.

Bác tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Trịnh Xuân Thanh

.

Hội đồng bầu cử quốc gia biểu quyết bằng phiếu kín về việc xác định tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) với 496 người trúng cử vừa qua, kết quả không công nhận tư cách 1 đại biểu. Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, đó là ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TTXVN
Ông Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: TTXVN

Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia phát đi thông cáo về phiên họp thứ 7 của Hội đồng tại Nhà Quốc hội sáng nay (15-7) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tại phiên họp này, Hội đồng bầu cử quốc gia đã nghe và cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo tổng kết của Hội đồng bầu cử quốc gia về kết quả cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; Báo cáo kết quả xác nhận tư cách ĐBQH khóa XIV.

Theo dự thảo Báo cáo tổng kết của Hội đồng bầu cử quốc gia, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã thành công tốt đẹp, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Tổng số cử tri cả nước là 67.485.482 cử tri. Tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 67.049.091 cử tri, đạt 99,35%.

Tổng số ĐBQH trúng cử trong ngày 22-5-2016 và bầu cử thêm ngày 29-5-2016 ở Cần Thơ là 496 người. Tổng số đại biểu HĐND cấp tỉnh trúng cử là 3908 người; cấp huyện là 25.181 người; cấp xã là 292.306 người.

Nội dung thứ hai của phiên họp là xem xét xác nhận tư cách đại biểu, biểu quyết không công nhận tư cách ĐBQH khóa XIV.

Trưa nay, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, 100% thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia tham gia bỏ phiếu kín tại phiên họp buổi sáng, đã đồng ý không công nhận tư cách ĐBQH đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, trúng cử tại một đơn vị bầu cử ở tỉnh Hậu Giang trong cuộc bầu cử ngày 22-5 vừa qua.

Tuy nhiên, sau khi kết quả bầu cử được công bố, dư luận, báo chí phản ánh nhiều sai phạm của ông Thanh, bắt đầu từ việc sử dụng một chiếc xe sang (Lexus 570, trị giá trên 5 tỷ đồng) thuộc sở hữu tư nhân nhưng lại được chuyển từ biển trắng sang biển xanh. Con đường công danh “lắt léo” của ông Thanh cũng được lật lại khi vị Phó Chủ tịch tỉnh này “thoát” trách nhiệm ngoạn mục lúc đang là lãnh đạo một đơn vị thua lỗ lớn tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia, chuyển sang làm Phó Chánh Văn phòng, rồi Vụ trưởng tại Bộ Công thương trước khi về Hậu Giang.

Theo yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã chủ trì, cùng 8 cơ quan khác kiểm tra những vấn đề nghi vấn đặt ra với ông Thanh. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố 2 ngày trước đã xác định nhiều sai phạm, trách nhiệm của trường hợp người trúng cử ĐBQH này. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu các cơ quan xem xét xử lý kỷ luật với ông Thanh và đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia không công nhận tư cách ĐBQH với vị Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Hậu Giang này.

Với kết quả biểu quyết sáng nay, không công nhận tư cách ĐBQH với trường hợp này, chỉ có 495 trên tổng số 496 người trúng cử ĐBQH đủ tư cách ĐBQH khóa XIV.

Theo Dân Trí

;
.
.
.
.
.