.

Học cách làm mới

.

LTS: Đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy, do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí làm Trưởng đoàn vừa có chuyến thăm, làm việc tại các tỉnh phía Bắc nhằm nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách hành chính, thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Qua chuyến đi, Báo Đà Nẵng nêu hai cách làm mới của tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng đạt được trong công tác cải cách hành chính và thu hút vốn đầu tư.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh báo cáo quy trình hoạt động với Đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng khi đến tìm hiểu mô hình vào cuối tháng 5-2016. 					  		          Ảnh: VIỆT DŨNG
Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh báo cáo quy trình hoạt động với Đoàn công tác của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng khi đến tìm hiểu mô hình vào cuối tháng 5-2016. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bài 1: Quảng Ninh nỗ lực cải cách hành chính

Công tác sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, tỉnh Quảng Ninh triển khai trong thời gian qua góp phần giảm sự cồng kềnh của bộ máy, tạo điều kiện để phát huy năng lực đội ngũ cán bộ. Đồng thời, Quảng Ninh chú trọng cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho tổ chức, công dân.

Tiết kiệm gần 300 tỷ đồng/năm

Sau một thời gian thí điểm thực hiện mô hình Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở một số địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai rộng khắp mô hình “nhất thể hóa” nhiều chức danh theo Đề án 25 về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” của tỉnh.

Đến nay, Quảng Ninh cơ bản thực hiện xong việc nhất thể hóa các chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND hoặc HĐND xã, phường; bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố trên địa bàn; tiến hành nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND huyện Cô Tô và huyện Tiên Yên. Đồng thời, nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND cấp huyện; kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cấp huyện, như: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra; Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ; Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ; Chánh Văn phòng Huyện ủy kiêm Chánh Văn phòng HĐND và UBND ở phần lớn các thành phố, huyện, thị xã trong tỉnh.

Tỉnh Quảng Ninh cũng thí điểm thực hiện mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho khối Mặt trận và các đoàn thể cấp huyện tại 8/14 địa phương. Tính đến cuối tháng 5-2016, tỉnh Quảng Ninh đã tinh giản 1.605 công chức, viên chức và hợp đồng lao động; giảm phụ cấp thường xuyên đối với 18.919 vị trí không chuyên trách ở cơ sở. Từ đó, hằng năm, tiết kiệm gần 300 tỷ đồng từ việc sắp xếp, tinh giản bộ máy; đồng thời tiết kiệm nhiều tỷ đồng từ giảm đầu tư cơ sở vật chất do dùng chung một số cơ quan.

Hai lĩnh vực được Quảng Ninh chú trọng nghiên cứu, thí điểm tinh giản mạnh mẽ là giáo dục và y tế. Riêng với giáo dục đã giảm 4 trường học, 88 điểm trường và 384 lớp học. Trên lĩnh vực y tế, địa phương rà soát giảm số lượng trạm y tế, sáp nhập trung tâm y tế với bệnh viện đa khoa tuyến huyện trên cùng một địa bàn thành trung tâm y tế 2 chức năng; tiếp nhận y tế học đường từ các trường học về trạm y tế. Quảng Ninh cũng sắp xếp giảm gần 20 đơn vị thuộc ngành nông nghiệp như: Trạm bảo vệ thực vật, Trạm thú y, Chi cục thú y, Chi cục bảo vệ thực vật… để tự chủ về cơ chế và tài chính.

Điểm nổi bật là, Quảng Ninh chuyển đổi mô hình từ hoạt động đơn vị sự nghiệp sang hình thức hợp tác công-tư; không những tăng hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất mà còn phát huy hiệu quả hoạt động của các đơn vị Nhà nước thuê tư nhân quản lý và ngược lại. Tuy nhiên, cho đến nay, rất ít văn bản đề cập đến việc nghiên cứu hoặc có hình thức tổ chức lại các cơ quan của Đảng với cơ quan của chính quyền để khắc phục sự chồng chéo. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh mạnh dạn đặt vấn đề, làm rõ cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn cho vấn đề này.

Trung tâm Hành chính công hiện đại

Thay vì giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông” giống như các địa phương khác, từ tháng 3-2014, tỉnh Quảng Ninh đưa Trung tâm Hành chính công của tỉnh vào hoạt động để tích hợp các đầu mối theo cơ chế “tiếp nhận, thẩm định ngay tại Trung tâm”.

Đến nay, Trung tâm đã đưa tổng số 970 thủ tục hành chính cấp tỉnh và 15/24 thủ tục hành chính cấp sở, ngành vào giải quyết theo quy trình hiện đại từ kinh nghiệm các nước có mô hình hành chính tiên tiến như: Nhật Bản, Đức, Singapore, Hàn Quốc… Các quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm thực hiện theo hướng sử dụng tối đa công nghệ thông tin, kết nối giải quyết trực tuyến, tạo thành hệ thống hoàn chỉnh, khép kín, có bộ phận thanh tra, kiểm tra, giám sát và tiếp nhận giải quyết khiếu nại.

Chính sự tiện lợi, trả hồ sơ đúng hẹn, công khai, minh bạch nhằm giảm thiểu tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính ở Trung tâm nên ngày 28-10-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1831/QĐ-TTg về việc thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh để đánh giá mô hình mới, triển khai nhân rộng trong cả nước. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, tỉnh Quảng Ninh đã cắt giảm hơn 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với thời gian theo quy định chung. Đối với cấp huyện, thời gian giải quyết thủ tục hành chính cũng rút ngắn hơn 40%. Việc áp dụng giải quyết chữ ký số trong trả kết quả cũng đã được tỉnh Quảng Ninh áp dụng ở các Trung tâm hành chính công. Với bản kết quả này, công dân và tổ chức có thể sử dụng để giao dịch, giải quyết công việc ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào thông qua môi trường mạng.

Việt Dũng

;
.
.
.
.
.