.

Làm rõ trách nhiệm trong việc gây thất thoát, lãng phí

.

Tiếp tục phiên họp thứ 49, sáng 15-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014 và Báo cáo tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015.

Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 1.130.609 tỷ đồng, trong đó thu theo dự toán được Quốc hội quyết định là 877.697 tỷ đồng, tăng 12,1% (94.997 tỷ đồng) so với dự toán.

Đánh giá về điều này, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, năm 2014, cùng với thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thuế, hải quan, rút ngắn thời gian làm thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, là sự chỉ đạo và phối hợp tốt hơn trong công tác thu ngân sách của các cấp, các ngành. Ngành Thuế và Hải quan đã tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách và xử lý các vi phạm về thuế; các doanh nghiệp Nhà nước được cơ cấu lại một bước theo hướng hiệu quả hơn, thu NSNN từ doanh nghiệp Nhà nước vượt dự toán được giao. Mặc dù vẫn duy trì một số ưu đãi về thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, thu NSNN năm 2014 đã vượt dự toán.

Về quyết toán chi NSNN, theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán chi cân đối ngân sách năm 2014 là 1.350.272 tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là 1.114.767 tỷ đồng, tăng 10,7% (108.067 tỷ đồng) so với dự toán.

Về vấn đề nợ đọng thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, quản lý thuế mấy năm qua rất quyết liệt, có sự vào cuộc của các ngành, địa phương. Vì thế, công tác thu hồi nợ đọng thuế được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, công tác thu hồi nợ đọng thuế cần được siết chặt hơn. Năm nay, mấy tháng đầu năm đã thu khoảng 15.000 tỷ đồng nợ đọng thuế. Cùng với chuyển cơ chế quản lý thuế tiền kiểm sang hậu kiểm cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Đối với vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, con số nợ đọng ở Trung ương đã rõ, nhưng cần tổng kiểm tra để có con số chính xác nợ đọng của địa phương. Ông Đinh Tiến Dũng đưa ra dự đoán con số nợ đọng của địa phương sẽ rất lớn vì chỉ riêng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới đã lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Báo cáo tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 của Bộ Tài chính đánh giá, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao và đạt được những kết quả nhất định. Các biện pháp, giải pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đi vào trọng tâm, trọng điểm gắn với bối cảnh và tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm, góp phần tích cực vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Tuy nhiên, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong quản lý, sử dụng ngân sách vẫn còn xảy ra việc chấp hành pháp luật, kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Tình trạng vi phạm quy định pháp luật, tiêu chuẩn, định mức, chế độ gây lãng phí NSNN còn tồn tại; việc phân bổ, giao dự toán chậm, sử dụng kinh phí NSNN sai mục đích, không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn xảy ra.

Đối với quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, việc sử dụng tài sản công ở một số nơi còn lãng phí, không đạt được mục tiêu đầu tư đặt ra; tiến độ thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt còn chậm, kết quả chưa cao; tình trạng cho thuê, góp vốn liên doanh, liên kết không đúng quy định chưa được chấm dứt.

Trong quản lý đầu tư xây dựng, việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng phê duyệt chủ trương quyết định đầu tư tràn lan, chưa chỉ rõ được nguồn vốn, chưa gắn với hiệu quả đầu tư.

Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, công tác quy hoạch và quản lý, khai thác, sử dụng đất đai ở một số địa phương còn nhiều bất cập, tình trạng vi phạm pháp luật, lãng phí đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi. Việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất sai quy định, không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền vẫn diễn ra phức tạp. Việc xây dựng và áp dụng định mức sử dụng đất đối với các công trình, dự án chậm được triển khai, thực hiện...

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị báo cáo của Chính phủ cần tập trung nêu những vấn đề nổi cộm trong xã hội, trong đó cần có sự phân tích làm rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cần chỉ rõ địa chỉ, không nói chung chung... vì như vậy sẽ không thấy rõ được trách nhiệm. Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thấy rằng, cần báo cáo rõ các tổ chức, cá nhân làm tốt cũng như có sai phạm, gây thất thoát, lãng phí để biểu dương, khen thưởng kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

TTXVN

;
.
.
.
.
.