Chính trị - Xã hội
Chủ tịch Quốc hội: kiểm soát nợ công để không đi vào "vết xe đổ"
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói như vậy khi trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ tại cuộc gặp mặt báo chí đang diễn ra sáng 23-7 tại Nhà Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì gặp gỡ phóng viên - Ảnh: LÊ KIÊN |
Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Quốc hội sẽ “chuyển từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội thảo luận, tranh luận. Chúng tôi muốn khuyến khích tinh thần thảo luận, tranh luận tại hội trường của các đại biểu”.
“Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phải dành nhiều thời gian đi cơ sở để gặp gỡ, gắn bó với cử tri, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri, tìm hiểu những vấn đề cuộc sống đặt ra. ĐBQH không chỉ tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp” - bà nói.
Chủ tịch Quốc hội thay mặt lãnh đạo Quốc hội Khóa XIV gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các phóng viên đã quan tâm, theo dõi, đưa tin về hoạt động của Quốc hội.
* VNeconomy.vn: bà tâm đắc nhất về kinh nghiệm gì của Chủ tịch Quốc hội Khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng mà bà sẽ kế thừa?
- Đây là người tiền nhiệm mà tôi học tập rất nhiều kinh nghiệm, bởi tôi đã có quá trình làm việc ở Bộ Tài chính, và khi ông là phó thủ tướng thì tôi cũng là một thành viên Chính phủ.
Có nhiều kinh nghiệm tôi học hỏi ở ông, nhưng trước hết là bản lĩnh chính trị khi đứng trước những vấn đề, quyết định khó khăn. Tính quyết đoán khi thấy việc đó là đúng.
* Vneconomy.vn: Xin bà cho biết Quốc hội khóa XIV có trả nợ Luật biểu tình cho dân không?
- Quyền biểu tình đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật của chúng ta. Đây là vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Việc lùi dự án luật này lại là để nghiên cứu căn cơ, thấu đáo để nó phù hợp với tình hình đất nước.
Hiện nay đất nước ta rất ổn định, trong khi đó có nhiều nơi thấy rất lo lắng. Chúng ta ban hành luật này phải đảm bảo quyền lợi của đất nước và của nhân dân, đảm bảo không rối loạn đất nước. Nếu ban hành luật này mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn, dân cũng không mong muốn.
* Dân trí: Phát biểu tại phiên khai mạc Quốc hội Khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở các đại biểu đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, bà sẽ làm gì để đại biểu thực hiện mong muốn này?
- Khi tuyên thệ, chúng tôi không nói cụ thể đến chống tham nhũng, nhưng tôi nói là trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp. Và đã trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp thì phải chống quan liêu, chống tham nhũng. Trước hết, chúng tôi sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, không để kẽ hở cho tham nhũng.
Sau khi có luật Quốc hội sẽ giám sát việc thực thi pháp luật, đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm túc.
* Tuổi Trẻ: Thưa bà, các phân tích cho thấy rằng nợ công nhiều khả năng sẽ vượt giới hạn Quốc hội cho phép (65% DGP) trong năm nay. Nếu điều này xảy ra thì ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này. Trong vai trò Chủ tịch Quốc hội, bà sẽ làm gì để người dân giảm bớt nỗi lo về gánh nặng nợ công?
- Quốc hội đang kiểm soát chặt chẽ nợ công. Tuy nhiên Quốc hội cũng có trách nhiệm, bởi vì quyết định trần nợ công, quyết định bội chi là Quốc hội. Nhưng Chính phủ là người điều hành. Đến cuối năm 2013, nợ Chính phủ đã vượt trần 0.3%, Quốc hội thảo luận rất nhiều.
Quốc hội sẽ tính toán lại cách xác định nợ công cho đúng, để đảm bảo an toàn. Người ta 100%, 200% GDP không sao, nhưng với chúng ta thì 65% có an toàn không. Chúng ta sẽ thảo luận vấn đề này. Quan tâm của Quốc hội là nợ công có an toàn không. Nghĩa là đã vay thì phải trả được, và vay để làm gì, có hiệu quả không.
Hiện nay nợ công đang có vấn đề, tức là chúng ta vẫn ở mức kiểm soát, nhưng đến thời hạn trả nợ thì có khó khăn, nên đã xảy ra tình trạng vay để đáo hạn, vay mới để trả nợ cũ.
Chúng ta đang phấn đấu thay đổi cơ cấu nợ, tăng tỷ lệ nợ trong nước lên và vay dài hạn hơn. Quốc hội sẽ kiểm soát để VN không đi vào vết xe đổ của các quốc gia đi trước ở Châu Âu, Châu Mỹ.
* Tuổi Trẻ: đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) kiến nghị Quốc hội lập ủy ban lâm thời điều tra vụ Formosa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cũng cho rằng Quốc hội nên làm như vậy, xin cho biết ý kiến của Chủ tịch Quốc hội?
- Hiện nay chưa có chủ trương lập ủy ban lâm thời. Chúng ta biết để có kết luận về Formosa, Chính phủ đã huy động lực lượng lớn cơ quan chức năng, các nhà khoa học trong và ngoài nước, đấu tranh để buộc họ phải cúi đầu nhận lỗi, chấp nhận bồi thường.
Dân thì nói Chính phủ chậm, nhưng chúng tôi cũng muốn nói rằng đây là vấn đề rất lớn, Chính phủ đã rất nỗ lực, quyết tâm điều tra sớm. Bộ Chính trị cũng đã nhiều lần nghe báo cáo về vấn đề này.
Quốc hội chưa lập ủy ban lâm thời nhưng chúng tôi sẽ giám sát rất chặt chẽ, tiếp tục theo dõi quá trình giải quyết vấn đề này.
* Vnexpress.net: Chúng tôi rất khó tiếp cận ĐBQH để hỏi về những vấn đề bức xúc của con người, của đất nước, ví dụ vừa qua chúng tôi rất khó tiếp cận để phỏng vấn đại biểu Võ Kim Cự - nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh - liên quan đến vấn đề Formosa?
-Ông Võ Kim Cự né tránh thì trước hết là quyền của ông Võ Kim Cự. Nhưng tôi sẽ gặp gỡ và đề nghị ông nên gặp gỡ, trao đổi với báo chí. Bởi vì đây là vấn đề liên quan đến ông với tư cách nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, do đó cần trao đổi với báo chí, cung cấp thông tin, chứ né tránh thì không nên.
Theo Tuổi trẻ