Ngày 22-5, cử tri cả nước tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Phát huy tinh thần dân chủ và trách nhiệm của công dân, mỗi cử tri sẽ chọn mặt gửi vàng, lựa chọn để bầu ra những đại biểu ưu tú nhất thay mặt nhân dân giải quyết những vấn đề quốc kế dân sinh, hoạch định chiến lược phát triển đất nước trong 5 năm tới.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh thế giới, khu vực đang có diễn biến nhanh, rất phức tạp, khó lường. Đất nước đứng trước nhiều vấn đề mới, có cả những thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức gay gắt. Thực tế đó đòi hỏi Nhà nước phải có những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, phù hợp. Trong bối cảnh đó, cuộc bầu cử này chính là dịp để cử tri trực tiếp thực hiện quyền công dân của mình bằng việc sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng nhất vào cơ quan quyền lực Nhà nước, qua đó góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra.
Trong việc này, trách nhiệm công dân và quyền lợi thiêng liêng của mỗi cử tri là sáng suốt chọn mặt gửi vàng, bầu ra những người ưu tú nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân, thay mặt nhân dân tham gia vào hệ thống các cơ quan lập pháp, kiến tạo những chiến lược, chính sách phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Cử tri mong muốn người đại biểu của nhân dân, những người được nhân dân ủy quyền, phải là người thực sự gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của dân, vì nhân dân phục vụ.
Người đại biểu của nhân dân phải là người hội tụ cả đức và tài, có bản lĩnh, trách nhiệm, không ngại khó, không ngại va chạm để thay mặt nhân dân giải quyết những vấn đề quốc gia đại sự, những vấn đề bức xúc nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, trên tinh thần đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết.
Để bầu được những đại biểu như mong muốn, điều mà cử tri quan tâm nhất là căn cứ vào đâu để “chọn mặt gửi vàng”, làm thế nào để chọn được chính xác những người thực sự xứng đáng để gửi gắm niềm tin.
Về mặt tổ chức, trên cơ sở quy định của pháp luật về bầu cử, cử tri đã thực hiện quyền đề cử, ứng cử của mình. Cử tri nơi ứng viên cư trú, làm việc cũng đã bày tỏ quan điểm tại các Hội nghị lấy ý kiến cử tri. Các cơ quan hữu trách cũng đã thực hiện 3 vòng hiệp thương dân chủ, công khai, qua đó thống nhất giới thiệu danh sách những người hội đủ phẩm chất đạo đức, trí tuệ, tâm huyết, sức khỏe… để cử tri “chọn mặt”.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, 870 ứng viên đại biểu Quốc hội và các ứng viên đại biểu HĐND các cấp đã công khai, bình đẳng trình bày chương trình hành động của mình, đồng thời cung cấp các thông tin cử tri yêu cầu, đưa ra những cam kết hành động nếu được cử tri trao gửi niềm tin.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cử tri thực hiện quyền lựa chọn của mình, mọi công việc chuẩn bị cho ngày hội lớn của đất nước đã được thực hiện chu đáo. Lý lịch trích ngang, tên tuổi, địa chỉ và các thông tin cụ thể của từng ứng viên đã được niêm yết công khai, rõ ràng; thông tin về thể lệ bầu cử được phổ biến rộng rãi…
Căn cứ vào các tiêu chuẩn đã được pháp luật quy định, căn cứ chương trình hành động của mỗi ứng viên và những thông tin đã được công khai… mỗi cử tri phải tự mình đối chiếu, phân tích, nhìn nhận và quyết định “gửi vàng” cho những người xứng đáng nhất giữ trọng trách đại biểu Quốc hội, đại diện của nhân dân.
Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 thành công là trách nhiệm công dân và quyền lợi thiêng liêng của mỗi cử tri. Chọn ai, bầu ai là quyền bất khả xâm phạm của mỗi cử tri. Mỗi người đều có chính kiến riêng, có nhãn quan và quyết định của riêng mình nhưng mục đích cuối cùng vẫn là chọn lựa những người ưu tú nhất, xứng đáng nhất, thay mặt cử tri đứng ra lo việc dân, việc nước. Chúng ta tin tưởng vào tinh thần trách nhiệm và sự sáng suốt của cử tri.
Chinhphu.vn