.

Đưa nước chữa cháy vào kiệt hẹp, hẻm sâu

.

Đến hiện trường xem xét tình hình vụ cháy nhà số K42/7 Trần Quốc Toản (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) xảy ra trưa 21-5, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo các đơn vị liên quan phải thiết kế, đầu tư hệ thống cấp nước chữa cháy tại các kiệt hẹp, hẻm sâu trên địa bàn thành phố mà xe chữa cháy không vào được, nhằm có nước chữa cháy tại chỗ, kịp thời, không để cháy lan và hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.

Lực lượng Cảnh sát PCCC chữa cháy nhà dân trong một đường kiệt. Ảnh: NAM TRÂN
Lực lượng Cảnh sát PCCC chữa cháy nhà dân trong một đường kiệt. Ảnh: NAM TRÂN

Sau 10 ngày xảy ra vụ cháy nhà nói trên, ngày 1-6, Ban chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) quận Hải Châu chỉ đạo UBND 13 phường rà soát, tổng hợp các khu dân cư (KDC) có nguy cơ cao về cháy, nổ nhưng gặp khó khăn, hạn chế về khả năng chữa cháy tại chỗ và khả năng tiếp cận của lực lượng Cảnh sát PCCC khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Nhất là các KDC nằm sâu trong các kiệt, hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, cách đường giao thông từ 100-150m; hệ thống nguồn nước chữa cháy không bảo đảm (không có trụ nước chữa cháy hoặc các bể nước có trữ lượng lớn); có các hộ kinh doanh, sản xuất các mặt hàng dễ cháy, nổ nằm xen kẽ trong KDC, khi cháy có thể gây cháy lan, cháy lớn; hệ thống dây dẫn điện cũ, nhiều trụ điện và đường dây giáp với nhà dân...

Trên cơ sở kết quả khảo sát của các phường, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 phối hợp với UBND 13 phường tiến hành khảo sát thực tế, xây dựng phương án PCCC và CNCH tại các KDC này, lựa chọn ít nhất 1 KDC có tính chất nguy hiểm cao về cháy, nổ để tổ chức thực tập phương án PCCC và CNCH. Đặc biệt, đối với các KDC đã khảo sát không có đủ nguồn nước phục vụ chữa cháy, Phòng Cảnh sát PCCC số 1 rà soát và đề xuất các địa điểm lắp đặt bổ sung trụ nước chữa cháy tại KDC, bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy.

Theo Ban chỉ đạo PCCC và CNCH quận Hải Châu, hiện số lượng bình chữa cháy đã trang bị tại các hộ dân trên địa bàn quận đạt tỷ lệ 77,8%, trong đó có một số phường có tỷ lệ trang bị bình chữa cháy cao như: Hòa Thuận Tây (92%), Thạch Thang (92%), Hải Châu 1 (89%). Quận ủy Hải Châu chỉ đạo, trong năm 2016, phải đạt tỷ lệ 100% hộ dân, cơ quan, doanh nghiệp trang bị bình chữa cháy... Thực tế, trong thời gian qua, tại các vụ cháy xảy ra trong KDC, người dân xung quanh đã huy động nhiều bình chữa cháy, vòi nước nhỏ để chữa cháy ban đầu.

Nhưng nhiều vụ cháy lớn, phát sinh nhiều ngọn lửa, khói, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp phải mất một khoảng thời gian tiếp cận hiện trường và tổ chức chữa cháy. Nếu có sẵn các trụ cấp nước chữa cháy, người dân hoặc các tổ dân phố, doanh nghiệp, cơ quan có thể sử dụng các đường ống chữa cháy cỡ lớn đấu nối trụ chữa cháy tiến hành dập tắt hoặc khống chế ngọn lửa, không để lan rộng ngay ban đầu, sẽ giảm thiệt hại đáng kể do cháy gây ra.

Theo UBND quận Hải Châu, sau khi có kết quả khảo sát cụ thể và đề xuất của Phòng Cảnh sát PCCC số 1 về các địa điểm lắp đặt bổ sung trụ nước chữa cháy tại KDC, quận sẽ kiến nghị thành phố hỗ trợ kinh phí và huy động thêm từ các nguồn khác tiến hành đầu tư đưa nước chữa cháy vào để sẵn trong các kiệt hẹp, hẻm sâu, không cần xe chữa cháy chạy vào mà vẫn đủ nước chữa cháy. “Quan trọng nhất các địa phương, ngành liên quan phải tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở các hộ gia đình chú ý công tác phòng cháy và chữa cháy vào mùa nắng nóng.

Trong đó, người dân cần chủ động thực hiện 2 biện pháp chính là rút bớt các chân nhang trong lư hương để trong quá trình thắp nhang thờ cúng không làm phát sinh ngọn lửa lớn, bắt lửa vào các vật dụng gây cháy nhà. Tiếp đó là rà soát, thay mới các đường dây điện và thiết bị điện đã cũ, dễ chập điện dẫn đến cháy. Phải làm sao cho người dân thấy được rằng, nếu một đồng sợ tốn thì đến khi xảy ra cháy không những thiệt hại nhiều tiền, mà còn đe dọa đến an toàn sinh mạng của các thành viên trong gia đình”, Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Anh nói.

NAM TRÂN

;
.
.
.
.
.