Ngoài các tổn thất về người, tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia tại Việt Nam cũng gây thiệt hại nặng nề đến kinh tế khi mỗi ngày bay hơi 250 tỷ đồng/ngày và 2,9% GDP/năm.
Cảnh sát giao thông tiến hành đo nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Tại buổi họp báo công bố Kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ năm 2016 vào sáng 21/7, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, tại Quyết định 530/QĐ-UBATGTQG ngày 4/12/2015 của Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lần đầu tiên Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có kế hoạch triển khai thực hiện chuyên đề một nhóm vi phạm pháp luật giao thông đó là nồng độ cồn bằng cách huy động các bộ, ban nghành, đoàn thể vào cuộc.
Nhấn mạnh đến hiện nay tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng gia tăng và đang ở mức báo động, ông Hùng đưa ra một con số thống kê có tới 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
“Các nghiên cứu gần đây, uống rượu bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ bị hưng phấn, chạy xe với tốc độ cao, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10-30%, làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ… dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông,” ông Hùng nói.
Đưa ra dẫn chứng, số liệu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ủy ban khảo sát 18.000 nạn nhân tai nạn giao thông trong bệnh viện các tỉnh phía Bắc, tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia chiếm 36,9% (nam giới chiếm 36,2% và nữ giới là 0,7%).
Tại Bến Tre, sáu tháng đầu năm nay, theo cơ quan y tế của tỉnh báo cáo, trong 326 trường hợp bị tai nạn giao thông vào viện thì có 195 trường hợp đồng ý để lấy máu kiểm tra thì 100% các trường hợp đều bị vi phạm nồng độ cồn.
Khẳng định tai nạn giao thông đường bộ là một hiểm họa, vấn nạn, đặc biệt nhiều ý kiến cho rằng, tai nạn giao thông đường bộ là một căn bệnh không thể chữa. Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, tai nạn giao thông đang có xu hướng liên tục giảm như tại Nhật Bản, Đức những năm 1960-1970 là 20.000 chết/năm. Hiện tại, Nhật Bản chỉ còn 5.000 người tử vong/năm và Đức là 3.800 người chết/năm.
Bên cạnh thiệt hại về số người tử vong và thân nhân nạn nhân tai nạn giao thông gánh chịu những hậu quả tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, ông Hùng cũng đưa ra con số thiệt hại về kinh tế khi thế giới mất đi 1.500 tỷ USD/năm, con số này tại Việt Nam là 250 tỷ đồng/ngày và mỗi năm tai nạn giao thông gây thiệt hại 2,9% GDP/năm.
Ngoài ra, vị Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân, cơ quan chức năng cũng cần có chế tài xử phạt nghiêm đủ mức răn đe.
“Tại Nghị định 46, hành vi vi phạm uống rượu bia khi tham gia giao thông bị xử phạt hành chính lên tới 18 triệu. Đặc biệt, trong Luật Hình sự quy định, mức độ vi phạm có nguy cơ làm chết người, tổn thương sức khỏe người khác thì đưa ra chế tài xử lý hình sự. Vậy mức độ vi phạm như nào xử lý hình sự thì cần quy định rõ ràng để lực lượng chức năng thi hành đồng thời đó cũng là thông điệp tác động đến tiềm thức của người có ý định vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe. Nếu bớt được 1-2 trẻ tử vong vì tai nạn giao thông do cha mẹ sử dụng rượu bia là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong cuộc sống,” ông Hùng nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo, đại diện các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam… đều bày tỏ quan điểm, lạm dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông tại Việt Nam. Do vậy, các đơn vị này cam kết tích cực phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện./.
Kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ năm 2016 bao gồm 6 nội dung chính: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường năng lực thực thi pháp luật về nồng độ cồn; tuyên truyên, phổ biến và giáo dục pháp luật; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tăng cường vai trò cộng đồng và huy động kinh phí xã hội hóa; xây dựng các mô hình thí điểm.
Theo Vietnam+