Sáng 18-7, tại Nhà Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Dự hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thiện Nhân.
Phát biểu khai mạc hội nghị, thay mặt Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, thành công của cuộc bầu cử có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ và năm 2016. Thắng lợi của cuộc bầu cử là tiền đề để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
494 đại biểu được công nhận đại biểu Quốc hội
Báo cáo tóm tắt tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng bầu cử Quốc gia Tòng Thị Phóng trình bày khẳng định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã diễn ra thành công tốt đẹp, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Cả nước có 67.485.482 cử tri, trong đó số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 67.049.091 cử tri, đạt 99,35%. Tổng số đại biểu trúng cử trong ngày 22-5 và bầu cử thêm ngày 29-5 ở Cần Thơ là 496 người (bầu thiếu 4 đại biểu so với tổng số đại biểu được bầu); trong đó, đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu có 182 người trúng cử (36,70%); đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu có 312 người (62,90%).
Cơ cấu kết hợp như sau: đại biểu là người dân tộc thiểu số: 86 người (17,30%); phụ nữ: 133 người (26,80%); đại biểu là người ngoài Đảng: 21 người (4,20%); đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 71 người (14,30%); đại biểu Quốc hội khóa XIII tái cử khóa XIV có 160 người (32,30%); đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu là 317 người (63,90%); đại biểu tự ứng cử: 2 người (0,4%).
Về trình độ: trên đại học có 310 người (62,50%); đại học: 180 người (36,30%); dưới đại học: 6 người (1,20%).
Về bầu cử đại biểu HĐND các cấp, số lượng đại biểu HĐND từng cấp trúng cử như sau: cấp tỉnh: 3.908 người (thiếu 8 đại biểu so với tổng số đại biểu được bầu là 3.916 người); cấp huyện: 25.181 người (thiếu 77 người so với tổng số đại biểu được bầu là 25.258 người); cấp xã: 292.306 người (thiếu 5.671 người so với tổng số đại biểu được bầu là 297.977 người).
Về bầu cử thêm: có 2 đơn vị bầu cử của thành phố Cần Thơ tổ chức bầu thêm 2 đại biểu Quốc hội. Không có bầu cử thêm đại biểu HĐND cấp tỉnh; có 3 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện ở 3 tỉnh và 642 đơn vị bầu cử thuộc 538 xã của 33 tỉnh, thành phố tổ chức bầu thêm 1.285 đại biểu HĐND cấp xã.
Về bầu cử lại: Có 1 khu vực bỏ phiếu phải hủy bỏ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND cả 3 cấp nhiệm kỳ 2016-2021, có 1 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã phải hủy kết quả bầu đại biểu HĐND cấp xã và tiến hành bầu cử lại ngày 5-6.
Báo cáo cho biết, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp đã tiến hành xong việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Hội đồng bầu cử quốc gia đã thận trọng trong xem xét, xác nhận tư cách đại biểu, có biểu quyết bằng phiếu, kết quả không công nhận tư cách 2 đại biểu.
Như vậy, có 494 đại biểu trúng cử, được công nhận đủ tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV; cả nước có 3.907 đại biểu HĐND cấp tỉnh, 25.180 đại biểu HĐND cấp huyện, 292.305 đại biểu HĐND cấp xã được công nhận đủ tư cách đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc bầu cử cũng có hạn chế là chưa bầu đủ 500 đại biểu như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến, vẫn còn trường hợp sau khi trúng cử không đủ tư cách đại biểu Quốc hội, nên Hội đồng bầu cử quốc gia không xác nhận tư cách đại biểu; vẫn để xảy ra sai sót trong in ấn phiếu bầu dẫn đến việc phải hủy bỏ kết quả bầu cử và tiến hành bầu cử lại; sơ xuất trong việc kiểm soát số lượng phiếu phát ra, số phiếu thu vào, việc đóng dấu đã bỏ phiếu, vẫn còn có trường hợp bầu hộ, bầu thay.
Một số nơi bầu chưa đủ 2/3 số lượng đại biểu HĐND cần bầu, nhất là đại biểu HĐND cấp xã. Một số cơ cấu, số lượng phân bổ đại biểu chưa đạt được như định hướng dự kiến ban đầu, nhất là tỷ lệ nữ, tỷ lệ người ngoài đảng. Việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử giữa các nơi vẫn chưa thực hiện thống nhất...
Giới thiệu được những người tiêu biểu về đức, tài
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định thành công của cuộc bầu cử một lần nữa khẳng định ý thức chính trị, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước của nhân dân ta, thể hiện niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, khẳng định quyền làm chủ của nhân dân và tinh thần đoàn kết dân tộc.
Tổng Bí thư nêu rõ, điều đáng lưu ý là cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều thời cơ, thuận lợi, đồng thời có không ít khó khăn, thách thức. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Trung ương, sự vào cuộc tích cực của Hội đồng bầu cử quốc gia; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức, đoàn thể nhân dân; sự tích cực, trách nhiệm của các tổ chức phụ trách bầu cử; tinh thần làm chủ và sự ủng hộ của nhân dân, cùng với việc thực hiện công khai, minh bạch trong từng bước tiến hành theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật đã tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử.
Đặc biệt, công tác nhân sự được làm tốt, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; cơ bản đã giới thiệu được những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, bên cạnh kết quả đạt được, nhiệm vụ trong thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi Quốc hội và HĐND các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động. Mỗi đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp cần nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Tổng Bí thư nêu rõ, trước mắt cần chuẩn bị tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV - một kỳ họp hết sức quan trọng với nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định công tác nhân sự cấp cao của bộ máy Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021; đồng thời cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2016 và một số nội dung quan trọng khác.
TTXVN