.
Chuyện tổ, chuyện thôn

30 năm "vác tù và hàng tổng"

Bà Trần Thị Sương (ở tổ 32 phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) năm nay bước qua tuổi 70, nhưng có đến gần 30 năm làm tổ trưởng tổ dân phố (TDP). Bà là nữ tổ trưởng TDP lâu năm nhất ở thành phố Đà Nẵng kể từ sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975).

Đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm”, trên mình mang đầy thương tích từ chiến tranh, nhưng sự cống hiến của bà Trần Thị Sương vẫn chưa thôi ngừng nghỉ. Bà bày tỏ: “Có lẽ tôi sẽ nghỉ nhiệm kỳ tới để lớp trẻ tiếp quản. Làm miết cũng kỳ, nhưng chi bộ, Ban công tác Mặt trận khu dân cư (KDC) và nhân dân không cho nghỉ, mình còn chút sức lực thì còn cống hiến”.

Bà Sương từng thoát ly, trải qua chiến tranh với nhiều thương tích trên mình. Khi đất nước thống nhất, bà Sương làm việc trong ngành phân phối lương thực, đến năm 1982 thì nghỉ hẳn. Năm 1986, bà bắt đầu tham gia công tác phụ nữ tại KDC. Năm 1988, bà thêm chức tổ trưởng TDP. Suốt thời gian dài sau đó, bà Sương kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ ở KDC, từ tổ trưởng TDP, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ, Phó Bí thư chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh… “Ngày trước, làm những việc này không có chế độ gì nên thành thử kiêm nhiều việc cũng bởi trách nhiệm của người đảng viên, duy trì tính gương mẫu của gia đình mình trong KDC. Rồi nhân dân tin tưởng, cấp trên yên tâm, cứ thế tôi “được” giao phó công việc, làm miết không dứt ra được, đến bây giờ đã tròn 30 năm”, bà Sương nói.

Một điều dễ nhận thấy, gia đình bà Sương hoàn toàn ủng hộ, động viên bà hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bà kể: “Tôi là đảng viên, chồng tôi cũng là đảng viên. Việc tôi làm là trách nhiệm của người đảng viên, ông ấy không bằng lòng sao được. Mình phải giác ngộ, đi trước với tinh thần cao thì người dân mới tin, mới nghe theo. Nhưng phải công nhận ông ấy chịu khó, thương tôi lắm nên những lúc khó khăn đều được chia sẻ”. Nhìn nét mặt vui tươi của ông Thái, chồng bà, khi nghe câu chuyện giữa tôi và bà Sương, tôi hiểu vì sao suốt 30 năm “vác tù và hàng tổng”, bà Sương luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Những ngày đầu làm tổ trưởng TDP của bà Sương rất vất vả. “Hồi trước, đi vận động người dân đóng góp các loại quỹ rất khó. Đi mòn gót, nói khô cổ chưa chắc người ta đóng tiền. Mà có phải mình vận động cho riêng mình cho cam. Họ không hiểu, chưa giác ngộ sâu sắc nên mình phải chịu khó, nhiệt tình, tuyên truyền để họ biết”, bà Sương kể.

Để làm tốt công tác tổ trưởng TDP, theo bà Sương, nguyên tắc minh bạch đứng hàng đầu; tiếp đến, người tổ trưởng TDP phải có cái uy, có chữ tín đối với người dân. Để có được điều đó, sự trong sạch trong công tác là điều cơ bản và then chốt nhất, bên cạnh phải có nghệ thuật trong tuyên truyền, vận động người dân đối với mọi công việc “thượng vàng hạ cám” trong KDC. Người tổ trưởng phải hòa đồng, nắm bắt cụ thể từng hộ, từng hoàn cảnh ở tổ mình phụ trách, từ đó có những ứng biến hợp lý trong việc vận động cũng như quyên góp, giúp đỡ đúng đối tượng, đúng thành phần… Tất nhiên, ngoài sự nhiệt tình của bản thân, hy sinh vì quyền lợi chung thì yếu tố gia đình gương mẫu cũng rất quan trọng.

Suốt 10 năm nay, tuy phải thuốc thang hằng ngày để bảo đảm sức khỏe nhưng bà Sương vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của người tổ trưởng TDP. Dẫu vậy, đã đến lúc bà “nghỉ hưu”. “Đầu năm nay, tổ 30 bị khuyết tổ trưởng. Tôi phải đi đầu kiệt cuối hẻm mới tìm ra người thay thế. Ban đầu, ai cũng nghi ngờ năng lực vì tổ trưởng mới quá trẻ (sinh năm 1986), nhưng đến giờ cậu ấy đã vững vàng đảm nhận công việc. Mai mốt ở tổ 32 của tôi cũng vậy thôi, phải để cho lớp trẻ kế cận”, bà Sương nói.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.