Chính trị - Xã hội

Không tăng giá điện, phí giao thông

10:12, 02/06/2016 (GMT+7)

Sáng 1-6, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5 để đánh giá, phân tích kỹ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm. Cũng tại phiên họp này, Chính phủ xem xét, cho ý kiến về một số dự án luật, pháp lệnh như: Dự án Luật Thủy lợi, dự án Pháp lệnh giống, cây trồng sửa đổi; Đề án Lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam.

Điểm đặc biệt tại phiên họp lần này là thay vì thảo luận ngay về tình hình kinh tế - xã hội, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong buổi sáng làm việc đầu tiên của phiên họp, các thành viên Chính phủ đã dành thời gian đánh giá chi tiết về kết quả công tác xây dựng thể chế. Đây cũng là lần đầu tiên phiên họp thường kỳ của Chính phủ thảo luận về vấn đề hoàn thiện thể chế trước khi thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội.

Trong phát biểu đề dẫn phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại quan điểm đã được tập thể Chính phủ xác định từ phiên họp tháng 4 đó là xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân để nhân dân có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn, an toàn hơn; trong đó, tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, pháp luật.

“Một câu hỏi lớn đặt ra là vì sao chúng ta vẫn chưa phát triển mạnh? Một nguyên nhân rất quan trọng là vấn đề cải cách hành chính, bộ máy, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Chúng ta chưa tạo môi trường tốt cho sự phát triển, cái chính là pháp luật còn ràng buộc, tính minh bạch hạn chế, rồi vấn đề đạo đức công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, bộ máy cán bộ công chức…”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm

Báo cáo về vấn đề tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết “tình hình rất đáng lo ngại”. Tính đến ngày 31-5, theo thống kê, Chính phủ cần phải ban hành 51 văn bản hướng dẫn nhưng mới ban hành 14 văn bản, còn 37 văn bản chưa được ban hành. Trong đó, 11 văn bản đã xây dựng xong dự thảo và đang trong quy trình xử lý, số văn bản chưa trình là 26. Ngoài ra, còn 91 Thông tư và 13 Thông tư liên tịch chưa được ban hành. Tuy nhiên, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề liên tịch thuộc thẩm quyền của nhiều bộ phải được ban hành trong Nghị định của Chính phủ, tức là tăng thêm 13 dự thảo Nghị định cần được xây dựng, ban hành.

Về các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, cần ban hành tổng cộng 49 Nghị định. Trong đó, đến ngày 31-5, đã trình Chính phủ 35 Nghị định, chưa trình 14 Nghị định, trong đó đã thẩm định 10 dự thảo Nghị định và chưa thẩm định 4 dự thảo. Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng chỉ rõ các bộ còn “nợ” và số lượng văn bản nợ.

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, 17 bộ, ngành đã tích cực vào cuộc rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh, về cơ bản đã xác định số lượng nghị định cần xây dựng trên cơ sở nâng cấp các Thông tư. Một số bộ đã tích hợp nhiều Thông tư vào một Nghị định như Bộ NN&PTNT tích hợp 38 Thông tư, Bộ GD&ĐT tích hợp 23 Thông tư, Bộ Công thương tích hợp 23 Thông tư, Bộ Y tế tích hợp tới 70 Thông tư.

Bản báo cáo này được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao với tinh thần thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm đúng với định hướng xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Đặc biệt, báo cáo đã đánh giá cụ thể, thẳng thắn kết quả việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng thể chế và công khai hóa danh sách nợ văn bản của từng bộ, ngành để từ đó nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của các bộ, ngành trong vấn đề này. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ còn nợ đọng văn bản chưa trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, phải báo cáo giải trình nghiêm túc trước Chính phủ.

Kết luận về nội dung này, Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, từ Thủ tướng đến các Bộ trưởng, Vụ trưởng đều phải tập trung, làm tốt. Đây là nút thắt quan trọng mà Đảng và Nhà nước đã tập trung chỉ đạo thực hiện; không để những thiếu sót từ thể chế kìm hãm sự phát triển. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian hơn nữa, coi trọng hơn nữa việc thực hiện nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn cho rằng, tình trạng nợ đọng văn bản luật còn lớn trong bối cảnh một loạt Luật có hiệu lực từ ngày 1-7 tới. Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn tất việc ban hành tất cả các văn bản hướng dẫn thi hành trước thời điểm 1-7 khi nhiều Luật bắt đầu có hiệu lực, tránh tạo khoảng trống pháp luật.

Thủ tướng cũng lưu ý, trong công tác xây dựng pháp luật, việc bảo đảm số lượng đi liền chất lượng là cần thiết nhưng không thể vì chất lượng mà diễn ra tình trạng “ngâm” văn bản. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì cuộc làm việc liên ngành để thảo luận về nội dung này thay vì làm việc qua văn bản. Thủ tướng cũng lưu ý, việc rút gọn quy trình làm văn bản không được bỏ quy trình, đặc biệt là vấn đề công khai, minh bạch dự thảo lấy ý kiến nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực, hoàn thiện các hồ sơ dự thảo Nghị định trình Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, bảo đảm tiến độ, đi liền với chất lượng, không để xảy ra tình trạng sai sót. Bộ Tư pháp cần có giải pháp rút ngắn thời gian thẩm định nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công tác này; sớm hoàn thiện các dự thảo Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 6-2016.

Không tăng giá điện và phí đường bộ

Chiều 1-6, sau khi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về Báo cáo kết quả hoạt động của Ban chỉ đạo điều hành giá năm 2015, 4 tháng đầu năm 2016 và phương hướng điều hành giá năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận: không tăng giá bán lẻ điện, phí đường bộ các dự án BOT và một số mặt hàng khác, tránh gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng năm nay. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ điều hành giá là phải bảo đảm lạm phát năm nay không quá mức 5% như Nghị quyết Quốc hội đã đề ra.

Về phương hướng điều hành giá, Thủ tướng yêu cầu vẫn phải bám sát thị trường, nhưng các bộ, ngành cần có sự chủ động, dự báo, dự trữ nguồn hàng tốt để giá cả đi vào thực chất, tránh đẩy giá tăng cao giả tạo.

Về giá xăng dầu, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện theo Nghị định 83, theo sát diễn biến thị trường, sử dụng tối đa quỹ bình ổn giá trên tinh thần giữ ổn định, hạn chế biến động.

Đối với giá điện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương và Bộ Tài chính về việc không điều chỉnh giá bán lẻ điện, không thành lập quỹ bình ổn giá điện. Giá bán buôn có thể tăng, nhưng giá bán lẻ điện không được tăng. Lộ trình giá điện vẫn tiếp tục thực hiện nhưng riêng năm 2016 không tăng giá điện.

Về mặt hàng đường, Thủ tướng đồng ý cho Bộ Công thương trước mắt nhập 100.000 tấn để ổn định thị trường; đặc biệt là chú trọng sản xuất trong nước.

Về giáo dục, Thủ tướng chỉ đạo cần thúc đẩy đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, tính kết cấu chi phí theo giá dịch vụ với lộ trình thích hợp, tránh điều chỉnh học phí cùng thời điểm giá dịch vụ y tế để hạn chế tác động đột biến đến giá cả tiêu dùng. Với giá dịch vụ đầu vào năm học mới, Bộ GD&ĐT cần làm tốt công tác chuẩn bị; tránh tình trạng tăng giá.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế cần có bước đi phù hợp trong điều chỉnh giá dịch vụ y tế, không tăng đồng loạt tất cả 63 tỉnh, thành phố; phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương để đưa ra lộ trình giá dịch vụ y tế phù hợp.

Đáng chú ý, tại buổi làm việc, Thủ tướng đồng ý cho phép tiến hành đấu thầu giá thuốc công khai nhằm bảo vệ và hỗ trợ người tiêu dùng, nhất là người bệnh. Tiếp tục triển khai thực hiện quy định mới về đấu thầu thuốc, giảm giá thuốc; nhất là các bệnh viện công lập, để tránh tình trạng tiêu cực, móc ngoặc trong kê đơn... Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình phương án đấu thầu thuốc tập trung dùng cho Bảo hiểm y tế.

Liên quan đến phí đường bộ, Thủ tướng cũng chỉ đạo không tăng phí đường bộ đối với các dự án BOT. Khẳng định sản lượng lương thực trong nước hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm soát tốt, không được để xảy ra tình trạng đẩy giá tăng bất thường.

Thủ tướng cũng đồng ý thu mua tạm trữ 200.000 tấn muối để nâng giá mặt hàng này, hỗ trợ diêm dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống trong bối cảnh được mùa muối, giá muối giảm từ đầu năm. Đối mặt hàng sữa trẻ em, Thủ tướng chỉ đạo giữ nguyên chưa được tăng giá.

TTXVN

.