Liên quan đến vụ phá rừng pơmu ở khu vực giáp biên giới Việt – Lào (thuộc xã La Dêê, huyện Nam Giang, Quảng Nam) đang xôn xao dư luận, trưa ngày 20/7, PV Dân trí đã theo chân đoàn lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đến hiện trường để “mục sở thị” khu rừng pơmu bị lâm tặc tàn sát.
Gốc pơmu được cơ quan chức năng đánh số để theo dõi sau khi phát hiện vụ phá rừng này |
Từ cột mốc 716, theo lối mòn là đường tuần tra biên giới và cũng là đường lâm tặc vận chuyển gỗ lậu ra ngoài, băng rừng đi bộ khoảng 1 tiếng rưỡi là đến khu rừng pơmu bị tàn phá.
Khi tiếp cận hiện trường, tất cả đều có cảm giác “đau xót và kinh hoàng” bởi rất nhiều cây pơmu to cả 2 người ôm với tuổi đời cả trăm năm đã bị lâm tặc đốn hạ bằng cưa máy. Nhiều cây còn ứa nhựa, vết cưa còn rất mới.
Một cán bộ đi trong đoàn cho hay, giá gỗ pơmu ở khu vực này khoảng 18 triệu đồng/m3. Một mét khối pơmu vận chuyển từ khu vực đốn hạ ra bìa rừng được trả 2,5 triệu đồng. Mỗi khối khoảng 8 phách, mỗi phách nặng từ 60-70kg.
Cách vận chuyển là gùi trên lưng theo con đường mòn tuần tra biên giới đi ra ngoài. Trung bình, mỗi ngày 1 người gùi 2 phách ra bìa rừng là kiếm được 600 ngàn đồng.
Những phách gỗ pơmu nằm ngổn ngang tại hiện trường |
Theo thống kê của Công an huyện Nam Giang, đến ngày 20/7, đã kiểm đếm được tổng cộng 60 cây pơmu bị đốn hạ (chưa kể những cây đã cưa nhưng chưa đổ) với gần 600 phách gỗ pơmu và một số loại gỗ quý khác có tổng khối lượng hơn 44m3. Với số lượng gỗ pơmu này để vận chuyển ra ngoài phải tốn rất nhiều thời gian và tiền của.
Một cán bộ kiểm lâm cho biết, trong số 60 cây pơmu vừa được kiểm đếm còn rất nhiều cây pơmu khác bị hạ ở ngay sát khu vực nhưng nằm trên phần đất của nước bạn Lào. “Khi định vị thì được máy báo đã ở trên nước bạn Lào nên chúng tôi không tiếp tục đo đếm nữa mà phải báo cáo với cấp trên. Bên đó có rất nhiều cây pơmu cũng bị chặt hạ nhưng chưa thể đo đếm được”, cán bộ kiểm lâm này nói.
Cứ một cây pơmu ngã xuống là lớp lớp cây rừng khác nằm rạp theo. Tại khu vực này, có rất nhiều cây pơmu đã bị lâm tặc cưa gần đứt nhưng chưa đổ, chỉ cần một cơn gió mạnh là có thể ngã. Khi nhìn vết cưa này, một cán bộ kiểm lâm cho biết, có lẽ khi đang cưa, bọn chúng đã biết bị lộ nên bỏ ngang.
Tại hiện trường, rất nhiều phách gỗ pơmu ngổn ngang đã được cưa xẻ vuông vức nhưng chưa được vận chuyển ra.
Hiện vụ phá rừng pơmu này đã khởi tố để điều tra. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo xử lý nghiêm, không bao che cho cá nhân hoặc tổ chức tham gia vụ phá rừng pơmu này.
Cận cảnh những cây pơmu bị tàn sát tại khu vực biên giới:
Từ cột mốc biên giới này theo lối mòn đường tuần tra biên giới đi bộ khoảng 1 tiếng rưỡi là đến khu vực rừng pơmu bị lâm tặc đốn hạ |
Nhiều phách gỗ pơmu nằm chắn ngang lối vào khu vực rừng pơmu bị phá, chứng tỏ lâm tặc nghe động nên “bỏ của chạy lấy người” |
Cây pơmu này to hơn 1 người ôm, vết cưa còn mới và còn chảy nhựa. Ước tính của kiểm lâm, cây này ít nhất cũng đã 50 năm tuổi. |
Cây pơmu được đánh số sau khi vụ việc được người dân phản ánh và cơ quan chức năng vào cuộc điều tra |
Lực lượng liên ngành kiểm tra hiện trường |
Những gốc pơmu to đến 2 người ôm bị lâm tặc cưa bỏ nằm tại hiện trường |
Chỉ cần 2 lát cắt là cây pơmu ngã đổ và kéo theo cả khu vực với các loại cây khác ngả rạp theo |
Vết cưa đã ăn sát bên kia cây pơmu, chỉ chờ bị hạ gục. |
Một cây pơmu khác cũng đã bị cưa đến nửa thân cây |
Cây pơmu bị cưa “khoéc làm ếch”, vết cưa còn rất mới |
Một gốc pơmu lớn. |
Phách gỗ pơmu nằm la liệt tại hiện trường. Đây là số gỗ chưa được chuyển ra ngoài |
Công Bính
Theo Dân trí