Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi - hai phóng viên Báo Đà Nẵng vinh dự được tháp tùng đoàn công tác của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị bầu cử; thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Vượt hơn 1.000 hải lý, được gặp gỡ, chuyện trò, chứng kiến sinh hoạt trên vùng biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc, chúng tôi không khỏi xúc động, cảm phục ý chí quật cường của quân và dân nơi đây trong công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây đọc báo bên cột mốc chủ quyền. Ảnh: NGỌC ĐOAN |
Rạng sáng 3-4, con tàu kiểm ngư hiện đại nhất Việt Nam mang số hiệu KN.490 bắt đầu nhổ neo rời quân cảng Cam Ranh, rẽ sóng đưa đoàn chúng tôi đến với quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) thân yêu của Tổ quốc. Sau gần 2 ngày tròng trành trên biển, chung quanh chỉ có đường chân trời xa tít tắp, với màu xanh biển cả hòa lẫn màu xanh bầu trời nam miền Trung, cuối cùng nhóm đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa đã hiện ra trước mắt chúng tôi với những mảng xanh nhấp nhô trên sóng nước.
Khi đài chỉ huy thông báo đã đến điểm hạ xuồng xuống nhóm đảo đầu tiên, mọi người trên tàu không ai bảo ai đều dồn hết về mạn trái con tàu để nhìn ngắm một phần máu thịt của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Mọi người trên tàu reo hò, vẫy tay chào những người lính đảo đầu tiên theo xuồng ra đón đoàn. Ai cũng bồi hồi, xúc động chẳng khác nào những người con xa quê lâu năm trở về…
Tiếng gà trưa yên bình
Tàu thả neo giữa vùng nước sâu quanh đảo, đoàn công tác chia hai mũi, một cánh xuống xuồng CQ đi thăm đảo Đá Nam, cánh còn lại lên đảo Song Tử Tây. Tại Song Tử Tây, vừa bước lên cầu tàu và ra khỏi cổng chào của đảo, mọi người không khỏi ngạc nhiên khi giữa trưa nắng gắt bỗng nghe tiếng gà gáy vang vọng. Chuẩn đô đốc, Thiếu tướng Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân cho biết, đó là tiếng gà trưa báo hiệu sự yên bình. Bởi nếu mảnh đất này bất an, xáo trộn như những lời đồn thổi của các thế lực thù địch thì chẳng có con gà nào dám đứng gáy giữa ban trưa như thế.
Thật vậy, khung cảnh đảo Song Tử Tây thật an bình chẳng khác trên đất liền. Nơi đâu cũng thấy cây phong ba, cây bàng vuông đơm trĩu hoa, tỏa bóng mát xuống sân. Phía bên ngoài, nước biển xanh ngắt vỗ sóng rì rào trên những rạn san hô tạo nên khung cảnh đẹp thơ mộng. “Khi chưa đến với đảo, mình cứ nghĩ nơi đây chỉ có đất, đá và nắng gió. Nhưng trái lại, cuộc sống chẳng khác ở đất liền”, chị Nguyễn Minh Trang, giảng viên Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao), thành viên đoàn công tác nói.
Sau lễ chào cờ đầy xúc động với quân và dân trên đảo, các thành viên đoàn công tác tỏa xuống cơ sở, về khu dân cư. Nơi đây không chỉ có những người lính da sạm nắng gió, mà còn có trường học, bệnh xá, trụ sở UBND xã Song Tử và 7 hộ dân, với 28 nhân khẩu sinh sống, làm việc.
Hai vợ chồng anh Nguyễn Thành Chung (32 tuổi) và Trương Thị Thanh Xuân (27 tuổi) dẫn theo con gái Nguyễn Trương Quỳnh Thư rời quê ở Cam Ranh (Khánh Hòa) ra đảo Song Tử Tây sinh sống từ tháng 6-2013. Sau đó, vợ chồng anh sinh thêm cháu Nguyễn Trương Quỳnh Thi trên đảo này. Dù xa cách đất liền nhưng cuộc sống gia đình anh Chung khá sung túc, đầy đủ tiện nghi với ngôi nhà 100m2, có ti-vi, tủ lạnh…
Anh Chung kể, ban đầu, vợ chồng anh ra đây cũng bỡ ngỡ với nhiều thiếu thốn…, nhưng được các cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo quan tâm, giúp đỡ, nay mọi thứ trở nên gần gũi, thân thuộc. Ngoài những khi đánh cá trên biển, vợ chồng anh còn chăn nuôi gà, vịt, trồng rau xanh để có nguồn thức ăn phong phú. “Qua mấy năm sống ở đây, mảnh đất này trở thành quê hương thứ hai, ăn sâu vào máu thịt của chúng tôi… Chúng tôi chỉ mong gắn bó với nơi đây trọn đời”, anh Chung tâm sự.
Đảo là nhà, biển là quê hương
Trung tá Vũ Xuân Trường (quê Nam Định), Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây chia sẻ, công tác ở đảo, thi thoảng anh mới được về phép thăm gia đình. Ngày trở lại đơn vị, vợ con anh thủ thỉ: “Cả đời anh đã gắn với biển đảo, sao anh không xin chuyển về đất liền công tác để gần vợ con”. Những lúc như thế, anh Trường chỉ cười, động viên vợ con yên tâm, bởi anh phải thực hiện nhiệm vụ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Theo Trung tá Trường, dù cuộc sống, điều kiện công tác trên đảo còn khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn coi đảo là nhà, xem nhau như anh em ruột thịt. Đây cũng chính là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam.
Với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng biển, hầu hết ở các đảo chỉ có đất và đá. Để cải tạo môi trường xanh, cán bộ, chiến sĩ Hải quân phải chở từng chậu đất và cả cây xanh ở đất liền ra, tận dụng từng mảnh đất trống trồng rau, cây xanh. Ở đảo Song Tử Tây, ngoài những loài cây chịu được nắng, gió biển, mỗi khi về phép, cán bộ, chiến sĩ tranh thủ mang các loại cây chịu khí hậu biển như sấu, me, hoa giấy… ra để trồng. Những khoảnh đất trống được trồng mồng tơi, cải bẹ, rau muống… xanh ngát làm vơi đi cái nóng chói chang ở vùng biển, mang đến cho chúng tôi cảm giác an bình.
Theo Ban chỉ huy đảo Song Tử Tây, diện tích trồng rau của đảo rộng hơn 1.000m2; đàn bò, heo gần 40 con; đàn gia cầm hơn 420 con. Năm 2015, đảo đã sản xuất gần 13.000kg rau, củ, quả các loại. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt, từ tháng 10 đến khoảng tháng 6 năm sau là mùa gió muối, ít mưa nên nước ngọt trên đảo rất khan hiếm. Để khắc phục, cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải tận dụng lại nước thải sinh hoạt để chăm bón cho rau.
Tại đảo chìm Đá Nam, điều kiện sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ nơi đây còn gian khó hơn bởi đây là đảo đá, xung quanh là các bãi san hô ngút ngàn nắng và gió. Báo cáo với đoàn công tác, Chỉ huy đảo Lê Bá Quyết cho biết, đã hơn 5 tháng nay trời không mưa nên anh em phải tiết kiệm từng giọt nước ngọt.
Ngoài phần dự trữ chiến đấu, hằng ngày cán bộ, chiến sĩ chỉ dám sử dụng khẩu phần nước ngọt cho ăn uống và vệ sinh, tắm bằng nước mặn và dội lại bằng ít nước ngọt. Tuy vậy, anh em vẫn tận dụng các điểm bằng để làm giàn trồng rau, nuôi heo, chó, gà để vừa có nguồn thực phẩm bổ sung trong khẩu phần ăn hằng ngày, vừa làm bạn với vật nuôi…
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, các anh còn giúp ngư dân tham gia đánh bắt hải sản tại ngư trường Trường Sa, san sẻ những ca nước ngọt quý báu cho dân và tổ chức sinh hoạt văn hóa - văn nghệ như: xem ti-vi, đọc sách báo với tủ sách gần 500 đầu sách, báo các loại…
Khi đến thăm đảo Sinh Tồn Đông, mọi người trong đoàn ai cũng đều thích khung cảnh xanh mát. Ở giữa sân có một bể cá được xây mô phỏng hình trái tim và chiếc lá của loài hoa sen - biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Hòn non bộ bằng san hô lấy từ biển được dựng cao khỏi mặt đất, bên trong bể là những chú cá biển đầy màu sắc bơi lội tung tăng. Ngoài việc xây dựng cảnh quan thiên nhiên, Ban chỉ huy đảo Sinh Tồn Đông cũng tạo sân chơi thể dục thể thao cho cán bộ, chiến sĩ tập luyện sau giờ làm việc.
Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân cho hay, cán bộ, chiến sĩ ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa luôn xem đảo là ngôi nhà thân yêu của mình. Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ luôn chăm sóc, giữ gìn màu xanh cho ngôi nhà của mình ngày càng trở nên tươi đẹp hơn.
Đến thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam bày tỏ vui mừng khi cán bộ, chiến sĩ nơi đây luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước luôn chung lòng hướng về biển đảo, gửi trọn niềm tin đối với cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển, đảo ở quần đảo Trường Sa. |
CHUNG ANH - NGỌC ĐOAN