Chính trị - Xã hội

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: "Nỗ lực hết sức mình phụng sự Tổ quốc"

08:07, 26/07/2016 (GMT+7)

* Hôm nay, Quốc hội chính thức bầu Thủ tướng Chính phủ

Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, chiều 25-7, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại hội trường, tiến hành bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: TTXVN

Với 487 đại biểu có mặt, ông Trần Đại Quang đã nhận được 485 phiếu đồng ý bầu giữ chức Chủ tịch nước, chiếm 98,18% tổng số đại biểu Quốc hội. Căn cứ nội quy kỳ họp, ông Trần Đại Quang đã trúng cử chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Với 97,98% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Lễ tuyên thệ trang trọng, thiêng liêng đã được tiến hành ngay sau đó.

Tại lễ tuyên thệ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, tôi Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

Phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Với vinh dự, trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh LLVTND, tôi sẽ kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc và kinh nghiệm của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm, nỗ lực, làm hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp; chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Chăm lo xây dựng LLVTND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Tích cực phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động hội nhập, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội ở khu vực và trên thế giới”.

Vụ Formosa làm cử tri bức xúc

Trước đó, sáng 25-7, các ĐBQH làm việc tại hội trường nghe Tờ trình về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và thảo luận dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017. Tại đây, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội có chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội phải có chuyên đề giám sát về chính sách pháp luật đầu tư liên quan đến bảo vệ môi trường. “Giám sát ở đâu? Ở ngay Formosa chứ không đâu xa cả!”, ông Nghĩa tự hỏi và tự trả lời.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, những năm gần đây, đặc biệt từ đầu năm đến nay, môi trường là vấn đề hết sức bức xúc, trong đó cụm từ Formosa luôn được nhắc đi nhắc lại. “Những sự cố môi trường, có người gọi là thảm họa môi trường, đặc biệt là vụ Formosa Hà Tĩnh, làm cử tri rất băn khoăn, bức xúc… Có thể nói mấy tháng qua nhiều cử tri ăn không ngon, ngủ không yên, những người quan tâm đến vận mệnh của quốc gia hết sức băn khoăn lo lắng”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

“Nhưng tôi tìm mãi không thấy cụm từ môi trường trong chương trình giám sát của Quốc hội. Tôi biết Chính phủ vào cuộc, đang tiếp tục xử lý công việc của mình, nhưng Nghị quyết 12 của Đảng nói chúng ta có sự phân công kiểm soát giữa các cơ quan quyền lực. Chính phủ làm việc của Chính phủ, Quốc hội làm việc của Quốc hội. Vậy mà đến nay chưa thấy các đại biểu Quốc hội có hành động gì về vụ Formosa, nhất là các đại biểu miền Trung”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị thành lập Ủy ban lâm thời hoặc thành lập đoàn giám sát liên ngành giữa các Ủy ban của Quốc hội để cùng Chính phủ điều tra, xác minh những vấn đề liên quan đến Formosa; qua đó làm việc với chủ đầu tư dự án, tìm hướng giải quyết những vấn đề hiện nay và kiểm soát các vấn đề liên quan trong thời gian tới để không xảy ra tình trạng như vừa qua.

Chính phủ đề nghị giữ cơ cấu 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ

Chiều 25-7, trình Quốc hội xem xét cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khái quát rằng, cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 vừa qua được thực hiện theo đúng Nghị quyết của Trung ương Đảng khóa XI theo cơ chế Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; đồng thời thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện. “Chức năng, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ đã được rà soát theo pháp luật, giảm tối đa sự chồng chéo. Cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ được xem xét chặt chẽ. Thủ tướng đã ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của các Tổng cục, chú trọng phân công trách nhiệm của từng bộ”, Thủ tướng nhấn mạnh phát biểu và nhấn mạnh mục tiêu hướng đến là xây dựng Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Nguyên tắc đề ra, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là bảo đảm phân định rõ trách nhiệm giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, thống nhất nguyên tắc một việc chỉ giao một bộ, một cơ quan phụ trách, khắc phục việc chồng chéo, trùng lắp cũng như bỏ trống trách nhiệm.

Thủ tướng cho rằng, thực tiễn hoạt động thời gian qua cho thấy, cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 vẫn phù hợp. Hội nghị Trung ương 7 khóa XI cũng đã có nghị quyết về vấn đề này. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng sau đó thống nhất chỉ đạo, trước mắt giữ tổ chức Chính phủ ổn định như hiện nay. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên tổ chức của Chính phủ trong khóa XIV như mô hình hiện nay với 22 bộ và cơ quan ngang bộ.

Cụ thể, có 18 bộ: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ VH-TT&DL, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Y tế.

4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.

Hôm nay (26-7), Quốc hội làm việc tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội xem xét, quyết định về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ; thảo luận về dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Buổi chiều, Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ và nghe Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ; thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao.

B.T tổng hợp

.