Chính trị - Xã hội
Thủ tướng: Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên
Sáng 20/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị bàn về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Sau khi chỉ ra một loạt nguyên nhân dẫn đến mất rừng như rừng còn vô chủ; lực lượng chức năng chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ, phát triển và quản lý rừng; tiêu cực tham nhũng trong một bộ phận cán bộ bảo vệ rừng; tình trạng di dân tự do đến phá rừng, lấy đất trồng cây công nghiệp, Thủ tướng kết luận Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên; không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác; không chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.
Tiếp đó, Thủ tướng yêu cầu đóng cửa các cơ sở chế biến gỗ, rừng tự nhiên, sắp xếp lại các nông, lâm trường để đảm bảo đất rừng có chủ, ngừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan đất rừng; dừng hoạt động các dự án không trồng rừng thay thế, không chi trả chi phí bồi thường đất rừng và rừng...
Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân quyết tâm khôi phục và phát triển rừng bền vững, phấn đấu đến 2020 nâng tỷ lệ che phủ rừng khu vực Tây Nguyên lên 59%. Đây thực sự là một quyết định “cứu sống” rừng Tây Nguyên. Cũng là điều người dân Tây Nguyên trông chờ Chính phủ đã lâu.
Phân tích của Thủ tướng như một sự tổng kết, đánh giá về tài nguyên rừng Tây Nguyên, chỉ rõ những nguyên nhân làm mất rừng để những người có trách nhiệm nhận diện đúng những khó khăn và dự liệu được công việc phải làm đối với sự phát triển bền vững của Tây Nguyên.
Trong nhiều năm qua, rừng Tây Nguyên đã là tâm điểm chú ý của dư luận khi rừng đang bị biến mất từng ngày. Tình trạng “chảy máu” rừng đại ngàn Tây Nguyên được núp bóng dưới các dự án chuyển đổi rừng để trồng cây công nghiệp theo cách biến rừng giàu thành rừng nghèo, rồi lấy đất rừng nghèo trồng càphê, cao su; đây thực chất là phá rừng lấy gỗ.
Thực tế đó đã dẫn đến tình trạng phá rừng một cách tinh vi, dù đã có nhiều quy định pháp luật nhưng rừng vẫn bị phá ngang nhiên do không có chế tài đủ mạnh cũng như kẽ hở để “con lạc đà chui qua lỗ kim.”
Rừng cũng bị mất do các dự án thủy điện, do di dân tự do phá rừng làm nương rẫy…
Tuy nhiên, điều đặc biệt quan trọng trong hội nghị lần này, Thủ tướng chỉ đạo đóng cửa các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên; đây chính là biện pháp để ngăn chặn những “cánh rừng chui qua lỗ kim.”
Bởi vì thực tế dù có đóng cửa rừng mà các cơ sở chế biến gỗ rừng vẫn ngang nhiên tồn tại thì sẽ tạo ra một quan hệ cung-cầu, một vùng đất cho “lâm tặc” sinh tồn. Hệ quả là những cây cổ thụ của đại ngàn vẫn bị đốn hạ, rừng vẫn “chảy máu” hàng ngày và suy kiệt.
Chỉ có thực thi nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, cấm các cơ sơ chế biến gỗ rừng hoạt động và có chế tài xử phạt đủ mạnh thì mới triệt tận gốc được “cái nhu cầu” phá rừng không chỉ của “lâm tặc” mà còn của không ít chủ rừng, chủ doanh nghiệp.
Tây Nguyên đối mặt với hạn hán hàng năm và ngày càng gay gắt; nguyên nhân chủ yếu là do mất rừng. Cả không gian kinh tế và văn hóa của Tây Nguyên đang bị thu hẹp lại theo các cánh rừng bị mất.
Việc bảo vệ những vùng rừng tự nhiên, phục hồi, trồng mới rừng là công việc phục hồi không gian sống của Tây Nguyên. Đó là việc làm cấp bách đòi hỏi những cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý, phát triển rừng phải thật sự tâm huyết với Tây Nguyên.