Dù cơ quan chức năng thực hiện nhiều giải pháp hạn chế quảng cáo rao vặt (QCRV) trái phép, nhưng đến nay, tình hình vẫn chưa chấm dứt triệt để, thậm chí còn có nguy cơ tái diễn.
Quảng cáo rao vặt bằng hình thức in sơn dầu đang tái diễn thời gian gần đây, gây khó khăn trong việc tẩy, xóa. Ảnh: Ngọc Hà |
Tái diễn và biến tướng
Trong năm 2015, từ thành phố đến các quận, huyện đều rầm rộ tổ chức nhiều đợt ra quân tẩy xóa QCRV trái phép. Cơ quan chức năng cũng vào cuộc xử lý những trường hợp vi phạm, thậm chí huy động “tai mắt” nhân dân phát hiện những đối tượng dán quảng cáo. Nhờ vậy, tình trạng QCRV có giảm. Thế nhưng, hiện nay, QCRV trái phép tiếp tục tái diễn và biến tướng.
Trên các tuyến đường trung tâm của thành phố như: Quang Trung, Lê Duẩn, Điện Biên Phủ, Ông Ích Khiêm… hiện vẫn còn QCRV dán trên các trụ điện. Tại các tuyến đường nhỏ trong khu dân cư, tình trạng này thậm chí phổ biến hơn.
Người dân xung quanh khu vực Trường Đại học Kiến trúc (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Hòa Cường Nam) phản ánh, có một số đối tượng ngang nhiên dán QCRV ngay bên cạnh quy định xử phạt hành vi quảng cáo trái phép và in sơn dầu lên hộp điện, tủ điện của điện lực. Tại khu vực Trường Đại học Kinh tế (quận Ngũ Hành Sơn), mặc dù có bảng QCRV miễn phí ngay cạnh nhưng các đối tượng vẫn dán lên tường rào…
Theo ông Nguyễn Văn Thành (phường Tân Chính, quận Thanh Khê), QCRV trái phép dù đã giảm phần nào ở các tuyến đường mặt tiền, nhưng trong kiệt, hẻm lại còn nhiều vô kể. Các mẫu cũ chưa được xóa hết, nay các đối tượng dán thêm mẫu mới và dán bằng loại keo rất chắc, nên việc tẩy xóa khó khăn hơn. “Tôi nghĩ các cơ quan chức năng cần tìm giải pháp hữu hiệu, có hình thức xử lý, chứ cứ gỡ, xóa rồi đến lúc cũng nản lòng, buông bỏ”, ông Thành nói.
Trong khi đó, bà Khúc Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý quảng cáo thành phố cho hay, tháng 11-2015, toàn thành phố ra quân Tháng cao điểm thực hiện văn hóa, văn minh đô thị, trong đó hoạt động xóa QCRV được đẩy mạnh; sau khi tẩy xóa đã bàn giao cho từng địa phương, từng tổ dân phố quản lý.
Thế nhưng, QCRV nay xuất hiện trở lại. “Điều đáng nói, từ tháng 2-2016, tại các tuyến đường nhỏ, hình thức dán quảng cáo bằng cách in sơn dầu đã tái diễn, gây khó khăn cho địa phương, bởi để xóa QCRV loại này, cần phải dùng sơn, nhưng dù xóa hết vẫn gây nham nhở, mất mỹ quan, lại tốn kinh phí lớn”, bà Hương trăn trở.
Ngay dưới bảng quy định xử phạt hành vi quảng cáo trái phép là quảng cáo rao vặt trái phép. |
Chưa tìm được tiếng nói chung
Năm 2016, xóa bỏ QCRV trái phép tiếp tục là nhiệm vụ trọng điểm trong việc thực hiện văn hóa, văn minh đô thị. Các ngành, các cấp và địa phương đưa ra nhiều giải pháp như lắp đặt thêm các bảng quảng cáo miễn phí tại những địa điểm thuận lợi, thành lập các nhóm cộng tác viên phát hiện tố cáo đối tượng dán quảng cáo, vận động mỗi gia đình tự tẩy xóa quảng cáo trái phép trước mặt tiền nhà…; nhưng đó mới chỉ là giải pháp tạm thời và đến nay các ngành chức năng vẫn chưa tìm ra một giải pháp căn cơ giải quyết tình trạng QCRV trái phép.
Ông Nguyễn Chương Đức, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cắt hàng trăm số điện thoại vi phạm QCRV. Tuy nhiên, xác định tên, địa chỉ của các số điện thoại rất khó vì hầu hết là sim rác. “Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ TT&TT nên quy định quản lý sim trả trước như quản lý sim trả sau, mỗi số chứng minh nhân dân chỉ nên đăng ký một sim, như vậy mới có cơ sở xử lý, nhưng vẫn chưa thống nhất” ông Nguyễn Chương Đức nói.
Bàn thêm về giải pháp cho QCRV, bà Khúc Thanh Hương cho rằng, ngoài Sở TT&TT với nhiệm vụ cung cấp thông tin của số điện thoại vi phạm QCRV, cần sự vào cuộc của đơn vị quản lý các doanh nghiệp có liên quan và công an trong việc xác minh đối tượng. “Các ngành liên quan vẫn chưa ngồi lại cùng tìm giải pháp cho QCRV trái phép”, bà Hương nói.
Bài và ảnh: Ngọc Hà