Công tác bảo vệ Quyền trẻ em nói riêng, tất cả các vấn đề liên quan đến trẻ em nói chung là đề tài bất tận và là mối quan tâm hàng đầu của báo chí. Những thông tin liên quan đến trẻ em luôn có vị trí quan trọng trong tổng thể hoạt động truyền thông, xét cả về mặt nội dung, thời lượng, dung lượng và số lượng.
Như tất cả các cơ quan truyền thông, Báo Đà Nẵng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về Quyền trẻ em. Báo theo sát các diễn biến thời sự, những vấn đề nóng trên các mặt kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, giải trí. Đặc biệt, rất nhiều bài viết trên Báo Đà Nẵng làm vai trò “cất tiếng nói” cho những điều chưa được, chưa hoàn thiện trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em như: việc dạy thêm, học thêm tràn lan; quá tải trong chăm sóc, điều trị bệnh; thiếu chỗ vui chơi, công viên dành cho trẻ…
Không chỉ làm vai trò truyền thông, trong nhiều trường hợp, nhiều hoàn cảnh, Báo Đà Nẵng đã đồng hành chia sẻ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến trẻ em. Trên Báo Đà Nẵng, mục thường xuyên được chuyển tải là những hoàn cảnh thương tâm cần giúp đỡ, trong đó nhân vật chính phần nhiều là trẻ em - chuyện về những cháu bé ung thư, bệnh tật, nghèo khó mong chờ sự chung tay che chở từ cộng đồng. Phòng Bạn đọc Báo Đà Nẵng và số điện thoại của các phóng viên luôn sẵn sàng tiếp nhận sự tìm đến từ những hoàn cảnh đáng thương. Nắm một manh mối nhỏ nhoi về hoàn cảnh khó khăn nào đó, phóng viên cũng lập tức chủ động khai thác thông tin, xác minh sự thật, dù chưa thể khẳng định sự giúp đỡ sẽ như thế nào.
Bên cạnh lên tiếng cho những mảnh đời bất hạnh, rất nhiều câu chuyện tưởng chừng khó nói, thậm chí bế tắc, nhưng các nhà báo không vì thế bỏ cuộc hay không theo đến cùng. Đầu tháng 4-2016, một người mẹ làm nghề giúp việc tìm đến Báo Đà Nẵng trong nỗi đau đớn khi con gái bé nhỏ của chị bị cha ruột lạm dụng tình dục. Sau những thông tin ban đầu và số ít bằng chứng không còn nhiều giá trị minh chứng, một nữ phóng viên của báo đã vào cuộc cùng chị. Phóng viên còn tự nguyện làm bạn đồng hành đưa người mẹ này đi gõ cửa các nơi, tìm tất cả những manh mối có thể giúp làm sáng tỏ sự thật…
Không phải lúc nào những người làm báo cũng giúp đỡ được nhân vật như kỳ vọng, nhưng có thể khẳng định, chưa bao giờ Báo Đà Nẵng từ chối một lời kêu gọi nào, và những câu chuyện, những số phận ấy không chỉ được tiếp cận bằng trách nhiệm mà còn bằng cả trái tim đồng cảm.
Không dừng ở phản ánh đơn thuần, báo chí thực sự là kênh quan trọng đấu tranh cho Quyền trẻ em và nói thay những tiếng nói còn yếu ớt, bé nhỏ. Đây cũng là khía cạnh báo chí phát huy mạnh mẽ nhất vai trò chống lại cái ác, cái xấu, cái chưa hoàn thiện để đòi quyền lợi cho trẻ em. Tháng 3-2016, Báo Đà Nẵng triển khai tuyến bài dài kỳ “Các trung tâm bảo trợ trẻ em tại Đà Nẵng- Mạnh ai nấy làm!”. Những con số thật, người thật, việc thật trong loạt bài cho thấy bức tranh chung về tình hình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ bất hạnh còn nhiều khó khăn, bất cập. Ngay khi tuyến bài chưa kết thúc, lãnh đạo UBND thành phố đã triệu tập tất cả các trung tâm bảo trợ trẻ em trên địa bàn và nhóm phóng viên Báo Đà Nẵng để lắng nghe ý kiến, chia sẻ khó khăn và yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương rà soát tất cả trung tâm bảo trợ trẻ em, tham mưu thành phố hướng tháo gỡ.
Có thể nói, đó là một trong nhiều những “cuộc đấu tranh” của Báo Đà Nẵng vì tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em. Mùa hè này, một chủ đề được Báo Đà Nẵng tập trung khai thác là chuyện học bơi và dạy bơi cho trẻ. Đuối nước là nỗi ám ảnh của mọi gia đình có trẻ nhỏ. Thành phố Đà Nẵng với địa hình sông, suối, biển đa dạng, càng đặt ra yêu cầu mọi trẻ em phải biết bơi và có kỹ năng cứu đuối nước. Tuy vậy, số lượng hồ bơi chưa đáp ứng nhu cầu, thực trạng các hồ bơi như thế nào, việc học bơi, dạy bơi đang diễn biến ra sao, làm gì để mọi trẻ em đều biết bơi như mục tiêu của lãnh đạo thành phố là vấn đề Báo Đà Nẵng tiếp tục bám sát.
B.T