Trong suốt tuần qua, có hai chuyện mà hậu quả của nó sẽ còn tác động lâu dài, đồng thời việc xử lý trách nhiệm của những tổ chức và cá nhân liên quan cũng sẽ tiếp tục tốn nhiều cuộc họp và giấy mực của cơ quan chức năng. Đó là vụ chìm tàu Thảo Vân 2 trên sông Hàn với hậu quả đau lòng là 3 nạn nhân ra đi mãi mãi; cùng với đó là hình ảnh du lịch Đà Nẵng thân thiện, an bình bị ảnh hưởng lâu dài và một “phát hiện cũ” là vụ phá rừng trên bán đảo Sơn Trà.
Chuyện hậu quả thì khắc phục sẽ rất lâu dài, nhưng ở đây xin mổ xẻ một chút về nguyên nhân để những vụ việc đau lòng ấy xảy ra. Bên cạnh sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý… thì nguyên nhân sâu xa vẫn là do “chồng lấn” trách nhiệm giữa các bên liên quan. Chuyện “bên tui, bên anh”, “cha chung không ai khóc” đã trở thành câu chuyện cũ nhưng khắc phục mãi không xong do cơ chế trách nhiệm không cụ thể, rõ ràng.
Cả 4 bên: Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông quản một bến thuyền du lịch với 26 con tàu mà làm không nổi. “Cây gậy” pháp lý có trong tay, mà 3 con tàu không đủ điều kiện hoạt động vẫn vô tư đón khách sờ sờ trước mặt, chỉ mỗi việc đình chỉ mà lực lượng chức năng chỉ nói chứ không dám làm, để xảy ra sự việc đau lòng thì mạnh miệng “chúng tôi đã cảnh báo trước đó rồi”! Con tàu to đùng, bán vé cho du khách ào ào, chở quá tải gấp đôi vẫn “lặng lẽ” đưa khách rời bến trước 18 con mắt của đủ 4 lực lượng túc trực tại chỗ. Để đến khi ra giữa sông bị chìm, nghe người dân kêu cứu thì mới biết.
Rừng Sơn Trà, dù lãnh đạo thành phố đã răn đe bằng việc xử lý kỷ luật hàng loạt cán bộ, nhân viên, “thay máu” lực lượng quản lý, bảo vệ rừng sau vụ phá rừng hồi tháng 2 năm nay, nhưng vẫn bị tàn phá. Dĩ nhiên, trong vụ việc này, sẽ còn phải tốn giấy mực và nhiều cuộc họp để phân định rõ tính chất, loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất…) để xác định trách nhiệm của các bên liên quan; nhưng rõ ràng cũng có sự “chồng lấn” trách nhiệm giữa kiểm lâm và chính quyền địa phương.
Lãnh đạo thành phố thể hiện thái độ cương quyết trong xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến hai vụ việc trên. Nhưng cũng có thể thấy, để giải quyết căn cơ vấn đề, thì phải xử lý tận gốc cơ chế quản lý. Hiện nay, rõ ràng có sự chồng chéo, rườm rà trong công tác quản lý ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Trong cuộc họp về an toàn vệ sinh thực phẩm mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, phải quản lý thực phẩm theo chuỗi - nghĩa là quản lý từ đầu đến cuối, chứ không thể “chặt khúc” ra, đến khi xảy ra sự việc thì không thể quy trách nhiệm cho một ai được.
Vì vậy, lãnh đạo thành phố đề nghị các sở, ngành cần mạnh dạn xin cơ chế để thực hiện việc quản lý thực phẩm chặt chẽ hơn. Đó cũng chính là quy trách nhiệm cụ thể hơn cho các cấp, các ngành, cho các tập thể và cá nhân một cách rõ ràng, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Thế nên, không có cơ chế quản lý khoa học thì rõ ràng, việc “chồng lấn” trách nhiệm vẫn sẽ diễn ra. Và hậu quả thì thật khó lường!
Anh Quân