.
Vụ tàu Thảo Vân 2 chìm trên sông Hàn

Nỗ lực cao nhất tìm kiếm cứu nạn

.

* Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến hiện trường kiểm tra vụ việc

* Lãnh đạo thành phố kịp thời chỉ đạo công tác cứu nạn

Bằng những nỗ lực của cơ quan chức năng và sự tích cực của người dân, đến 17 giờ ngày 5-6, 3 thi thể nạn nhân vụ tàu Thảo Vân 2 bị chìm trên sông Hàn tối 4-6 được tìm thấy sau gần 20 giờ tích cực tìm kiếm. Qua vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này cũng cho thấy nhiều vấn đề cần được điều tra, làm rõ và chấn chỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn người mất tích tại hiện trường vụ chìm tàu trên sông Hàn. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn người mất tích tại hiện trường vụ chìm tàu trên sông Hàn. Ảnh: TTXVN

Huy động tổng lực tìm kiếm nạn nhân

Khoảng 20 giờ 25 ngày 4-6, tàu Thảo Vân 2 số hiệu ĐNa 0016 đang chở 53 khách du lịch trên sông Hàn cùng 3 thuyền viên thì bị lật và chìm tại khu vực giữa cầu Thuận Phước và cầu Sông Hàn (đối diện khách sạn Novotel). Tàu do tài công Lê Công Chí (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) điều khiển; chủ tàu là ông Võ Quốc Hùng.

Lúc đó, trên tàu Thảo Vân 2 có 56 người, trong đó đoàn Thái Nguyên gồm 21 người (2 người chết), đoàn Hà Nội 13 người, Đắc Lắc 9 người, Nam Định 2 người, Bình Định 4 người (1 người chết), đoàn Malaysia 4 người và 3 nhân viên trên tàu. Ngoài 43 người được các cơ quan chức năng, thuyền viên các tàu trên sông cứu được, có 10 du khách khác tự bơi và đưa nhau vào bờ, 3 nạn nhân mất tích là hai chị em ruột Trịnh Kim Phượng và Trịnh Tiến Huy (quê Bắc Kạn) và anh Phạm Tấn Cường (quê Bình Định). Các nạn nhân ngay lập tức được đưa đến các bệnh viện để cứu chữa kịp thời.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan và lực lượng vũ trang có mặt tại hiện trường để chỉ đạo trực tiếp, triển khai công tác cứu nạn. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ngay lập tức lập Sở chỉ huy tiền phương tại hiện trường do Thiếu tướng Ngô Quý Đức, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 5 trực tiếp chỉ huy.

Sau khi tạm ngưng tìm kiếm vào lúc 3 giờ sáng, sáng 5-6, các lực lượng chức năng tiếp tục vào cuộc tìm kiếm. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vào Đà Nẵng để phối hợp với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chỉ đạo công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Theo Thiếu tướng Ngô Quý Đức cho biết, đã huy động hơn 100 phương tiện, gần 1.000 người tham gia cứu nạn. Các thợ lặn của phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), thợ lặn của Bộ đội Biên phòng, Trung tâm cứu nạn Việt Nam cũng như Quân khu 5 với các trang thiết bị hiện đại được tung vào cuộc. Cùng với việc quần thảo dọc bờ sông, các thợ lặn đã lặn khắp đoạn sông Hàn (khu vực từ cầu Sông Hàn đến cầu Thuận Phước).

Đặc biệt, lực lượng thợ lặn đã căng hết sức mình làm nhiệm vụ. Ông Nguyễn Tư, Hội trưởng Hội vạn lặn phường Nại Hiên Đông cho biết, sau khi sự cố xảy ra, được lãnh đạo địa phương kêu gọi tham gia ứng cứu thì anh đã vận động những người thợ lặn trong hội tích cực tham gia tìm kiếm. Ngay bản thân anh cũng đã nỗ lực ngày đêm để tìm kiếm thi thể các nạn nhân. “Từ đêm 4-6 đến chiều 5-6, dù anh em thợ lặn đã mệt lả, nhưng ai cũng muốn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ để nhanh chóng tìm ra thi thể của các nạn nhân”, ông Tư chia sẻ.

Ngay sau khi có công điện chỉ đạo việc tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả, chiều 5-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo việc cứu nạn và đến bệnh viện thăm hỏi, động viên gia đình và các nạn nhân. Đánh giá về công tác cứu nạn, Thủ tướng Chính phủ cho rằng Đà Nẵng đã nỗ lực không ngừng để chỉ đạo công tác tìm kiếm, huy động tất cả các lực lượng để tìm kiếm, mang lại kết quả rất tốt. Điều này thể hiện trách nhiệm cao của chính quyền thành phố cũng như các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn. Thủ tướng cũng biểu dương ngư dân, bà con nhân dân thành phố đã trực tiếp hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc phối hợp để tìm kiếm các nạn nhân.

Đến 15 giờ 30, một ngư dân đang hành nghề ở khu vực biển Thanh Khê thì phát hiện được thi thể anh Phạm Tấn Cường. Sau đó, lúc 16 giờ 45, hai thi thể cháu Trịnh Tiến Huy và Trịnh Kim Phượng được tìm thấy tại khu vực cách nơi tàu chìm khoảng 1km. Sau khi hoàn tất các thủ tục, cả 3 thi thể đã được các gia đình đưa về quê an táng.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định: “Rõ ràng thành phố đã làm rất tốt công tác cứu hộ cứu nạn, huy động cao các lực lượng chức năng tham gia, đặc biệt sự tham gia tích cực của người dân. Mặt khác thành phố cũng tìm kiếm một danh sách đầy đủ của các hành khách, công khai danh sách trên các phương tiện thông tin đại chúng để thấy ai còn thiếu thì liên hệ bổ sung nhưng đến thời điểm đã tìm thấy 3 nạn nhân thì không thấy ai liên hệ nữa”.

Lực lượng vũ trang thành phố và Quân khu 5 tham gia tìm kiếm cứu nạn trên sông Hàn. Ảnh: NGỌC PHÚ
Lực lượng vũ trang thành phố và Quân khu 5 tham gia tìm kiếm cứu nạn trên sông Hàn. Ảnh: NGỌC PHÚ

Nỗ lực cứu chữa các nạn nhân

Trong thời điểm các lực lượng chức năng căng mình tìm kiếm các nạn nhân mất tích, ngay trong đêm 4-6, các nạn nhân nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng để cứu chữa. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng chỉ đạo và trực tiếp kiểm tra tình hình cứu chữa. Lãnh đạo thành phố yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế, chỉ đạo các bệnh viện, y bác sĩ phải nỗ lực hết mình để chăm sóc, cứu chữa cho nạn nhân với tinh thần không để cho nạn nhân cấp cứu trong bệnh viện tử vong.

Lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng chỉ đạo các bệnh viện vào cuộc, động viên đội ngũ y, bác sĩ phải bằng mọi giá cứu chữa nạn nhân. Đến cuối ngày 5-6, vẫn còn 16 nạn nhân được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng (4 trường hợp, trong đó có 1 du khách người Malaysia) và Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng (12 trường hợp). Các nạn nhân đang được đội ngũ y, bác sĩ tích cực theo dõi. Theo bác sĩ Hùng (khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đà Nẵng), sức khỏe của các nạn nhân đang có chuyển biến tốt, điều quan trọng là tâm lý, tinh thần bị sốc do mất người thân nên sẽ còn tiếp tục ở lại điều trị, theo dõi thêm ít ngày.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, trong số 17 nạn nhân, có 5 trẻ em được xuất viện theo nguyện vọng của gia đình. Hiện tình hình sức khỏe của 7 bệnh nhi đã ổn định, được chuyển xuống khoa Nhi hô hấp để theo dõi, 5 nạn nhân còn lại đang được theo dõi, điều trị tại khoa Hồi sức nhi. Được biết, 3 trong số 5 bệnh nhi này đang trong tình trạng viêm phổi cấp, viêm phổi nặng phải thở bằng máy, tiêm kháng sinh bằng đường tĩnh mạch. “Trong tối 4-6, ngay sau khi sự việc đáng tiếc xảy ra, bệnh viện đã huy động các y, bác sĩ, điều dưỡng tích cực theo dõi, tham gia điều trị cho các bệnh nhi.

Ngoài vấn đề sức khỏe còn có yếu tố tâm lý nên bệnh viện vừa làm công tác cứu chữa bệnh, vừa tích cực tư vấn, hỗ trợ tâm lý để các bệnh nhi cũng như người nhà sớm ổn định tình hình sau cú sốc quá lớn”, bác sĩ Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi cho biết. Trong ngày 5-6, lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã đến làm việc với hai bệnh viện chịu trách nhiệm điều trị cho các nạn nhân trong vụ chìm tàu và thống nhất chi trả toàn bộ viện phí điều trị cho các nạn nhân theo sự chỉ đạo của UBND thành phố.

Lực lượng thợ lặn nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm nạn nhân trên sông Hàn.         Ảnh: N.P
Lực lượng thợ lặn nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm nạn nhân trên sông Hàn. Ảnh: N.P

Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan

Công bố thông tin tại buổi họp báo trưa 5-6, ông Trần Đình Quỳnh, Chánh Văn phòng, kiêm người phát ngôn UBND thành phố cho biết, tàu Thảo Vân 2 có giấy chứng nhận đăng kiểm được cấp ngày 19-5-2016, có hiệu lực đến 20-11-2016. Tuy nhiên, khi xuất bến không trình báo với Cảng vụ Đường thủy nội địa và các cơ quan có liên quan theo quy định tại Quyết định số 8215/QĐ-UBND ngày 2-11-2015 của UBND thành phố Đà Nẵng về công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng.

Nguyên nhân vụ tai nạn ban đầu được xác định là do chủ tàu không chấp hành các quy định về vận tải hành khách và tàu chở quá số người quy định. Theo đó, tàu chỉ có sức chứa 28 người, nhưng đã chở đến 56 người. Trong khi đó, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho rằng, mặc dù có đăng kiểm song tàu Thảo Vân 2 còn thiếu rất nhiều điều kiện khác nên không được phép lưu thông. Do đó, tàu Thảo Vân 2 đang hoạt động “chui”. Còn “chui” thế nào thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, làm rõ.

Hiện tại, tài công Lê Công Chí cũng đã bị Bộ đội Biên phòng tạm giữ để điều tra. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện đơn vị vẫn đang tích cực phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng thành phố xác minh nguyên nhân, làm rõ các vi phạm liên quan tới vụ việc. “Khi có kết quả sai phạm thì mới tiến hành khởi tố vụ án theo đúng quy định của pháp luật”, Đại tá Tam nhấn mạnh.

Trước vụ việc nghiêm trọng nói trên, UBND thành phố chỉ đạo các ngành tạm ngưng hoạt động của các tàu du lịch trên sông Hàn để rà soát lại toàn bộ các điều kiện đảm bảo an toàn; kiểm tra chặt chẽ quy trình xuất bến trước khi cho phép hoạt động trở lại. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ thông tin; nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc.

UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc, khẩn trương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể; yêu cầu không để vụ việc đáng tiếc xảy ra. Khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc theo quy định pháp luật.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo các cơ quan chức năng xác lập chứng cứ, bằng chứng vi phạm của chủ tàu, tài công, đơn vị liên quan đến vụ việc.

Trong khi đó, trực tiếp kiểm tra tại hiện trường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là vụ tai nạn nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng “Một tàu có sức chứa 28 người mà chở lên đến 56 người, chứng tỏ là coi thường tính mạng con người”, Thủ tướng nói. Qua vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông vận tải, các lực lượng chức năng cần phải rút kinh nghiệm. “Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cần nhanh chóng động viên, hỗ trợ các nạn nhân, gia đình nạn nhân; sau khi tìm kiếm các thi thể, cần phải đưa về quê an táng kịp thời. Tổ chức điều tra, khởi tố vụ án, đưa ra xét xử một cách nghiêm minh để răn đe, giáo dục”, Thủ tướng lưu ý.

“Du lịch đường thủy là một thế mạnh của Việt Nam, vì vậy Bộ Giao thông vận tải phải tăng cường kiểm tra các phương tiện tàu vận chuyển, đảm bảo chở đúng số lượng người, có trang bị áo phao, phao cứu sinh để hạn chế thấp nhất tai nạn xảy ra”, Thủ tướng đề nghị.

Nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân vụ tàu chìm

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, trước mắt, UBND thành phố hỗ trợ kinh phí mỗi nạn nhân 1 triệu đồng và tiền tàu, xe, phương tiện để các nạn nhân trở về địa phương; hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị cho các nạn nhân, cũng như chi phí mai táng. Thành phố tiếp tục tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình gặp nạn để có mức hỗ trợ phù hợp ngoài các hỗ trợ trên.

Ngày 5-6, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng Nguyễn Mạnh Hùng đến trao 10 triệu đồng cho gia đình 2 cháu Trịnh Kim Phượng và Trịnh Tiến Huy. Thiếu tướng Hà Huy Long, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 đến thăm và tặng quà cho 8 nạn nhân đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi, mỗi suất 3 triệu đồng. Lãnh đạo Công ty TNHH IVC hỗ trợ 124 triệu đồng, trong đó mỗi trường hợp bị tử nạn được hỗ trợ 30 triệu đồng; 17 trường hợp điều trị được hỗ trợ 2 triệu đồng/người.

NGỌC PHÚ – THU HÀ – PHAN CHUNG - ĐẮC MẠNH

;
.
.
.
.
.