Không dàn trải nhiệm vụ, chỉ tập trung những công việc cụ thể và chọn những đơn vị có khả năng để phân công rõ ràng, là cách làm mang lại hiệu quả cao của quận Thanh Khê trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Quận Thanh Khê đang triển khai nhiều kế hoạch bảo đảm VSATTP, trong đó có việc kinh doanh, buôn bán thực phẩm tại các chợ. Ảnh: PHAN CHUNG |
Trước yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, cũng như của Thành ủy, UBND thành phố về tăng cường quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP), mới đây, UBND quận Thanh Khê thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP với kế hoạch hành động cụ thể. Phòng Y tế và Phòng Kinh tế có nhiệm vụ tham mưu cho UBND quận thực hiện công tác quản lý Nhà nước; đồng thời đánh giá thực trạng chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP để có cơ sở đề xuất, ngăn chặn kịp thời hành vi sai trái. UBND các phường phải chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành quản lý theo quy định.
Theo ông Trần Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận kiêm Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành ATTP quận cho biết, nhờ sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền nên nhận thức về ATTP của các cấp, ngành và toàn xã hội được nâng lên. Việc tuyên truyền triển khai sâu rộng với sự đổi mới, da dạng về nội dung, phương thức.
Tính đến tháng 3-2016, trên địa bàn quận có 567 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra ATTP. Trong đó có 538 cơ sở bảo đảm yêu cầu (đạt 94,8%) và 29 cơ sở bị xử phạt hành chính với số tiền 48,7 triệu đồng. Ngoài ra, 198 cơ sở kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP (đạt 81%).
Tuy nhiên, theo Phòng Y tế quận Thanh Khê, mặc dù có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhưng công tác quản lý Nhà nước về ATTP vẫn còn hạn chế. Chẳng hạn, các đoàn cấp thành phố và cấp quận chưa phối hợp nhịp nhàng trong công tác kiểm tra, nên xảy ra tình trạng chồng chéo. Các loại hình kinh doanh thức ăn đường phố liên tục di chuyển, lấn chiếm vỉa hè khiến công tác quản lý gặp khó. Ngoài ra, vì thiếu cán bộ chuyên trách ATTP nông-lâm-thủy sản ở cơ sở, nên việc triển khai các nhiệm vụ được giao vẫn còn trở ngại.
Để khắc phục những tồn tại trên, theo ông Đỗ Nguyên Ngọc, Trưởng phòng Y tế quận Thanh Khê, thời gian đến, việc bảo đảm ATTP sẽ được phân công cụ thể theo 2 lĩnh vực y tế và công thương. “Những nhiệm vụ quan trọng cần làm quyết liệt hiện nay là bảo đảm ATTP bếp ăn bán trú tại các trường mầm non, tiểu học, căng-tin trường học; đồng thời xử lý, đẩy đuổi việc kinh doanh, buôn bán quà vặt, hàng rong ngay trước cổng trường”, ông Ngọc cho biết. Theo đó, Phòng Giáo dục-Đào tạo, Trung tâm Y tế và hiệu trưởng các trường có nhiệm vụ phối hợp với Phòng Y tế tổ chức triển khai. Đến nay, 100% các trường học có căng-tin bán trú đã được trang bị kiến thức và nâng cao nhận thức về ATTP, các căng-tin cam kết mua hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
“Bên cạnh đó, chúng tôi còn đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, xử lý tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả nhằm giảm tối đa tình trạng ngộ độc thức ăn từ thịt, rau, cá. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài quyết tâm vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, rất cần sự chung tay của người dân trong việc tự giác không buôn bán, sử dụng thực phẩm bẩn và tích cực nhắc nhở, tố giác những đơn vị, cá nhân sai phạm”, ông Ngọc cho biết thêm.
PHAN CHUNG