.

Đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về vụ cá biển chết

.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo về công tác bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển sau hiện tượng cá chết bất thường dọc các tỉnh miền Trung cho chương trình kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới.

Sáng nay, 13/6, UB Thường vụ Quốc hội khóa XIII cho ý kiến về việc chuẩn bị nội dung chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, dự kiến bắt đầu từ 20/7 tới.

Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV do Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày cho biết, bên cạnh các nội dung sẽ được đưa ra Quốc hội xem xét theo thông lệ, UB Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chuẩn bị thêm một số báo cáo.

Cụ thể, một báo cáo được yêu cầu bổ sung là về công tác bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển sau hiện tượng cá chết bất thường tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, tài liệu này chỉ gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu. Quốc hội không thảo luận về nội dung này.

Báo cáo về môi trường biển này, theo đó, nhiều khả năng sẽ được thực hiện sau khi Chính phủ công bố chính thức kết luận về hiện tượng cá chết bất thường dọc bờ biển các tỉnh miền Trung vừa qua.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 5 diễn ra 10 ngày trước, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Trương Minh Tuấn đã khẳng định sẽ công bố kết luận này trong tháng 6.

Khi đó, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng thông tin, kết luận sơ bộ do các nhà khoa học trong và ngoài nước đưa ra về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá chết đã gửi lên Chính phủ xem xét. Tuy nhiên, để xác định “thủ phạm” gây nhiễm độc nước biển để xử lý trách nhiệm cần tiếp tục củng cố thêm các chứng cứ pháp lý cũng như khoa học.

Theo đó, cơ quan chức năng sẽ tổ chức phản biện độc lập thêm đối với kết luận của các nhà khoa học.

Báo cáo của Chính phủ gửi tới các đại biểu Quốc hội, theo đó, được cho là sẽ cập nhật cả nội dung xử lý trách nhiệm đối với sự cố môi trường rất nghiêm trọng này. Yêu cầu đặt ra là chỉ rõ giải pháp đảm bảo không để xảy ra những trường hợp tương tự, không có chuyện “hi sinh” môi trường để phát triển kinh tế.

Theo Dân Trí

;
.
.
.
.
.