Từ khi bắt đầu nhậm chức đến nay, Thủ tướng Chính phủ liên tục đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, hợp lòng dân, được sự quan tâm, ủng hộ của công luận. Điều quan trọng nhất là làm sao “chẩn đoán kê toa” bắt mạch đúng tình hình để vạch ra lộ trình phát triển đất nước theo hướng hiện đại và bền vững.
Có thể kể ra một số quyết sách quan trọng: (1) Khẳng định kinh tế tư nhân chính là động lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Quan điểm này tuy không mới nhưng được người lãnh đạo cao nhất của chính phủ công khai tái xác nhận.
Động thái này mang lại lòng tin, sức cỗ vũ lớn lao, đánh dấu sự mở đường cho tiến trình điều chỉnh cơ chế, chính sách trên phạm vi tổng thể toàn bộ nền kinh tế. (2) Quyết liệt trong chỉ đạo cải cách hành chính, “refresh” (làm mới) bộ máy nội các theo phương châm tổ chức “chính phủ hành động”, nói đi đôi với làm, làm có trọng tâm, trọng điểm, chứng minh được hiệu quả thực tế. (3) Tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, quyết tâm tái tạo rừng, trước hết là trên địa bàn Tây Nguyên. Biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa sự tồn vong của đất nước. Giọt nước đã tràn ly. Tình hình không cho phép chậm trễ hơn được nữa.
Những quyết sách của Thủ tướng tất nhiên rất quan trọng để định hướng tầm nhìn và phác thảo kế hoạch hành động. Tuy nhiên, khả năng hiện thực hóa các quyết sách lại là điều đáng bàn nhất, bởi kinh nghiệm thực tiễn cho thấy đây chính là khâu “xung yếu” nhất nhưng lại cũng là khâu “yếu kém” nhất trong hệ thống vận hành thể chế ở nước ta. Điểm lại quá khứ, rất nhiều chủ trương chính sách đã từng “chết từ trong trứng nước”, hoặc “ngã ngựa giữa đường” do những cản trở về mặt thể chế không thể vượt qua.
Để các quyết sách thực sự đi vào cuộc sống, điều kiện tiên quyết là tư duy pháp trị phải đi trước một bước. Cần có quy trình lập pháp hóa các chủ trương định hướng bằng luật hoặc nghị quyết thực sự có hiệu lực do Quốc hội ban hành; từ đó tạo ra sự nhất quán, đồng tâm hiệp lực, vận dụng đồng bộ các giải pháp, kích hoạt mạnh mẽ sự chuyển động từ cấp chính quyền Trung ương đến từng địa phương.
Vai trò của người đứng đầu mỗi tổ chức, bộ máy, từ lớn đến nhỏ, trong giai đoạn hiện nay trở nên cực kỳ quan trọng. Trước hết, họ cần tự khẳng định mình là người kiên định, đứng mũi chịu sào, biết cách quy tụ tập thể cùng nhau hành động. Mặt khác, cần có lòng tin, chăm sóc, bảo vệ những người đứng đầu, cách ly họ khỏi sự bao vây, tấn công của các thế lực cản trở đổi mới, xung đột với các nhóm lợi ích… để bảo đảm trong mọi trường hợp các quyết sách phải được thực thi nghiêm túc.
Dư luận lâu nay thường tập trung bàn thảo về đề tài cải cách thể chế, xem đây là khâu quyết định để tạo ra động lực phát triển mới, tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình hiện thực hóa các quyết sách. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đặt ra đâu mới là giá trị cốt lõi của thể chế. Về bản chất, nội dung của thể chế luôn xuất phát từ hai vấn đề: con người công vụ và cơ chế pháp trị. Muốn cụ thể hóa tư tưởng “cán bộ là công bộc của nhân dân”, cần chủ động phòng tránh ngay từ đầu tình trạng tha hóa, dễ dẫn đến tình trạng “nô bộc” của quyền lực, con người công vụ phải được sàng lọc theo những tiêu chí khoa học: tuyển chọn chặt chẽ/ đào tạo bài bản/ sử dụng hợp lý/ chế tài nghiêm minh/ cuộc sống yên ổn. Không thể mãi kêu gọi tinh thần liêm chính của công chức một cách chung chung nếu chúng ta vẫn để mặc họ phải thường xuyên lo toan cho sự tồn tại của chính bản thân và gia đình mình.
Ngược lại, cũng không thể chấp nhận dung túng cho những người được nhân dân ủy thác quyền lực để thao túng quyền lợi cá nhân. Muốn vậy, cơ chế pháp trị phải thường xuyên được hoàn thiện song hành với hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường theo hướng hiện đại, hội nhập, vận hành theo phương châm: tinh gọn về bộ máy/ tinh hoa về con người/ tinh tế trong điều hành/ tinh tấn để tiến bộ. Suy cho cùng, liên tục kiện toàn thể chế là con đường duy nhất nếu muốn hiện thực hóa thành công các quyết sách đúng đắn của chính phủ. Giọt nước đã tràn ly. Tình hình không cho phép chậm trễ hơn nữa.
TÂM DÂN