Về lại Hòa Vang hôm nay, được đi trên những con đường bê-tông liên xã, liên thôn thoáng rộng mới cảm nhận được sự đổi thay kỳ diệu của một vùng đất mà hơn 41 năm trước bị địch cày xới tan hoang bằng mưa bom, bão đạn. Niềm ước ao bao đời của người dân nay trở thành hiện thực khi Hòa Vang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), kiến tạo hạ tầng nông thôn khá đồng bộ, những mô hình kinh tế trù phú mang lại thu nhập cao…
Từ chương trình nông thôn mới đã hình thành nhiều mô hình sản xuất chuyên canh mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Trong ảnh: Cánh đồng rau an toàn ở xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. |
Mảnh đất chịu nhiều mất mát, đau thương
Sau khi đổ bộ vào Đà Nẵng, Mỹ tiến hành chiến lược chiến tranh cục bộ tại miền Nam Việt Nam, dã tâm biến Hòa Vang thành vành đai trắng với mục đích bảo vệ căn cứ hải - lục - không quân khổng lồ tại Đà Nẵng. Từ đèo Hải Vân đến núi Ngũ Hành Sơn, nơi nào trên mảnh đất Hòa Vang cũng bị bom đạn kẻ thù cày xới không thương tiếc. Nhưng với truyền thống bất khuất, đoàn kết một lòng, quân và dân Hòa Vang vẫn giữ vững cơ sở cách mạng, nung nấu thời cơ giải phóng quê hương.
Với khí thế “một ngày bằng 20 năm”, 41 năm trước, quân và dân Hòa Vang, chớp thời cơ đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Sau hơn 24 giờ thần tốc tiến công và nổi dậy, quân và dân Hòa Vang phối hợp với các mũi tiến công của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương chớp thời cơ vùng dậy đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, đánh đổ hoàn toàn ngụy quân, ngụy quyền.
Đúng 17 giờ ngày 28-3-1975, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc tòa nhà hành chính huyện, đánh dấu một sự kiện lịch sử: huyện Hòa Vang đã được giải phóng. Chưa đầy 1 ngày sau đó, thành phố Đà Nẵng được giải phóng, hòa cùng cuộc đại thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Không ngại khó, ngại khổ, ngay sau ngày quê hương giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hòa Vang bắt tay ngay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất. Từ hạ tầng không điện, không đường, không trường, không trạm, dưới sự hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), huyện từng bước nâng cấp, sửa chữa và làm mới những công trình thiết yếu phục vụ dân sinh. Tất cả được thực hiện bằng khí thế hừng hực vì quê hương.
Người dân sản xuất trên chính mảnh đất của mình, không chịu sống cảnh nghèo khó. Hơn 10 năm sau giải phóng, Hòa Vang từng bước vượt qua khó khăn, tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn; từ đó tạo nền tảng cho một Hòa Vang vững bước đi lên trong hành trình 20 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.
Đổi thay nhờ chương trình nông thôn mới
Dấu ấn phát triển của huyện Hòa Vang thể hiện rất rõ trong giai đoạn 2010-2015, khi huyện bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với 19 tiêu chí cụ thể. Buổi ban đầu, từ chỗ còn lúng túng, chưa hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về NTM, đến nay toàn hệ thống chính trị từ huyện đến thôn và hầu hết người dân đều tích cực, say mê xây dựng NTM.
Trong bối cảnh đó, Chỉ thị 18-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy tiếp thêm sức mạnh và điều kiện quan trọng để huyện Hòa Vang xây dựng NTM đúng hướng và ngày càng bền vững. Điều đáng ghi nhận là huyện Hòa Vang đã biết phát huy nội lực và tranh thủ sự chung tay giúp đỡ từ bên ngoài để phát triển đúng định hướng theo chương trình NTM. Kết cấu hạ tầng của huyện được đầu tư mạnh và từng bước đồng bộ theo hướng đô thị. Điểm nhấn là đầu tư giao thông, trường học, y tế, thiết chế văn hóa, điện, nước sạch và các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất trên cùng một diện tích ngày càng mang lại hiệu quả. Kết quả rõ nét nhất là toàn huyện đã phát triển hàng trăm mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
Cuối năm 2015, 10/11 xã của huyện Hòa Vang đạt chuẩn NTM; huyện được Chính phủ công nhận là huyện NTM. Cùng với diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại; chất lượng cuộc sống của người dân tăng lên với thu nhập bình quân đầu người hiện nay gần 30 triệu đồng/năm (tăng gần 2 lần so với năm 2010). Toàn huyện có 200 dự án đã và đang triển khai cho thấy tốc độ đô thị hóa ở vùng đất này ngày càng nhanh chóng.
Mặc dù về đích trong xây dựng NTM của Hòa Vang trước 5 năm so với tiến độ chung của cả nước (2020) nhưng không bằng lòng với hiện tại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện quyết tâm giữ vững và nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa phục vụ đô thị, từ đó rút ngắn khoảng cách thu nhập so với thành phố.
Bài và ảnh: Việt Dũng