.

Xây dựng Gia đình văn hóa: Giảm bệnh "thành tích"

.

Tỷ lệ gia đình văn hóa thấp nhất nước; siết chặt danh hiệu thôn, tổ văn hóa là những kết quả, cách làm cho thấy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) của Đà Nẵng trong 15 năm qua đang dần kéo con số “ảo” về gần thực tế hơn.

Hoạt động lễ hội lành mạnh tạo sự gắn kết trong nhân dân.
Hoạt động lễ hội lành mạnh tạo sự gắn kết trong nhân dân.

Giảm danh hiệu “Gia đình văn hóa”

Báo cáo chính thức về phong trào TDĐKXDĐSVH, do UBND thành phố vừa ban hành cho thấy, giai đoạn 2005-2010, danh hiệu Gia đình văn hóa (GĐVH) của toàn thành phố đạt trung bình từ 82-90%. Từ năm 2011, tỷ lệ này có chiều hướng giảm.

Cụ thể, tỷ lệ GĐVH giai đoạn 2011-2014 giảm 10,9% so với giai đoạn 2005-2010. Riêng năm 2015, toàn thành phố có 189.937/242.230 hộ được công nhận GĐVH, chiếm 78,41%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung cả nước (bình quân cả nước đạt 85,03%).

Theo ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao, tỷ lệ GĐVH Đà Nẵng thấp nhất nước là do ngoài tiêu chí của Trung ương, thành phố còn bổ sung một số tiêu chí riêng khi xét tặng. Trung ương có 11 tiêu chí chung danh hiệu GĐVH; tuy nhiên, Đà Nẵng chọn lọc 10 tiêu chí và bổ sung 6 điểm liệt.

Chỉ cần mắc 1 trong 6 điểm liệt, coi như gia đình đó bị loại. Chẳng hạn, gia đình sinh con thứ ba; có người mắc các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, cờ bạc; không thực hiện nghĩa vụ quân sự; vi phạm pháp luật chịu xử phạt hành chính trở lên là không được bình xét GĐVH.

Siết chặt danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa

Trong quá trình thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, Sở Văn hóa-Thể thao cũng tham mưu UBND thành phố điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí sát thực tế, nâng cao chất lượng danh hiệu tổ, thôn văn hóa, phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

Theo đó, tổ dân phố để phát sinh mới người mắc tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, cờ bạc, số đề bị xử lý hành chính trở lên sẽ bị tước danh hiệu; tổ dân phố/thôn văn hóa phải có hơn 80% hộ thực hiện tốt các quy định nếp sống văn hóa trong việc tang, cưới. Năm 2015, xét công nhận tổ dân phố, thôn, phường/xã đạt danh hiệu văn hóa còn có thêm tiêu chí “không có quảng cáo, rao vặt sai quy định”.

Hơn mấy chục năm làm tổ trưởng, ông Châu Văn Sâm, Tổ trưởng tổ 82 (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) rất ủng hộ việc “siết chặt” danh hiệu như cách làm hiện nay của thành phố. “Cách đây 2 năm, có một trường hợp tạm trú tại tổ bị xử phạt do ghi đề. Thế là công sức cả tổ gầy dựng danh hiệu văn hóa bị tước. Buồn lắm chớ, nhưng nhờ vậy chúng tôi càng cố gắng phấn đấu không bị điểm “liệt”. Ở góc độ nào đó, phong trào vẫn còn mang tính hình thức; song không phủ nhận phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở, nhất là gắn chặt tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của bà con lối xóm”, ông Sâm nói.

Ông Nguyễn Hữu Cẩm, Trưởng thôn Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), đơn vị đạt danh hiệu Thôn văn hóa tiêu biểu xuất sắc giai đoạn 2005-2015, cũng bày tỏ sự phấn khởi trước đổi thay của làng quê. Theo ông Cẩm, việc tang là chuyện hiếu nghĩa. Xưa nay, người ta quan niệm càng rình rang, càng thể hiện tình cảm đối với người đã khuất; nhưng qua tuyên truyền, vận động, đến nay đám tang chỉ còn gói gọn mời nước, mời trầu, đặc biệt không rải vàng mã khi đưa tang.

Dựa vào thực tế địa phương, Cẩm Nê lồng ghép phong trào TDĐKXDĐSVH với xây dựng nông thôn mới và đạt nhiều kết quả: được huyện thí điểm mô hình “Thôn không rác”, “Vùng rau an toàn”; nhân dân hiến hơn 1.500m2 đất, góp gần 1 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thôn Cẩm Nê không còn hộ đói, không nhà tạm, chỉ còn 14 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 27,3 triệu đồng/năm.

“Một thực tế dễ thấy là người dân hiện rất thờ ơ với danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Điều này khiến những người làm công tác văn hóa không khỏi chạnh lòng. Vì thế, chúng tôi cố gắng đưa phong trào thực chất hơn, không chạy theo thành tích. Làm sao những hộ được nhận danh hiệu cảm thấy tự hào, mang giấy chứng nhận về treo trang trọng trong nhà và những gia đình chưa đạt đều muốn phấn đấu vươn lên. Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số tiêu chí để thực hiện hiệu quả hơn nữa phong trào”, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao chia sẻ.
Thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, năm 2015, trên địa bàn thành phố có 4.331/5.829 tổ dân phố, thôn đạt danh hiệu Tổ dân phố/Thôn văn hóa, đạt tỷ lệ 74,3%; 21/45 phường đạt chuẩn văn minh đô thị; 11/11 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 742/833 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, đạt 89,1% tổng số đăng ký; toàn thành phố thoát hết 2.000 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt và thoát hết hộ nghèo theo chuẩn thành phố, cơ bản hoàn thành các mục tiêu và về đích trước thời hạn 2 năm.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.