Giúp trẻ khuyết tật có nghề để tự nuôi sống bản thân là cách nhiều cơ sở từ thiện tại Đà Nẵng đang
thực hiện.
Trẻ khuyết tật học nghề làm hoa vải ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ bất hạnh Đà Nẵng. |
Sống được bằng nghề
Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ bất hạnh tại huyện Hòa Vang, trực thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng mỗi năm chăm sóc hơn 60 lượt trẻ em là nạn nhân da cam. Một số em trong đó sau khi rời Trung tâm đã có nghề nghiệp mưu sinh lâu dài.
Em Hồ Thị Láng (19 tuổi, ở xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) vào Trung tâm từ năm 2011. Láng được bố mẹ gửi vào đây với mong muốn cho em có chỗ sinh hoạt vui chơi và đỡ phần nào khó khăn cho gia đình. Khi mới vào học, Láng rất mặc cảm, tự ti, không dám nói chuyện với ai, chỉ ngồi một mình trong góc phòng.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, cô gái bé tẹo, chỉ đứng nhỉnh hơn cạnh bàn chút xíu lại trở thành học viên xuất sắc của lớp may do Trung tâm tổ chức. Năm 2014, Láng về nhà và làm cho một xưởng may ở xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang với mức thu nhập 2,5-3 triệu đồng/tháng. “Em cứ nghĩ cuộc đời mình bỏ đi rồi. Thế nhưng, các thầy, cô nơi đây đã cho em cái nghề nuôi sống bản thân và có thể phụ giúp mẹ nuôi hai em nhỏ. Em rất hạnh phúc”, Láng thổ lộ.
Cô bé Ngô Mỹ (23 tuổi, ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) vào Trung tâm cùng lúc với Láng và cũng tham gia lớp may. Ban đầu, những sự cố kim đâm vào tay, may sai, hỏng đồ xảy ra liên miên với Mỹ. Thế nhưng, đến nay, Mỹ đã thạo nghề và trở thành công nhân cho một xí nghiệp may ở Khu công nghiệp Hòa Khánh với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng.
“Mỹ mới về thăm chúng tôi và mua nước ngọt tặng các em. Cô bé nói mua nước bằng những đồng tiền từ nghề may kiếm được”, cô Nguyễn Thị Cẩm Vang, Phó Giám đốc Trung tâm phấn khởi cho biết.
Không riêng Hội Nạn nhân chất độc da cam và trẻ bất hạnh, Trung tâm Hướng nghiệp Từ thiện tại quận Ngũ Hành Sơn, thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố hiện cũng dạy nghề cho khoảng 50 trẻ khuyết tật với các nghề may, in, kết cườm, làm nhang. Ông Lê Tấn Hồng, Giám đốc Trung tâm cho hay, có nhiều em đã “ra nghề”, có thể tự nhận hàng về nhà làm thêm, kiếm thu nhập nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình.
Cảm thấy mình có ích
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, thành phố hiện có hơn 10.000 người khuyết tật, trong đó khoảng hơn 3.000 người có việc làm ổn định. Số còn lại chưa có việc làm hoặc bệnh tật không có khả năng lao động, phần lớn gia đình khó khăn hoặc thuộc hộ nghèo.
Thời gian qua, cùng với hoạt động trợ giúp, tạo điều kiện để người khuyết tật có cơ hội hòa nhập, vươn lên trong cuộc sống, thành phố Đà Nẵng triển khai nhiều chủ trương, chính sách liên quan, giải quyết kịp thời trợ cấp xã hội hằng tháng cho các đối tượng đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, dịp lễ, Tết, các cơ quan chức năng, đoàn thể đều thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ cho các gia đình đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố, việc giúp cho người khuyết tật có cái nghề tự nuôi sống bản thân mới thực sự mang ý nghĩa lâu bền, bên cạnh việc chăm sóc đơn thuần. “Bao năm qua, chúng tôi dạy các em nghề thêu, may, làm hương, kết cườm, làm hoa... Sau một thời gian học, có 4 em nhận hàng về làm tại nhà hoặc mở cửa hàng nho nhỏ tùy khả năng”, bà Nguyễn Thị Hiền cho biết.
Ông Lê Tấn Hồng cũng chia sẻ, lúc mới gửi con vào Trung tâm, hầu hết phụ huynh chỉ muốn có nơi ăn, ngủ cho các cháu để cha mẹ yên tâm đi làm kiếm tiền, nhưng sau thời gian học nghề, chính các cháu lại trở thành lao động phụ giúp gia đình. “Quan trọng hơn là các em có thể tự “đi” trên đôi chân mình, tự quyết định tương lai của bản thân và cảm thấy mình có ích”, ông Hồng nói.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ