485 đại biểu bỏ phiếu tán thành (tương đương 98,18% tổng số đại biểu) bầu ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước. Lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang được thực hiện ngay sau đó.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang |
Đại tướng Công an chính thức trở thành người đứng đầu nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV.
Kết quả bỏ phiếu bầu chức danh Chủ tịch nước được công bố chiều 25/7. Nghị quyết ghi nhận kết quả bỏ phiếu cũng được Quốc hội thông qua ngay sau đó với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt bấm nút tán thành.
Lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang được thực hiện ngay sau đó.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lệnh cho đội nghi lễ vào vị trí để tiến hành lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ba cảnh vệ hộ tống đưa Hiến pháp lên bục tuyên thệ. Cờ Tổ quốc cũng được giương cao trang nghiêm trên lễ đài.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tất cả đại biểu có mặt trong phòng họp đứng đậy chứng kiến lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước bước tới bục nghi lễ, cúi chào trước lá cờ Tổ quốc, đặt tay lên quyển Hiến pháp, tuyên thệ: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước, tôi - Trần Đại Quang, Chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam, xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam nỗ lực hoành thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó”.
Chủ tịch Quốc hội tuyên bố Quốc hội ghi nhận lời tuyên thệ của Chủ tịch nước. Chủ tịch nước dành ít phút phát biểu nhậm chức.
Chủ tịch nước gửi lời trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu làm Chủ tịch nước. Với vinh dự, trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu nhà nước, thay mặt nước về đối nội, đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh, thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chủ tịch nước hứa nguyện làm hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc và trách nhiệm của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm.
Chủ tịch nước cũng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, các đại biểu trên lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân từng bước tinh nhuệ, chính quy, hiện đại, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Chủ tịch nước cũng khẳng định sẽ nỗ lực cùng các cơ quan tạo dựng môi trường hoà bình để phát triển đất nước. Trên cương vị người đứng đầu nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hứa tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chủ động hội nhập, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh; thực hiện đồng bộ công cuộc đổi mới, quá trình hội nhập, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, xứng đáng với sự nghiệp bảo vệ hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang sinh ngày 12/10/1956, quê xã Quang Thiện (Kim Sơn, Ninh Bình). Ông là giáo sư, tiến sĩ luật, ủy viên Trung ương Đảng khóa 10, 11, 12; ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, 12; đại biểu Quốc hội khóa 13, 14.
Tốt nghiệp trường Cảnh sát Nhân dân, ông làm cán bộ ở Cục Bảo vệ chính trị I, II (Bộ Nội vụ), rồi Trưởng phòng Tham mưu, Trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Bảo vệ chính trị II. Từ 1989 đến 1991, ông học lý luận cao cấp tại Học viện Nguyễn Ái Quốc, sau đó làm Phó cục trưởng Cục Tham mưu An ninh. Năm 1996 ông lên làm Cục trưởng.
Đến năm 2000, ông giữ chức Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an), ba năm sau được thăng hàm thiếu tướng.
Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12 năm 2011, ông được phê chuẩn làm Bộ trưởng Công an, được thăng quân hàm từ trung tướng lên thượng tướng. Một năm sau ông được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quyết định thăng hàm đại tướng.
Ngày 2/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13, ông Trần Đại Quang được bầu làm Chủ tịch nước.
Theo Dân trí