Chính trị - Xã hội

Người dân Hòa Nhơn mong lắp đặt trạm bù sóng

08:36, 13/06/2016 (GMT+7)

Gần nửa năm nay, người dân xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) gặp rất nhiều khó khăn trong việc xem truyền hình số chuẩn DVB-T2. Dù đã điều chỉnh ăng-ten đủ hướng, thay nhiều loại đầu thu kỹ thuật số nhưng nhiều nhà vẫn không thu được sóng số. Người dân nơi đây rất mong thành phố sớm lắp đặt trạm bù sóng để xem truyền hình số ổn định hơn.

Một số thôn ở xã Hòa Nhơn, sóng truyền hình số bị chập chờn.
Một số thôn ở xã Hòa Nhơn, sóng truyền hình số bị chập chờn.

Do sóng hay đầu thu?

Đến thôn Phước Hậu, xã Hòa Nhơn vào sáng 11-6, nhiều người dân ở đây phản ánh đã mấy tháng nay, do sóng truyền hình không ổn định nên ti-vi nhà họ lúc nào cũng bị chập chờn. Có khi hình ảnh bị đứng cả tiếng hoặc khi xe tải lớn chạy ngang qua, ti-vi cũng bị nhiễu sóng. Nhiều hộ được hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số chỉ xem được ti-vi khoảng hơn 1 tháng sau ngày Đà Nẵng ngắt sóng tương tự (analog) vì sau đó đầu thu không sử dụng được nữa.

Nhiều nhà không có điều kiện sắm lại đầu thu khác đành phải để ti-vi... nằm không! “Mấy tháng ni nhà tui không xem được ti-vi, vợ chồng con cái nhìn nhau thở dài. Tui cũng không biết là do đầu thu bị hư hay do sóng ở đây yếu nhưng sửa đi sửa lại miết mà không được. Nhà tui cũng mua ăng-ten quay hơn 200.000 đồng về thay ăng-ten được hỗ trợ nhưng vẫn không thu được sóng”, chị Bùi Thương bức xúc. Theo chị Thương, khi lắp đặt đầu thu kỹ thuật số cho gia đình chị, nhân viên đem đầu thu đến rồi bỏ về, chị đành nhờ thợ điện trong xã đến lắp giúp; về nơi bảo hành, chị Thương cũng không biết.

Cũng nằm trong diện hộ nghèo được hỗ trợ đầu thu, mấy tháng nay không xem được ti-vi, chị Lê Thị Cân phải đi đi lại lại nhờ Đài Truyền thanh xã Hòa Nhơn hỗ trợ nhưng không ai đến giúp. Ông Lê Duy Anh, Trưởng thôn Phước Hậu cho biết, cả thôn có 75 hộ, trong đó có đến 70% hộ sử dụng đầu thu kỹ thuật số, thế nhưng hiện nay nhiều nhà không thu được sóng truyền hình số.

Tại các thôn Hòa Khương Đông, Phước Thịnh… cũng gặp trường hợp tương tự. “Nhiều hộ dân ở thôn Phước Thịnh đã không dùng đầu thu kỹ thuật số nữa. Những hộ có khả năng thì chuyển sang dùng truyền hình trả tiền, còn mấy hộ nghèo lấy đâu ra tiền mà lắp đặt dịch vụ đó”, ông Bùi Thịnh, Trưởng thôn Phước Thịnh nói. Theo nhiều hộ dân phản ánh, đang vào mùa Euro nhưng nhiều nhà do không bắt được sóng số đành phải xem “ké” những nhà dùng truyền hình trả tiền hoặc phải mất tiền ra quán cà-phê xem. “Mấy bữa ni nghiện bóng đá mà ti-vi ở nhà không xem được nên tui phải ra quán cà-phê xem. Bóng đá truyền hình trực tiếp lúc 8-9 giờ tối còn ra quán cà-phê xem được, chứ 1-2 giờ khuya thì ai đi xem”, một hộ dân ở thôn Hòa Khương Đông chia sẻ.

Đừng “đem con bỏ chợ”

Theo báo cáo của UBND huyện Hòa Vang, cả xã Hòa Nhơn có tổng cộng 143 hộ nghèo và cận nghèo được lắp đặt đầu thu kỹ thuật số. Tuy nhiên, qua theo dõi vẫn còn một số thôn như Phước Thuận, Phước Hậu, Hòa Khương Đông, Hòa Khương Tây, Phước Hưng, Phước Thái, Phú Hòa 2, Thạch Nham Đông và Thạch Nham Tây thu sóng truyền hình số chuẩn DVB-T2 không ổn định. Qua đo sóng cho thấy, việc thu kênh 49 từ Trạm phát lại Sơn Trà và kênh 47 từ Trạm phát lại Hòa Sơn, chất lượng sóng vẫn chập chờn. UBND huyện Hòa Vang đã gửi báo cáo đề nghị UNBD thành phố lắp đặt thêm trạm bù sóng ở xã Hòa Nhơn để các thôn này thu sóng ổn định hơn.

Theo các hộ dân ở xã Hòa Nhơn, trong khi chờ thành phố khảo sát, xem xét có nên lắp đặt trạm bù sóng ở xã Hòa Nhơn hay không thì nên giải thích cho người dân được rõ vì sao một số vùng không thu được sóng truyền hình số. “Tôi nghĩ trước khi thành phố ngắt toàn bộ sóng tương tự mặt đất thì nên tổ chức buổi tập huấn để chúng tôi nắm rõ kỹ thuật lắp đặt đầu thu kỹ thuật số.

Hồi cuối năm ngoái, các anh ở đài truyền thanh xã đến lắp đặt cho các hộ nằm trong diện hỗ trợ, lắp đặt xong coi như hết nhiệm vụ. Khi đầu thu bị hư hỏng, người dân kêu tổ trưởng thì tổ trưởng biết kêu ai. Các hộ nghèo nằm trong diện hỗ trợ đã đành, còn các hộ tự mua đầu thu về mà không thu được sóng cũng không biết nhờ cậy đến ai nữa vì không biết đầu thu hư hay do sóng truyền hình yếu. Tôi nghĩ việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số mặt đất cần tập huấn trước để người dân nắm rõ chứ “đừng đem con bỏ chợ” như vậy”, một trưởng thôn ở xã Hòa Nhơn bức xúc. Nhiều hộ dân cũng cho rằng, nên chăng Sở Thông tin và Truyền thông cùng đơn vị trúng thầu và các ngành chức năng sớm nói rõ cho người dân về tình hình truyền hình số ở một số nơi thu sóng không ổn định.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

.