.

Người cao tuổi đồng hành với vận mệnh đất nước

.

Theo đề nghị của Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 6-6-1941, ngày Nguyễn Ái Quốc viết bài Kính cáo đồng bào làm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam.

Các tập thể có nhiều thành tích về công tác người cao tuổi được UBND thành phố tặng bằng khen. 					Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Các tập thể có nhiều thành tích về công tác người cao tuổi được UBND thành phố tặng bằng khen. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, ngày 6-6-1941, Nguyễn Ái Quốc viết bài Kính cáo đồng bào kêu gọi toàn dân, kêu gọi người cao tuổi tham gia chống Pháp, chống Nhật.

Phát huy truyền thống Diên Hồng, Nguyễn Ái Quốc đã kêu gọi phụ lão cả nước phát huy truyền thống anh hùng của các bậc tiền bối, nêu “Tấm gương oanh liệt của các bậc phụ lão tiền bối như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến còn treo đó” và “Hỡi các bậc phụ huynh! Hỡi các bậc hiền huynh chí sĩ! Mong các ngài noi gương phụ lão đời nhà Trần trước họa giặc Nguyên xâm lấn, đã nhiệt liệt hô hào con em tham gia sự nghiệp cứu quốc”.

Tiếp đó, cũng trong tháng 6-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết Lời hiệu triệu đoàn kết các bậc phụ lão, xác định “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước là trọng đại. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất phụ lão cứu – Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề”…

Ngày 21-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có thư gửi phụ lão cả nước, một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của phụ lão đối với sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta và hô hào thành lập Phụ lão cứu quốc Hội… “để hùn sức giữ gìn nền độc lập của nước nhà”.

Như vậy, ngay những ngày đầu trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tháng 8-1945 và năm đầu nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần viết thư nói đến vai trò, trách nhiệm và tiềm năng của người cao tuổi đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Việc Chính phủ lấy ngày 6-6-1941 làm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam có ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với sự cống hiến to lớn trong suốt những năm chiến đấu, bảo vệ và xây dựng đất nước của lớp người cao tuổi Việt Nam.

Truyền thống của người cao tuổi Việt Nam 75 năm qua luôn gắn liền với vận mệnh của dân tộc; gắn liền với những thắng lợi, sự phát triển và cả những bước thăng trầm của dân tộc.

Cống hiến to lớn nhất của lớp người cao tuổi Việt Nam, lớp người cao tuổi của thành phố Đà Nẵng là đã có công sinh thành, nuôi dạy con cháu, giữ gìn và phát triển giống nòi, giáo dục các thế hệ trẻ về nhân cách, phẩm chất đạo đức, giáo dục trong xây dựng gia đình, giáo dục về lòng yêu nước, trách nhiệm của mỗi người đối với đất nước khi lâm nguy cũng như trong xây dựng hòa bình.

Người cao tuổi Việt Nam không chỉ lao động cần cù, sáng tạo mà còn dám quên mình chiến đấu, hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc. Họ là nhân chứng của lịch sử và rất nhiều người đã góp phần trực tiếp làm nên lịch sử.

Trước năm 1975, nhiều người cao tuổi thành phố Đà Nẵng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, động viên con cháu tham gia cách mạng. Có người đã hy sinh; có người bị tù đày, tra tấn; có người sẵn sàng hy sinh để nuôi giấu cán bộ, ở cả thành thị lẫn nông thôn; nhiều cụ là Mẹ Việt Nam anh hùng và hiện nay nhiều người cao tuổi của thành phố là cán bộ lão thành cách mạng, nhiều người cao tuổi rất xứng đáng được tôn vinh là những tấm gương sáng trong chiến đấu cũng như trong xây dựng hòa bình, tham gia hoạt động rất hiệu quả trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, nhân đạo từ thiện, nghiên cứu khoa học, v.v…

Lớp người cao tuổi của thành phố từ trước đến nay có thể tự hào về sự cống hiến, nêu gương, sự hy sinh cho độc lập dân tộc, cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói từ năm 1941: “Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi, nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến việc giết giặc.

Rút guốc mộc để ném vào đầu bọn bạo ngược, vung gậy trúc để đánh vào bọn hung ác. Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô nhân dân hưởng ứng, phụ lão làm nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước ta đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”.

Trong những năm qua, lãnh đạo thành phố rất quan tâm việc chăm sóc và phát huy người cao tuổi. Việc khám chữa bệnh, trợ cấp khó khăn, nuôi dưỡng người già neo đơn, cấp thẻ bảo hiểm y tế, điều kiện vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao đều được quan tâm giải quyết, Quỹ chăm sóc người cao tuổi được thành lập ở tất cả các phường, xã.

Triển khai chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi của Trung ương, UBND thành phố Đà Nẵng đã có kế hoạch thực hiện cụ thể đối với người cao tuổi. Kế hoạch của thành phố đề cập mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đến năm 2020 nhằm phát huy vai trò người cao tuổi và nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi, phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động trợ giúp nhằm nâng cao tuổi thọ cho người dân thành phố.

Chúng ta tin tưởng rằng, Luật Người cao tuổi và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian đến, từng bước tạo điều kiện tốt hơn cho nhu cầu phát huy và chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn thành phố.

Lê Văn Kiện

Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Đà Nẵng

;
.
.
.
.
.