ - những người đã cống hiến máu xương cho tự do của dân tộc, cho đất nước vẹn toàn.

Phạm Quốc Toàn

;
.
.
.
.
.