.

Chủ tịch Quốc hội nói về việc đại biểu "né" trả lời báo chí vụ Formosa

.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng trả lời báo chí hay không là quyền của đại biểu. Nhưng lãnh đạo thì phải chủ động cung cấp thông tin.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi gặp mặt báo chí
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi gặp mặt báo chí

Sáng nay (23-7), Chủ tịch Quốc hội khoá XIV Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì buổi gặp mặt với các cơ quan thông tấn báo chí sau khi vừa nhậm chức.

Trong phần trao đổi, báo giới đặt vấn đề về việc nhiều ĐBQH né tránh khi nhắc tới Formosa, điển hình như một ĐBQH là người từng làm lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, liên quan đến việc quyết định cho Formosa vào hoạt động tại tỉnh này là ông Võ Kim Cự. Vài ngày qua, ông Cự liên tiếp xua tay "né" tránh báo chí.

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, về vấn đề Formosa, có những ĐBQH ở các địa phương khác nhiều khi không biết được nguyên nhân sâu xa hay các giải pháp, xử lý đến đâu, như thế nào.

Riêng về trường hợp ông Võ Kim Cự, bà Ngân cho rằng trả lời báo chí hay không là quyền của ĐBQH. Tuy nhiên, sự việc xảy ra khi mình làm lãnh đạo thì mình phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, để báo chí thông tin kịp thời còn hơn cứ mập mờ, tránh né.

"Đừng có khoát tay từ chối báo chí, hình ảnh đó khi đưa lên truyền thông nhìn không hay chút nào, làm mất hình ảnh của ĐBQH. Trong sinh hoạt của QH, tôi sẽ đề nghị các ĐBQH khi trao đổi với báo chí cần cung cấp những thông tin chính xác, trung thực, khách quan..." - bà Ngân nêu quan điểm và nói thêm rằng sẽ có trao đổi thêm với ông Võ Kim Cự về việc này.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đang giao Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội giám sát tình hình vụ việc Formosa. Đồng thời nhấn mạnh, khi xảy ra sự cố, không chỉ riêng Chính phủ mà Quốc hội cũng có giám sát riêng để đánh giá, phản biện.

Không chỉ Formosa, sắp tới Quốc hội có chương trình giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh: “Giám sát phải làm rõ trách nhiệm, vì người ta quan tâm trách niệm cuối cùng thuộc về ai. Báo cáo giám sát thì nói rất nhiều trang nhưng cuối cùng không rõ trách nhiệm của ai thì đại biểu sẽ không nghe”.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.