LTS: Ngày 26-5, Hội thảo “Báo chí miền Trung tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo” do tạp chí Người làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi).
Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Đà Nẵng TRƯƠNG CÔNG ĐỊNH tham dự và có bài phát biểu đề cập việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo liên quan đến thái độ ứng xử và trách nhiệm của các thế hệ người Việt Nam đối với di sản mà cha ông để lại.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: SƠN TRUNG |
Báo Đà Nẵng xin giới thiệu bài phát biểu này.
Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay, liên quan đến thái độ ứng xử và trách nhiệm của các thế hệ người Việt Nam đối với di sản mà ông cha để lại; liên quan đến việc giữ vững hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Những vấn đề này, hơn ai hết, những người làm báo chí cách mạng Việt Nam cần phải tham gia và có tiếng nói chính thống, kịp thời, mạnh mẽ, tâm huyết.
Vì vậy, tôi cho rằng, Hội thảo “Báo chí miền Trung tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo” được tổ chức tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) hôm nay vô cùng ý nghĩa trong việc góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền, thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò, trách nhiệm của báo chí trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của chúng ta đối với hơn 1 triệu km2 diện tích biển của Tổ quốc và đối với hơn 3.000 hòn đảo, trong đó đặc biệt là hai huyện Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy nhiên theo chúng tôi, chủ đề của hội thảo cũng cần được hiểu đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo bao hàm cả sứ mệnh giành lại đảo, quần đảo đang bị nước ngoài cưỡng chiếm trái phép. Vẫn biết cuộc đấu tranh đó là khó khăn, gian khó và lâu dài.
Viết về biển, đảo là trách nhiệm và tình yêu đất nước. Điều đó đã và đang được những người làm báo cách mạng Việt Nam thể hiện rất rõ, nhất là kể từ khi Biển Đông dậy sóng với việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 hoạt động trái phép tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Trung Quốc thể hiện mưu đồ rất rõ ràng tại Biển Đông bằng các hoạt động phi pháp: bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng trường học tại nơi gọi là “thành phố Tam Sa”, xây đường băng trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đưa các máy bay tiêm kích hiện đại trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam với ý đồ quân sự hóa Biển Đông, đưa tàu cá đến Trường Sa.
Và những người làm báo tại Đà Nẵng, trong đó có Báo Đà Nẵng, ý thức sâu sắc về tinh thần dân tộc, về trách nhiệm và tình yêu thiêng liêng này, về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bởi Đà Nẵng có huyện đảo Hoàng Sa, núm ruột của thành phố, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, từ ngày 19-1-1974 đã bị phía Trung Quốc chiếm đoạt một cách nhẫn tâm và phi pháp.
Trong lòng mỗi người Đà Nẵng luôn cháy bỏng khát vọng: Phải đòi lại Hoàng Sa! Tại Hội thảo “Chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông trên báo Đảng” do Báo Đà Nẵng tổ chức hồi tháng 3-2015, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí đã phát biểu đầy tâm huyết và trách nhiệm rằng,
“Hoàng Sa là một phần máu thịt của Việt Nam, nhưng 41 năm qua vẫn còn nằm dưới sự chiếm đóng trái phép của Trung Quốc. Như vậy, một phần Đà Nẵng vẫn chưa được giải phóng”; và “chừng nào vẫn còn người Việt Nam chưa nhận thức được đầy đủ về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa thì chừng đó báo chí chúng ta vẫn chưa tròn trách nhiệm”. Điều đó cho thấy bổn phận của báo chí vô cùng lớn lao trong việc góp phần bảo đảm ổn định chính trị, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung.
Vậy, trách nhiệm đó là gì?
Thứ nhất là tuyên truyền về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định: “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
“Việt Nam đã chịu nhiều đau thương, mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bắt buộc phải tự vệ”.
Thực tế, trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, báo chí cả nước đã có tiếng nói chung, truyền tải kịp thời tinh thần yêu nước của người dân, phát đi thông điệp để người dân trong nước và nhân dân thế giới phản đối hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Báo chí thông tin về sự kiện này bằng rất nhiều tin, bài; bằng tấm lòng yêu nước, nhiệt huyết của hàng trăm phóng viên ở các cơ quan báo chí và cả lực lượng phóng viên trực tiếp tác nghiệp thực địa tại Hoàng Sa.
Qua phản ánh của báo chí, nhân dân Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước nắm bắt đầy đủ thông tin, ủng hộ, động viên lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân kiên cường bám biển, khôn khéo trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia; đồng thời thể hiện niềm tin vững chắc, khẳng định quan điểm giải quyết mọi mâu thuẫn, bất đồng thông qua đàm phán, hòa bình; kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, xem đó là yêu cầu tối thượng, bảo vệ chủ quyền quốc gia gắn với bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để xây dựng và phát triển, bảo vệ tình đoàn kết, hữu nghị với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có cả nhân dân Trung Quốc.
Thông qua báo chí, cộng đồng quốc tế đã kịp thời bày tỏ quan điểm, lên án hành động của Trung Quốc vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Thứ hai, thực hiện công tác tuyên truyền, phản ánh một cách thận trọng, không nóng vội để tránh sa vào âm mưu kích động, chống phá của các thế lực thù địch. Trong lịch sử chống ngoại xâm, khi đương đầu với những kẻ thù mạnh gấp bội mình, để giành thắng lợi cuối cùng, nhân dân Việt Nam đã sử dụng tài tình nghệ thuật biết thắng từng bước; đánh lùi địch từng bước, giành thắng lợi từng bước cho cách mạng, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng.
“Cuộc chiến” trong lĩnh vực truyền thông bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cũng vậy, các nhà báo cũng cần biết “thắng từng bước”, có sự phối hợp chặt chẽ với các “binh chủng” khác nhằm tạo được sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền.
Thứ ba, các nhà báo, từ phóng viên đến tổng biên tập cần tự trang bị kiến thức về biên giới, về biển, hải đảo nói chung, tình hình biển, đảo Việt Nam, nắm chắc nội dung Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (1982), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)..., bởi nếu hiểu sai sẽ dẫn đến viết sai, ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thực tế, nhiều nhà báo vẫn lúng túng khi gặp những thuật ngữ chuyên môn về biên giới, về biển, về chủ quyền, v.v...
Hơn nữa, trong bối cảnh đấu tranh quốc tế phức tạp hiện nay, kiến thức về biển, đảo, những vấn đề về luật biển, chủ quyền, căn cứ khoa học, căn cứ lịch sử... cần phải được thường xuyên cập nhật. Ngoài sự nỗ lực và thái độ làm việc nghiêm túc của các nhà báo, chúng tôi nghĩ rằng, việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đặc biệt là sự định hướng của Trung ương về tuyên truyền biển, đảo có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Việc cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí là cách để đẩy mạnh thông tin đối nội và đối ngoại, để dư luận quốc tế, trong đó có nhân dân Trung Quốc, hiểu rõ lập trường chính nghĩa, thái độ đúng đắn, có trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề Biển Đông.
Xung quanh việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo liên quan đến thái độ ứng xử và trách nhiệm của các thế hệ người Việt Nam với di sản của cha ông, xin kể về một số báo đặc biệt nhất trong năm 2014 của Báo Đà Nẵng, đó là số báo Đà Nẵng cuối tuần chuyên đề Hoàng Sa - 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép phát hành ngày 19-1-2014. Để làm được số báo như thế là cuộc chuẩn bị chu đáo, đầy trách nhiệm của đội ngũ phóng viên, biên tập viên Báo Đà Nẵng, vì vậy đã tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc, đến nay nhiều bạn đọc vẫn tìm kiếm số báo này.
Vào thời điểm ấy, có thể nói Báo Đà Nẵng là tờ báo Đảng duy nhất trong cả nước ra được số báo chuyên đề rất hợp lòng dân, thể hiện chính kiến của Đảng bộ thành phố và những người làm báo Đảng của thành phố về một sự thật liên quan đến Đà Nẵng: Huyện đảo Hoàng Sa thân yêu vẫn đang bị ngoại bang chiếm đóng, một phần thành phố quê hương vẫn chưa được giải phóng. Điều đó khẳng định tình cảm đau đáu trong lòng mỗi người dân yêu nước, rằng “còn nhớ tức là chưa mất, chỉ mất khi đã lãng quên”.
Đó chính là điều mà tôi muốn chuyển tải qua tham luận này, rằng hội thảo của chúng ta hôm nay, cùng với việc nâng cao chất lượng tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo nói chung, là việc nhắc nhở chúng ta về một trách nhiệm, cũng là tình yêu thiêng liêng, cao cả, là góp phần vào việc ghi dấu lịch sử, làm cho mọi người dân trên mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài nhớ về từng tấc đất thiêng liêng của nước Việt; từ đó góp sức mình vào công cuộc bảo vệ chủ quyền dài lâu, kiên trì và không khoan nhượng này.