.

Hướng đến mục tiêu "Quận môi trường"

.

Với bờ biển dài gần 4,3km, bên cạnh đó còn có kênh Phần Lăng, sông Phú Lộc và gần 550 lô đất trống, có thể nói, quận Thanh Khê rất dễ rơi vào “điểm nóng” về môi trường. Tuy nhiên, toàn quận vẫn bảo đảm tiến trình xây dựng “Quận môi trường” như kế hoạch...

Việc bảo đảm vệ sinh bãi biển không chỉ giúp Thanh Khê giải quyết ô nhiễm mà góp phần nâng cao chất lượng môi trường du lịch của thành phố.  				           Ảnh: BẢO AN
Việc bảo đảm vệ sinh bãi biển không chỉ giúp Thanh Khê giải quyết ô nhiễm mà góp phần nâng cao chất lượng môi trường du lịch của thành phố. Ảnh: BẢO AN

Đề cập vấn đề môi trường, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quận Thanh Khê Trần Trung Nam thừa nhận, để tạo một diện mạo đúng tiêu chí “xanh - sạch - đẹp”, với Thanh Khê là cả một quá trình. Thời gian qua, quận nỗ lực xây dựng “Quận môi trường” bằng nhiều hoạt động: dọn vệ sinh những khu đất trống; liên tục ra quân xử lý rác thải, cây cỏ dại dọc tuyến đường ven biển; thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc không xả trực tiếp nước thải, vứt rác xuống hệ thống kênh, hồ, nhằm tránh tình trạng ô nhiễm mùi hôi. “Với những hộ hoặc những đơn vị sử dụng mặt nước, quận yêu cầu ký cam kết thu gom rác, đặt thùng rác để người dân và du khách bỏ rác đúng nơi quy định, đồng thời hoàn trả mặt bằng sạch sẽ sau khi kinh doanh, buôn bán”, ông Trần Trung Nam cho biết.

Vào mùa nắng nóng, quận Thanh Khê thường xuyên phối hợp Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải cùng các đơn vị liên quan xử lý kịp thời, phòng tránh ô nhiễm. Đồng thời, sau khi các phường tiến hành dọn vệ sinh rừng phòng hộ và dọc tuyến đường ven biển Nguyễn Tất Thành, quận bàn giao cho Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch cùng Xí nghiệp Môi trường sông biển (Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng) quản lý trực tiếp.

Với những khu đất dự án chậm triển khai hoặc đất trống hộ dân chưa sử dụng, Thanh Khê cũng có những cách làm mang tính đột phá. Trong đó, phường Thanh Khê Tây được đánh giá cao trong triển khai phương án này. Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây Huỳnh Thanh Hải cho biết, trên địa bàn phường, ngoài hơn 1,5km bờ biển, còn có hơn 100 lô đất trống. Từ chủ trương của quận, sau khi huy động cán bộ, công chức phường và các hội đoàn thể, nhân dân ở các khu dân cư tham gia tổng vệ sinh, phường chủ động cho một số hộ dân lân cận, liền kề sử dụng đất để kinh doanh, buôn bán. Đối với một số khu đất trống ở các tuyến đường Ngô Đức Kế, Vũ Quỳnh, Hồ Quý Ly, phường huy động người dân trong khu vực chỉnh trang, tạo thành khu vui chơi cho thanh - thiếu niên trong dịp hè. Hay như khu đất gần 5.000m2, thuộc dự án Bệnh viện Bưu điện khu vực 3 đang được tạm giao cho các doanh nghiệp sử dụng. Cách làm này không chỉ góp phần bảo đảm môi trường, mà còn giúp khá nhiều hộ dân cải thiện đời sống, thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các khu đất trống...

Bên cạnh đó, Phòng TN&MT phối hợp cùng UBND các phường và Xí nghiệp Môi trường Đô thị Thanh Khê 1 và Thanh Khê 2 tổ chức thực hiện “Thu gom rác theo giờ”, xây dựng “Tổ dân phố không rác”, bằng việc kẻ vạch 21 điểm đặt thùng rác tạm thời và yêu cầu các đơn vị thu gom không để rơi vãi, rò rỉ nước thải trong quá trình thu gom, vận chuyển rác. Nhờ đó, trong năm 2015, trên địa bàn quận có 1.159/1.237 tổ dân phố được công nhận “Tổ dân phố không rác”; đến cuối năm 2015, có 6/10 phường đạt chuẩn “Phường thân thiện môi trường”.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.