Chính trị - Xã hội

Báo cáo tình hình thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015:

Cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu

14:00, 16/06/2016 (GMT+7)

Sáng 15.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Báo cáo tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015. Tại phiên họp, nhiều đại biểu đề nghị cần làm rõ nguyên nhân gây lãng phí cũng như trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra lãng phí tài sản, tiền của Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp.Ảnh: Q.H
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Q.H

Năm 2015 cả nước mua mới 611 xe ôtô công

Trình bày báo cáo tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, trong năm 2015 các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tiết kiệm được 37.925 tỉ đồng, tăng 21.542 tỉ đồng (tăng 231% so với năm 2014). Trong đó, có một số bộ, địa phương có kết quả tiết kiệm cao như: Bộ Giao thông Vận tải 23.932 tỉ đồng, Bộ Quốc phòng 1.519 tỉ đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường 600 tỉ đồng, Hà Nội 1.624 tỉ đồng; Đà Nẵng 570 tỉ đồng; Bình Dương 550 tỉ đồng.

Tổng hợp kết quả báo cáo của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, năm 2015 đã thực hiện mua mới: 611 xe ôtô với tổng nguyên giá 603 tỉ đồng (khối Trung ương mua sắm 69 xe; khối địa phương mua sắm 542 xe), số lượng xe ôtô mua mới chủ yếu là để trang bị cho các cơ quan, đơn vị mới thành lập chưa có xe ôtô và thay thế số xe ôtô chuyên dùng đã hết thời hạn sử dụng.

Đến năm 2015, đã có 14 bộ, ngành, 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tinh giản biên chế năm 2015 và 1 bộ, ngành, 13 tỉnh, thành phố đề nghị giải quyết tinh giản biên chế đợt I năm 2016 với số đối tượng tinh giản là 5.433 người. Tuy nhiên, bên cạnh việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã đạt được, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày cũng nêu rõ những tồn tại như việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, kỷ luật tài chính chưa nghiêm. “Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh không chỉ gây kém hiệu quả, mà còn là gánh nặng của chi NSNN. Tỉ lệ chi thường xuyên trong tổng chi NSNN lớn (67,7%)” - ông Hải nói.

Lãng phí, thất thoát trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, báo cáo nêu Bảo tàng Hà Nội qua gần 5 năm đi vào hoạt động hiệu quả sử dụng rất thấp; Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỉ đồng vẫn “đắp chiếu” sau gần 10 năm thực hiện; ký túc xá sinh viên tại Hà Nội và một số tỉnh, thành không có sinh viên sử dụng...

Cần làm rõ nguyên nhân gây lãng phí

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc lãng phí trong thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần làm rõ. “Bởi vì trong khi tiến hành cổ phần hóa chúng ta đưa ra những điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc để xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp. Ví dụ, cổ phần Xưởng phim truyện Việt Nam là một câu chuyện rất lớn, dư luận rất quan tâm. Khi cổ phần hóa việc xác định giá trị của xưởng phim đó thế nào, đất, nhà cửa thế nào, thương hiệu thế nào, chưa nói đến cơ chế đấu giá. Những việc như thế này báo cáo cần tập trung vào để có những kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Đồng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng: Đơn cử Nhà máy tơ sợi Đình Vũ ở Hải Phòng; Nhà máy gang thép ở Thái Nguyên; Nhà máy đạm Ninh Bình... “Nếu được thì Quốc hội yêu cầu báo cáo cụ thể về mấy dự án này, trách nhiệm của người đầu tư, người đứng đầu. Trong việc đề bạt cán bộ, những người có trách nhiệm và những người công tác tại các đơn vị trên hiện đã luân chuyển công tác đi đâu, làm gì khi để xảy ra dấu hiệu lãng phí nhiều tại các dự án trên” - bà Nga kiến nghị.

Cũng đề cập đến vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - cho rằng: Cử tri và nhân dân rất quan tâm đến vấn đề sử dụng sai nguyên tắc, trên định mức với những tài sản như xe công và các mức chi tiêu trong hoạt động công vụ.

Chiều cùng ngày, với 100% số đại biểu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2015 là 5.460 tỉ đồng để sử dụng trong việc bù hụt thu 2.144 tỉ đồng, tăng lương 2.100 tỉ đồng, còn lại thưởng vượt thu cho 10 địa phương.

Còn số tiền 10.000 tỉ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp năm 2015 chưa sử dụng, đề nghị Chính phủ trình ra Quốc hội để Quốc hội quyết định.

Theo Lao động
 

.