Chính trị - Xã hội
Trở về bên mâm cơm gia đình
Những bữa cơm luôn là “chất keo” kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Bữa cơm ấy dù cao sang hay đạm bạc, nhưng nếu được “nấu” bằng tình yêu thương và được thưởng thức trong niềm vui ấm áp thì đều là “liều thuốc bổ” tuyệt vời cho hạnh phúc mỗi tổ ấm…
Bữa cơm là “chất keo” kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Trong ảnh: Các gia đình thi nấu ăn tại Ngày hội gia đình – Kết nối yêu thương. Ảnh: MỘC MIÊN |
Xa mấy cũng về nhà ăn cơm
Nhà cách nơi làm việc gần chục cây số, nhưng trưa nào chị Nguyễn Thị Hồng Xuân (26 tuổi, phường An Khê, quận Thanh Khê) cũng về ăn cơm cùng gia đình, rồi lại tất tả quay về cơ quan làm việc. Trời mùa hè nắng rát mặt, nhiều lần được đồng nghiệp rủ ở lại công ty ăn trưa, nghỉ ngơi cho khỏe, chị đều lắc đầu vì nghĩ đến cảnh bố mẹ trông con quây quần bên mâm cơm. Chị Xuân bộc bạch: “Thời học đại học xa nhà, thèm cơm nhà đến ứa nước mắt, nên dặn lòng sau này bận mấy cũng phải tranh thủ về ăn cơm với bố mẹ. Mình rất quý trọng những phút giây như vậy”. Bữa cơm với gia đình chị Xuân không chỉ là khoảnh khắc thưởng thức những món ngon hợp khẩu vị, mà còn là những giờ cả nhà ngồi tâm sự quên thời gian. Những khi ấy, thay vì cảm giác mệt mỏi vì chưa kịp chợp mắt trưa, chị Xuân lại như sung sức hơn bao giờ hết.
Cũng như chị Xuân, trừ những lúc đi tiếp đối tác, anh Nguyễn Thanh Phong (30 tuổi, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) luôn theo lịch “cơm nhà 2 buổi/ngày”. Phải quản lý doanh nghiệp với gần 200 lao động, anh Phong thường xuyên rơi vào trạng thái “làm không hết việc”; thế nhưng, nhờ những bữa cơm gia đình, anh như được tiếp sức. Anh Phong cho biết: “Không ai hiểu khẩu vị, sở thích của mình bằng bà xã, nên nhà hàng dù sang trọng đến mấy cũng không thể bì với cơm vợ nấu. Cứ bước về nhà là mình cảm thấy mọi lo lắng đều dừng lại ngoài cánh cửa, chỉ còn yêu thương và sự chia sẻ là ở lại”.
Nấu cơm không là việc riêng của phụ nữ
Trở về bên mâm cơm gia đình luôn là khoảnh khắc hạnh phúc nhất và được trông đợi nhất với mỗi người. Ngày nay, nấu ăn không chỉ là việc được “khoán” riêng cho phụ nữ, nhiều ông chồng cũng hăng hái vào bếp chăm sóc vợ, con không chỉ trong những ngày đặc biệt: Quốc tế Phụ nữ 8-3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 hay sinh nhật vợ...
Chị Đặng Thị Thu (23 tuổi, quận Hải Châu) cho biết, chị có một đồng nghiệp nam rất hay, được mọi người phong danh hiệu “Ông chồng của năm” khi chiều nào anh cũng đưa đón hai con nhỏ, cho con ăn uống, tắm rửa xong mới đi đá bóng. Những khi vợ bận, anh còn kiêm đầu bếp, quán xuyến mọi việc gia đình đâu ra đấy. Chị Thu kể, mỗi khi được chị em công ty xuýt xoa khen ngợi, anh chỉ cười hiền “ai làm mà không được”.
Cùng nhau kiếm tiền, cùng chăm sóc con cái, các cặp vợ chồng trẻ thời nay càng hiểu hơn giá trị bữa cơm gia đình. Hạnh phúc đôi khi chỉ bình dị là những phút giây bên nhau tận hưởng món ăn được “nấu” qua đôi bàn tay thơm thảo của người vợ, hay trái tim ấm áp của người chồng.
MỘC MIÊN