.

Tổ quốc nơi đầu sóng - Bài 2: Nước mắt chiều Gạc Ma

.

Trong suốt hải trình hơn 10 ngày lênh đênh trên biển, chúng tôi thật sự xúc động khi đến khu vực biển, đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam. Hình ảnh 64 cán bộ, chiến sĩ của Hải quân nhân dân Việt Nam ngã xuống cách đây 28 năm để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng lại hiện về trong tâm trí chúng tôi…

Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, đọc điếu văn tri ân, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988.  Ảnh: NGỌC ĐOAN
Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, đọc điếu văn tri ân, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Có người lính ra đi từ đó không về!

Chiều 7-4, tàu KN.490 đưa đoàn công tác chúng tôi đến thăm cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin. Cách đó chừng vài hải lý là đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép từ năm 1988.   

Sau khi thăm hỏi, tặng quà cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cô Lin, các thành viên trong đoàn cùng cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin cùng nghe các nữ văn công Đoàn văn công Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hát những bản nhạc ngợi ca người lính hải quân, biển đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

Trước khi chia tay cán bộ, chiến sĩ trên đảo Cô Lin, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam bắt nhịp bài hát Màu hoa đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến để cả đoàn cùng hát: …Có người lính mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo. Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về. Dòng tên anh khắc vào đá núi. Mây ngàn hóa bóng cây tre. Chiều biên cương trắng trời sương núi. Mẹ già mỏi mắt nhìn theo… Ánh mắt mọi người đều rưng rưng nhớ các chiến sĩ Hải quân đã anh dũng ngã xuống dưới mũi súng tàn bạo của quân thù vào năm 1988. Không giấu được nỗi xúc động, Thượng tá Đỗ Thị Minh, cán bộ Hội Phụ nữ Công an nhân dân nức nở: Các anh ơi! Chúng tôi đã về đây, các thế hệ người dân Việt Nam sẽ không quên sự hy sinh của các anh trong công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc.

Mong các anh bình an nơi sóng nước

Con tàu KN.490 thả neo ở giữa vùng biển, đảo Gạc Ma. Dưới bóng chiều tà, đoàn công tác tổ chức buổi lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép đảo Gạc Ma của Việt Nam vào ngày 14-3-1988.

17 giờ 30, tất cả thành viên đoàn công tác đều có mặt đầy đủ trên boong tàu, thành kính, xúc động chứng kiến trưởng đoàn thắp hương bàn thờ các liệt sĩ và lắng nghe điếu văn tưởng niệm do Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân Đặng Minh Hải đọc. Sau đó, mọi người cùng tham gia lễ thả bàn thờ và hương hoa cho các anh. Khi tiếng nhạc Hồn tử sĩ vang lên, có rất nhiều người trong đoàn đã bật khóc…  

… Bất chấp công lý và lẽ phải, ngày 14-3-1988 Trung Quốc đã ngang nhiên, bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta. Trong cuộc chiến đấu không cân sức giữa cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng, súng bộ binh với lực lượng tàu chiến hùng hậu của Trung Quốc có trang bị vũ khí hiện đại, đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ các tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146, Trung đoàn Công binh 83 Hải quân...

Các anh đã dũng cảm, ngoan cường, chiến đấu hy sinh để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng, như tấm gương anh dũng hy sinh của Anh hùng liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sĩ, Đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng tàu HQ 604; Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma... Trước lúc hy sinh, anh Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Đó còn là Anh hùng, thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm...

Các anh đã nằm lại nơi đây, hòa mình vào trong lòng biển đảo quê hương. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cấp, các ngành, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã làm hết sức mình để tìm kiếm các anh. Song, biển thì rộng và sâu, mà sức người có hạn, nên đến nay hình hài nhiều cán bộ, chiến sĩ anh dũng năm nào vẫn nằm lại dưới đáy biển sâu...

Sự ra đi của các anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang, để lại phía sau là niềm tự hào và sự tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng bào, đồng chí; để lại nỗi nhớ khôn nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ, người con.

Giữa biển, trời Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc; trước anh linh của những cán bộ, chiến sĩ Hải quân ưu tú đã ngã xuống; trong niềm tin son sắt về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng, từ trong sâu thẳm lòng mình, toàn thể đoàn công tác nguyện mãi mãi tiếp bước xứng đáng niềm tin và lý tưởng của thế hệ đi trước; quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đoàn công tác đã thành kính dâng hương, hoa, lên anh linh các anh hùng liệt sĩ, mong các anh yên nghỉ an lòng trong bóng hình sóng nước.

Chiều muộn, vòng hoa và bàn thờ đã được thả xuống nước và trôi xa về phía đảo Gạc Ma, nhưng hai bên boong tàu vẫn có nhiều người nán lại để gửi thêm cho các anh những cây hương, nhành hoa và cả những con chim hạc bằng giấy mà các thành viên nữ đã gấp suốt mấy đêm qua. Những tiếng khóc nấc vẫn thỉnh thoảng dội vào sự tĩnh mịch của buổi chiều tưởng niệm... Chứng kiến hình ảnh đó, ngay cả những người đã đi qua chiến tranh như các vị tướng dạn dày trận mạc cũng không cầm lòng được.

Lau những giọt nước mắt trên gương mặt, cô phóng viên Truyền hình Công an nhân dân Nguyễn Thị Thu Hoa chia sẻ: “Mình đã nhiều lần nghe, xem về cuộc chiến phi nghĩa của Trung Quốc khi dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam. Nhưng hôm nay, đứng ngay biển đảo Gạc Ma, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mình thật sự rất xúc động...”.

CHUNG ANH - NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.