Chính trị - Xã hội
Báo chí chuyển tải thông tin kịp thời, chính xác, có trách nhiệm
Tại lễ kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2016) và trao Giải báo chí thành phố năm 2015. Ông Mai Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng, có bài phát biểu nhìn nhận về sự đồng hành của báo chí đối với công cuộc phát triển của thành phố Đà Nẵng. Báo Đà Nẵng giới thiệu bài phát biểu này.
Đã 91 năm trôi qua kể từ ngày Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận và lý luận của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội - tờ báo do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp tổ chức, biên tập, phát hành số đầu tiên, mở ra truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam. Có thể thời gian tồn tại của tờ Thanh Niên không dài, số lượng phát hành của Thanh Niên không nhiều, nhưng sự xuất hiện của tờ Thanh Niên ngay trong những ngày đầu lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tập hợp những người con yêu nước, để nghiên cứu lý luận và đường lối giải phóng đất nước thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp, đã khẳng định một kết luận không bao giờ sai: báo chí và truyền thông bao giờ và lúc nào cũng là công cụ quan trọng hàng đầu cho sự đấu tranh giành độc lập cũng như xây dựng đất nước.
Thực vậy, trong tăm tối của đêm dài nô lệ, báo chí cách mạng như những chấm sáng để thức tỉnh và kêu gọi nhân dân “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”. Trong khói lửa ác liệt của các cuộc chiến đấu giải phóng đất nước, báo chí như ngọn cờ truyền đi sự hiệu triệu toàn dân đoàn kết chống lại kẻ thù, dù nó đến từ phương Tây xa xôi, hay ở gần sát cạnh chúng ta. Những nhà báo thực sự là những chiến sĩ can trường. Trong máu xương của hàng triệu người hy sinh cho nền độc lập dân tộc, có máu và xương của hàng trăm liệt sĩ nhà báo. Chúng ta mãi mãi ghi nhớ và tự hào về những hy sinh của nhà báo trên cả nước cũng như trên mảnh đất trung dũng, kiên cường này. Chúng ta sẽ không bao giờ quên xác những chiếc máy ảnh, bàn máy phát điện, những chiếc dù còn sót lại, và cả những mảnh xương rải rác của các liệt sĩ nhà báo Quảng Đà hy sinh khi B52 dội bom xuống đúng hang trú đạn ở căn cứ Hòn Tàu 1973.
Lực lượng hàng đầu đóng góp vào sự đồng thuận của Đà Nẵng(*)
Sau ngày 29-3-1975, một trong những quyết định đầu tiên của chính quyền cách mạng là khôi phục đài phát thanh, báo in cũng được khẩn trương phát hành. 41 năm kể từ ngày vẻ vang đó, báo chí và các nhà báo trên địa bàn thành phố, dù là phóng viên của địa phương hay thuộc các cơ quan báo chí Trung ương, hoặc các thành phố khác thường trú tại đây, đã đồng hành với tinh thần trách nhiệm báo chí, cùng thành phố cũng như với tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trước đây, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng quê hương.
Có lẽ không một sự kiện nào, không một chủ trương lớn nào của thành phố mà không được báo chí truyền đi khắp nước và thế giới. Đó có thể là một sự kiện làm nức lòng nhân dân như khánh thành công trình đại thủy nông Phú Ninh, khánh thành cầu mới qua sông Hàn, xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, hay Bệnh viện Ung bướu..., cho đến những chủ trương lớn về phát triển kinh tế, quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng.
Chúng tôi đã phản ánh với tinh thần trách nhiệm về sự thay đổi của thành phố, từ chỗ cả Đà Nẵng chỉ có hơn 480 con đường có tên vào năm 1997, đến nay có hơn 1.700 con đường có tên, hàng trăm khu dân cư mới xuất hiện, diện mạo mới thành phố hôm nay thay đổi sâu sắc để làm nên thương hiệu mà cả nước yêu mến gọi là “thành phố đáng sống”. Để làm nên điều kỳ diệu ấy, hơn 120.000 hộ đã vì thành phố này mà giải tỏa, di dời đến nơi ở mới, nhiều công trình và khu công nghiệp mới hình thành, tất cả thay đổi để 1 triệu dân này được sống bình yên với nhiều mơ ước mới.
Nếu gọi sự đồng thuận của nhân dân là tài sản lớn của Đà Nẵng, thì báo chí xin được tự hào là lực lượng quan trọng hàng đầu đóng góp làm nên sự đồng thuận đó. Dĩ nhiên báo chí không chỉ nói về những mặt tích cực, thuận lợi, mà trong quá trình đồng hành, báo chí đã kịp thời chỉ ra những bất cập, những việc chưa được sự ủng hộ của dư luận, có thể đó chỉ là nhắc nhở một bản chỉ tên đường in sai, cho đến những việc lớn như một vài chủ trương cần được cân nhắc. Chúng tôi rất vui khi thấy lãnh đạo thành phố trong nhiều trường hợp đã lắng nghe và có những tham khảo, điều chỉnh. Báo chí với chức năng của mình, thông qua các tác phẩm, không chỉ chuyển tải thông tin kịp thời, chính xác và có trách nhiệm đến với bạn đọc, mà còn là công cụ chủ yếu hình thành nên dư luận và tâm trạng tích cực của xã hội, của nhân dân.
Tác phẩm được đầu tư công phu, theo đuổi sự kiện đến cùng
Xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với lãnh đạo Đà Nẵng, bằng nhiều cách đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho chúng tôi tác nghiệp. Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến bạn đọc gần xa, chính những ý kiến của những người đêm đêm ngồi trước màn hình hay mỗi sáng dõi theo tờ báo là những động viên to lớn mà chúng tôi có vinh dự phục vụ. Thông qua các tác phẩm của mình, với sự nhạy bén tìm tòi, sự cố gắng bền bỉ trong thể hiện, hằng năm, các nhà báo trên địa bàn đã công bố hơn 30.000 tin, bài, ảnh, phóng sự... đến với bạn đọc. Hưởng ứng cuộc thi Giải báo chí thành phố, từ hàng vạn tác phẩm đó, các cơ quan báo chí, các cấp hội đã sôi nổi tham gia. Qua gần một năm phát động, đến ngày 15-4-2016, Thường trực Hội Nhà báo thành phố nhận 80 tác phẩm báo chí của 90 tác giả tham gia dự thi. Ngoài các cơ quan báo chí chủ lực của thành phố như Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh-Truyền hình thành phố Đà Nẵng (DRT), Báo Công an Đà Nẵng, năm nay, Ban tổ chức vui mừng nhận được tác phẩm tham gia của các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn thành phố (Báo Tuổi trẻ, Nhân Dân, Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV8), Truyền hình Vì an ninh Tổ quốc, Đài Truyền hình Công an Nhân dân, Báo Văn hóa…).
Với tinh thần trách nhiệm và khách quan, Ban giám khảo đã chọn 25 tác phẩm của 38 tác giả đề nghị vào vòng chung khảo, để trình Ban tổ chức giải xem xét và trao giải. Ban tổ chức giải đã thống nhất đánh giá cao các tác phẩm vào vòng chung khảo, đặc biệt các tác giả và tác phẩm đoạt giải, cụ thể có 3 tác phẩm đoạt giải nhất, có 4 giải nhì, 6 giải ba và 12 tác phẩm đoạt giải khuyến khích.
Một cách khái quát, các tác phẩm đoạt giải Giải báo chí thành phố năm 2015 bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tập trung những vấn đề nóng, được bạn đọc, dư luận xã hội quan tâm. Ban tổ chức hết sức ấn tượng và đánh giá cao tác phẩm 40 năm nhìn lại và suy ngẫm của tác giả Vũ Ngọc Hoàng đăng trên Báo Đà Nẵng, số đặc biệt ngày 29-3-2015; tác phẩm Xử lý biệt phủ xây dựng trái phép ở rừng Hải Vân: thuốc thử kỷ cương phép nước của tác giả Trương Công Định và Phạm Ngọc Đoan đăng báo Đà Nẵng ngày 29-6, 30-6 và 1-7-2015; tác phẩm Cải cách để gần dân hơn của các tác giả Hà Hùng, Hồng Quang Năm, Lê Quang Nuôi phát trên DRT tháng 12-2015.
Hầu như tất cả các sự kiện lớn của thành phố, các chủ trương và nhất là cách làm Đà Nẵng, về hình ảnh đổi mới của thành phố, về cải cách hành chính, về công tác xây dựng Đảng... được các tác giả thể hiện công phu, chân thực và thuyết phục. Có những tác phẩm phản ánh một chặng đường dài gần 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; cho đến những vấn đề cụ thể nhưng được dư luận cả nước quan tâm như cơ chế quản lý Bệnh viện Ung thư thành phố (nay là Bệnh viện Ung bướu), việc quy hoạch hai bờ sông Hàn, việc xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa, hay việc Đà Nẵng sẵn sàng mua ý tưởng của dân... đều được thể hiện kịp thời và có hiệu quả tích cực. Chúng ta thống nhất với nhận xét của ban giám khảo rằng, các phóng sự và phim tài liệu năm nay tuy không nhiều về số lượng, nhưng chất lượng có bước cải thiện đáng kể, trong đó phim Người Đà Nẵng trong dinh Độc lập trong ngày đại thắng là một cố gắng đáng ghi nhận.
Nhiều tác giả có sự đầu tư công phu, theo đuổi sự kiện đến cùng, thể hiện tâm huyết và tinh thần trách nhiệm công dân đối với sự phát triển của thành phố. Nhiều tác phẩm phản ánh chân thực, thuyết phục những thành tựu, thay đổi tích cực của nhân dân cũng như các vấn đề bức xúc của xã hội.
Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều tác phẩm phản ánh sâu sắc các sự kiện lớn của Đà Nẵng như quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp đến Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXI, sự thay đổi khá toàn diện của nông thôn mới, vấn đề cải cách thủ tục hành chính, quá trình hội nhập sâu rộng vào đời sống thế giới, về những bất cập trong môi trường đầu tư… Một số tác phẩm chưa đạt tầm khái quát và khơi gợi suy nghĩ mới. Có tác phẩm chủ đề hay, thể hiện sắc sảo nhưng không bảo đảm tính phát hiện.
Các tác giả đoạt giải năm nay có thể làm việc ở các cơ quan khác nhau, vị trí công việc và hình thức thể hiện khác nhau, nhưng tất cả các tác phẩm đó là niềm tự hào chung cho giới báo chí thành phố. Xin cảm ơn tất cả các anh chị đã góp phần làm nên sự sinh động và chất lượng của giải năm nay.
Cho phép tôi nói vài lời về tác giả Vũ Ngọc Hoàng. Bạn đọc không chỉ biết một Vũ Ngọc Hoàng trong hoạt động chính trị và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam và Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, mà những năm gần đây còn biết rõ hơn một Vũ Ngọc Hoàng sâu sắc, thâm trầm khi viết và nói về những vấn đề có tính lý luận nhưng cũng hết sức thời sự cấp bách hiện nay. Các cơ quan báo mà tác giả Vũ Ngọc Hoàng cộng tác năm nay chọn 3 tác phẩm của anh tham gia dự giải thì cả ba đều đoạt giải nhất: 1 giải nhất Giải báo chí quốc gia, 1 giải nhất Giải báo chí thành phố Hồ Chí Minh và 1 giải nhất Giải báo chí thành phố Đà Nẵng.
Nhiều năm tham gia Hội đồng chung khảo Giải báo chí quốc gia, tôi hết sức vui mừng về các tác phẩm của Hội Nhà báo thành phố gửi tham gia và được vào chung khảo, đoạt giải, nhưng tôi cũng hết sức suy nghĩ với câu hỏi: Vì sao một thành phố năng động, thay đổi nhanh chóng, sâu sắc, có nhiều sự kiện được cả nước quan tâm, nhưng đến nay vẫn chưa có tác phẩm báo chí đoạt giải cao ở cấp quốc gia. Trả lời câu hỏi này là trách nhiệm của các chi hội, các cơ quan báo chí, nhất là đối với các nhà báo chúng ta. Có lẽ có 3 vấn đề chúng ta cần quan tâm khi thể hiện tác phẩm: 1) Việc lựa chọn chủ đề; 2) Thể loại và 3) Cách thể hiện: sự đeo bám đến cùng chủ đề, phong cách sắc sảo và thuyết phục. Chúng ta xây dựng tác phẩm không phải vì mục tiêu dự thi để đoạt giải, nhưng kết quả của cuộc thi là thước đo cho sự đánh giá và thừa nhận rộng rãi của công chúng đối với sự nỗ lực của chúng ta.
Còn 9 năm nữa chúng ta sẽ kỷ niệm 100 năm Ngày truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam. Sự lao động nghiêm túc và nhiệt thành của chúng ta sẽ là những đóng góp vào quá trình tạo ra truyền thống báo chí nói chung và báo chí thành phố. Xin trân trọng cảm ơn sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo, của các nhà báo lão thành cùng tất cả đồng nghiệp và một lần nữa xin nồng nhiệt chúc mừng các tác giả đoạt giải hôm nay.
(*) Tít bài và các tít xen do Tòa soạn đặt.