.

Ông Trung làng Mực

.

LTS: Thiếu tướng - Nhà văn Nguyễn Chí Trung từ trần lúc 22 giờ 35 ngày 11-6-2016, hưởng thọ 87 tuổi. Quảng Nam-Đà Nẵng là nơi ông sinh ra và gắn bó gần như suốt đời, là mảnh đất phì nhiêu để ông sáng tác nên những tác phẩm có giá trị của mình. Cán bộ, bộ đội, nhân dân và giới văn nghệ, báo chí Quảng Nam- Đà Nẵng luôn luôn quý mến, thân thiết với ông và vô cùng đau buồn, thương tiếc khi nghe tin ông ra đi. Báo Đà Nẵng xin chia buồn cùng gia đình nhà văn Nguyễn Chí Trung và giới thiệu bài viết của nhà thơ Thanh Quế, một người đồng nghiệp, một người em có nhiều năm gần gũi gắn bó với ông.

Vào một đêm tháng 9-1970, tôi đang dự họp với cán bộ xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) trong một ngôi nhà hầm thì nghe có tiếng người lao xao bên ngoài. Tôi chạy ra thì nghe một bà cụ nói:

- Các chú lãnh đạo xã đâu. Tôi thấy một tên cứ đi ngơ ngơ trên đồng kiếm gì đó. Nghi lắm, hẳn là gián điệp nên tôi giơ đòn gánh lên bảo hắn đứng lại rồi dẫn về đây.

Bà cụ đẩy “tên gián điệp” đó về phía tôi. Trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn hắt ra từ căn hầm, tôi nhận ra “hắn” ngay: Đó là nhà văn Nguyễn Chí Trung.

…Thì ra, Nguyễn Chí Trung đi với bộ đội đánh đồn Ba Tơ. Trên đường rút về căn cứ, Nguyễn Chí Trung nhớ đến các bạn cũ đã hy sinh trong trận Ba Gia năm xưa nên đi tìm mộ để thắp hương. Nhưng trời tối quá chưa tìm ra. Đang bí, không biết đêm nay sẽ nghỉ ở đâu thì gặp bà cụ. Bà giơ đòn gánh dọa, đòi bắt anh nộp lên xã, anh mừng quá, đi theo bà cụ ngay...

Nguyễn Chí Trung như vậy đó. Anh thường đi với bộ đội, cầm súng đánh nhau thực sự trong các chiến dịch. Nhà thơ Thân Như Thơ có lần kể với tôi rằng: Trong trận Ba Gia năm 1965, khi đồng chí chỉ huy một mũi tấn công ngã xuống, Nguyễn Chí Trung lúc đó là phóng viên Báo Quân giải phóng Khu 5 đã đứng ra chỉ huy bộ đội tiếp tục đánh.

Tôi lại được nghe rằng, trong trận Thượng Đức năm 1974, vào hồi căng thẳng quá, địch phản ứng quyết liệt, bộ đội không phát triển được, Nguyễn Chí Trung đã bò đến tiểu đoàn đầu cầu. Anh nghiên cứu trận địa và phát hiện ra rằng: Sở dĩ địch khống chế ta vì có hai lỗ châu mai ở trước đồn địch rất kiên cố. Rồng lửa ta không thể tiêu diệt được chúng. Anh bàn với đồng chí tiểu đoàn trưởng cho hai chiến sĩ bò lên, thảy lựu đạn vào lỗ châu mai. Khi họng súng của địch bị tắt, bộ đội ào lên, Nguyễn Chí Trung biến mất.

Nguyễn Chí Trung cứ xuất hiện lại biến mất, vụt ở đây vụt ở đó cũng như quê quán anh chẳng bao giờ người ta biết rõ. Nếu gặp một người ở Nghệ An thì anh bảo anh là dân Nghệ An. Có lúc anh nói với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên rằng anh sinh tại Tuy Hòa. Đối với anh em Điện Bàn (Quảng Nam) thì chắc mẩm anh là người Ba Xã. Bàn chân anh đã đi khắp Đông Dương, hẳn khi gặp một bạn Lào hay Campuchia thì Nguyễn Chí Trung có thể nói anh sinh ra ở Xvâyriêng hay Xavanakhét.

Nguyễn Chí Trung lúc nào cũng thấy thiếu vốn sống, thiếu tài liệu - dù anh tràn ngập vốn sống mà bao nhiêu người phải thèm muốn. Mỗi lần đi công tác về, anh ngồi viết, giữa chừng thấy chưa “đủ vốn” lại đi lại. Một lần, Nguyễn Chí Trung đã cất chòi ở Trà Bồng (Quảng Ngãi) để ở lâu, lấy cho hết mọi chuyện xung quanh cuộc khởi nghĩa Trà Bồng. Thế rồi năm sau anh lại đến đây nữa. Có lẽ vì thế và vì việc say mê tham gia các chiến dịch, Nguyễn Chí Trung viết được rất ít. Để viết truyện Bức thư làng Mực nổi tiếng, anh phải vận dụng vốn hiểu biết về đồng bào dân tộc hàng mấy chục năm, lại đi đi về về làng Mực, quen thuộc hết những người dân trong làng. Đến nỗi khi nhắc đến anh nhiều người quen gọi là “ông Trung làng Mực”.

Cũng như thế, để viết những người anh hùng có tên và không tên, anh đã đi tận nơi, làm bạn với họ. Có một lần, sau chiến tranh, anh cùng tôi đi xuống xã Điện Phương (Điện Bàn, Quảng Nam) gặp ông già Biển. Ông là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông và Nguyễn Chí Trung ôm nhau khóc. Họ xa nhau mấy năm liền. Thì ra, Nguyễn Chí Trung đã lần đến quê gặp cụ, khai thác tài liệu để viết bút ký Biển rất đặc sắc. Khi viết xong bút ký, anh cũng đề nghị cụ đổi tên. Cụ tên khác, tôi đã quên tên -  thành ra là Biển - Hồ Văn Biển. Cũng như vậy, anh đã đặt tên người anh hùng Phan Hiệp thành Phan Hành Sơn để kỷ niệm những trận đánh lịch sử của người anh hùng này ở Ngũ Hành Sơn.

Nguyễn Chí Trung được nhiều người ở nhiều vùng quê yêu mến và anh cũng chí tình chí nghĩa với những người anh đã gặp. Trong những ngày giải phóng Quảng Nghĩa, Nguyễn Chí Trung rủ nhà văn Phan Tứ và tôi đi Sa Huỳnh. Anh được bà con ở đó hỏi han, quý mến, mừng rỡ, cho ăn cho uống mà cả đoàn cùng hưởng. Khi chúng tôi ra đi, các mẹ, các chị, các em cầm tay anh khóc nức nở. Có gì lạ đâu, vào những ngày chiến dịch căng thẳng để giải phóng Sa Huỳnh năm 1972, Nguyễn Chí Trung đã cùng bà con ở đó đội đại bác.

Một lần, tôi cùng anh đi Hòa Hải, xã anh hùng ở Hòa Vang, Quảng Nam - Đà Nẵng. Thấy anh, bà con ùa đến vây quanh. Có bà cụ mù lòa rờ vai anh, mặt anh, khóc: “Chung hả, tao nhớ mày lắm”. Nguyễn Chí Trung rưng rưng nước mắt hỏi: “Má Năm có khỏe không? Ba mất con không về được”. Anh quay sang một chị: “Chị Tám dạo này thế nào?” “Còn em, - anh cầm tay một chú bé chừng 10 tuổi - thằng Tẹo học lớp mấy rồi”. Anh nhớ hết từng người và bà con cũng không quên anh.

Nguyễn Chí Trung có những truyện ngắn hay: Bức thư làng Mực, Hương Cau, Làng Quế… nhưng có lẽ ký của anh đặc sắc hơn. Những bài ký nhân vật được anh khắc họa tính cách và tâm lý nhân vật sinh động, sâu sắc chẳng khác nào những truyện ngắn. Còn ký chính luận của anh lại nặng chắc những ý tưởng mới và đầy chất trữ tình tự sự. Văn của Nguyễn Chí Trung hùng hồn nhưng có cái gì nghèn nghẹn, có cái gì sâu lắng ở bên trong.

Nhưng anh biết nhiều mà viết quá ít, lại ít chú ý đến việc tập hợp tác phẩm để in thành sách. Anh đã phân tán trí tuệ trong quá nhiều công việc: kế hoạch chiến đấu, các chỉ thị, nghị quyết, các đợt chiến dịch... Những công vụ, những trận đánh lấn át thời gian của một nhà văn. Dạo năm 1982-1983, Nguyễn Chí Trung ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, đang dồn sức để viết quyển tiểu thuyết về khởi nghĩa Trà Bồng thì được lệnh đi công tác ở chiến trường Campuchia. Anh xếp bản thảo lại rồi nói với tôi rằng: “Các anh bảo mình đi tức là bí người rồi, các anh mới cần mình, mình phải đi thôi”.

Anh đi, để đến hàng chục năm sau mới rờ lại bản thảo. Phải đi thực tế lại. Tuổi cao, sức yếu, có lần anh bị té gãy chân phải nằm bệnh viện ở Tam Kỳ (Quảng Nam) mấy tháng. Chính thời gian này, anh đã sửa chữa và viết tiếp tập bản thảo đang dang dở trước đây. Anh viết hối hả, say mê như để bù thời gian đã mất. Và tiểu thuyết Tiếng khóc của nàng Út, viết về cuộc đồng khởi của quân dân Trà Bồng (Quảng Ngãi) năm 1959, được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân in năm 2007. Cuốn sách có tiếng vang lớn, được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và sau này, năm 2012 được Giải thưởng Nhà nước. Gần đây, anh khoe với tôi anh đang cho in một cuốn truyện viết về cuộc chiến đấu chống giặc Pháp ở Bưu điện Đà Nẵng tháng 12-1946. Anh hứa in xong sách anh sẽ gửi tặng, song đến nay chưa thấy…

Chục năm gần đây, anh đã được phong lên tướng, đã về hưu, tuổi lại cao, sức khỏe yếu nhưng vẫn mải miết đi tìm tài liệu để viết. Có lúc anh ở Tây Nguyên, có lúc nghe tin đang ở Campuchia. Đôi lúc gặp anh chớp nhoáng vài phút rồi anh vội vội vàng vàng lên xe đi tuốt…

Thỉnh thoảng, có một người quen hỏi tôi:

- Dạo này anh Trung ở đâu nhỉ? Đã có vợ con gì chưa?

Ấy là người ta quan tâm đến anh, thương anh. Tuổi cao rồi, anh vẫn cô đơn thui thủi một mình. Nhớ ngày mới giải phóng miền Nam, chúng tôi quyết định tìm cho anh một cô vợ. Hỏi anh muốn “tiêu chuẩn” một người vợ thế nào, anh cười:

- Mình muốn một cô gái thật trẻ, thật đẹp, có văn hóa và là một đảng viên.

Khó quá. Tìm mãi, lần ấy, chúng tôi mới mời được một chị giáo viên Văn cấp III, đẹp, đã 30 tuổi, chưa chồng đến cơ quan. Thế là anh bắt đầu lúng túng. Đáng ra, phải tiếp người đẹp thì anh lại hỏi chúng tôi:

- Có cậu nào đánh cờ với mình không nhỉ?

- Tụi em không biết đánh - Chúng tôi nói vậy để nhắc anh nhớ đến sự có mặt của người đẹp.

- Cô biết đánh cờ không? - Anh đột ngột quay lại hỏi chị giáo viên.

Chị lắc đầu…

Trong đời tôi, tôi chưa thấy có nhà văn nào chăm lo đến công việc viết văn của người khác, nhất là anh em viết trẻ như anh Nguyễn Chí Trung. Anh chăm lo cho người khác một cách vô tư, như để họ bù lại những việc mà anh chưa làm được.

Trong những năm chống Mỹ, anh làm ủy viên Đảng - đoàn Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5. Việc chính của anh là phụ trách anh em văn nghệ bên phía quân đội. Tuy vậy, mỗi lần gặp chúng tôi - bên phía dân sự - anh thảo luận việc viết lách rất cụ thể.

Từ năm 1973, khi nhà văn Nguyên Ngọc và nhà thơ Vương Linh ra Bắc chữa bệnh, Nguyễn Chí Trung phụ trách cả hai bên quân đội và dân sự của Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5. Anh làm việc với anh em bên quân đội rồi lật đật sang làm việc với chúng tôi. Có đêm, anh làm việc khuya, định ngủ lại chỗ chúng tôi. Nhưng vừa cột võng xong, nhớ ra là chưa dặn một anh ở bên quân đội một việc gì đó để sáng mai đi công tác sớm, anh vội cuốn võng băng rừng lội suối lũ trong đêm để trở về.

Ở Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5, hầu hết chúng tôi đều còn rất trẻ về tuổi đời và tuổi nghề. Nguyễn Chí Trung chủ trương đưa chúng tôi thâm nhập vào thực tế để tích lũy vốn sống, vốn hiểu biết. Mỗi đợt chiến dịch anh tung chúng tôi đi khắp các chiến trường, người đi với bộ đội chủ lực, người đi với bộ đội địa phương, người đi với du kích hay lực lượng đấu tranh chính trị, làm sao phù hợp với cái “tạng” từng người viết. Mỗi lần chúng tôi ra đi, anh chuẩn bị giấy tờ, chạy đến bộ phận hậu cần đòi cấp gạo tiền, căn dặn chúng tôi về việc đi lại, lấy tài liệu.

Lần thì anh dặn tôi: “Cố gắng trong đợt này làm thân với một xã đội trưởng, một cán bộ đấu tranh chính trị hay binh vận gì đó, thân đến mức sau này còn viết thư cho nhau, đến thăm hỏi nhau”, lần sau anh nhắc: “Đợt này Quế phải làm con nuôi của một bà mẹ trụ bám hoặc một bà mẹ có nhiều con hy sinh cho cách mạng”. Anh muốn chúng tôi gắn bó máu thịt với nhân dân, với chiến sĩ trong cuộc chiến đấu này, chứ không phải là người đến hỏi chuyện, ghi chép rồi bôi chữ hời hợt trên những trang giấy. Vì thế, cứ mỗi lần đi công tác về anh lại hỏi chúng tôi: “Đợt này đi về em thấy có kỷ niệm nào sâu sắc nhất?”.

Sau năm 1975, để anh chị em có thời gian sáng tác sau bao nhiêu năm bị lôi cuốn vào những công việc khác của chiến tranh, Nguyễn Chí Trung đã xin lãnh đạo Khu đứng ra thành lập Trại sáng tác văn học Quân khu 5. Nguyễn Chí Trung được cử làm trại trưởng và Phan Tứ làm trại phó. Tại đây, lần đầu tiên trong đời, anh em viết văn trẻ chúng tôi được yên tĩnh thực hiện mỗi một việc: Viết, đọc, đi bổ sung tài liệu rồi viết.

Trước khi viết, Nguyễn Chí Trung và Phan Tứ thảo luận với chúng tôi rất kỹ về đề cương, bố cục. Sau khi viết, các anh tổ chức cho chúng tôi đọc bản thảo của nhau rồi góp ý kiến. Hầu hết những cuộc góp ý đều vui vẻ nhưng có những cuộc “nảy lửa”.  Như một lần, anh với nhà thơ Thu Bồn đập bàn đập ghế vì Thu Bồn không đồng ý với những góp ý của anh về trường ca Campuchia hy vọng. Sau đó, thông cảm nhau, hai người ôm nhau khóc…

Trong những quyển sách mà mỗi chúng tôi có được qua 5 năm ở Trại sáng tác văn học Quân khu 5 đều có công lao ít nhiều của Nguyễn Chí Trung. Anh gợi ý về chủ đề cho quyển Thung lũng thử thách của Thái Bá Lợi, chữa câu chữ cho Vàng Crum của Nguyễn Đăng Kỳ, bổ sung chi tiết cho Năm 75, họ sống như thế của Nguyễn Trí Huân, góp ý chủ đề và bố cục cho trường ca Những người đi tới biển của Thanh Thảo… Lớp viết trẻ ở Khu 5 chúng tôi rất biết ơn công lao dìu dắt của anh…

Thiếu tướng - Nhà văn Nguyễn Chí Trung, tên thật là Thái Nguyên Chung, sinh năm 1930 tại Hòa Phước, Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng; Ủy viên thường vụ Hội Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ, thư ký tòa soạn 2 tạp chí Văn nghệ Giải phóng và Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ; Trưởng tiểu ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Khu 5, Bí thư Đảng - đoàn Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ (1973-1975). Sau giải phóng, ông làm Phó Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, chủ nhiệm chính trị cơ quan đại diện Bộ Quốc phòng tại mặt trận Tây Nam, trợ lý Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Các tác phẩm tiêu biểu: Đà Nẵng (bút ký - 1950); Bức thư Làng Mực (truyện ngắn 1975); Hương cau (truyện ngắn 1975); Khi dòng sông ra đến cửa (truyện, ký 1981); Tiếng khóc của Nàng Út (tiểu thuyết -  2007; Đối thoại trong đêm (Tiểu thuyết – 2011). ông được trao Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu với tác phẩm Bức thư làng Mực (1965) và Giải thưởng Nhà nước năm 2012.

Thanh Quế

;
.
.
.
.
.