“Cử tri cũng đặt câu hỏi cho đến nay chưa thấy các đại biểu Quốc hội ở các tỉnh miền Trung và các Ủy ban Quốc hội có ý kiến gì, chí ít là có thông tin, chí ít là dự kiến sẽ làm gì...”, ông Trương Trọng Nghĩa nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị có giám sát chuyên đề về vấn đề môi trường |
Ngày 25-7, tại hội trường, các đại biểu thảo luận chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017. Tại đây, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội có chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật bảo vệ tài nguyên và môi trường.
“Tìm mãi không thấy cụm từ môi trường”
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, những năm gần đây, đặc biệt từ đầu năm đến nay, vấn đề môi trường là vấn đề hết sức bức xúc, trong đó cụm từ Formosa luôn được nhắc đi nhắc lại.
“Những sự cố môi trường, có người gọi là thảm họa môi trường, đặc biệt là vụ Formosa Hà Tĩnh, làm cho cử tri rất băn khoăn, bức xúc. Có rất nhiều người là cán bộ công chức về hưu, cán bộ lão thành và cả cán bộ đương chức gặp tôi đề nghị, kiến nghị Quốc hội làm rõ vấn đề này. Có thể nói mấy tháng qua nhiều cử tri ăn không ngon, ngủ không yên, những người quan tâm đến vận mệnh của quốc gia hết sức băn khoăn lo lắng”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Trước sự những cố như vậy, nhưng khi đọc kỹ 4 nội dung chuyên đề của Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, ông “tìm mãi không thấy” cụm từ môi trường.
Đại biểu đề nghị Quốc hội có sự điều chỉnh lại nội dung chuyên đề và có chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư trong nước, nước ngoài liên quan đến việc phòng chống vi phạm pháp luật bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Theo đại biểu, khi có chuyên đề, Quốc hội mới có thể lựa chọn đi giám sát và giám sát ở đâu. Trong đó có nhiều cử tri kiến nghị giám sát toàn bộ dự án Formosa, vì đây là thời điểm thuận lợi khi họ chưa bắt đầu sản xuất, cho nên việc xem xét xử lý có những thuận lợi nhất định.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa ghi nhận những nỗ lực lớn của Chính phủ trong mấy tháng qua trước sự cố môi trường và đã đạt kết quả ban đầu, được nhân dân rất hoan nghênh. “Tuy nhiên, Chính phủ cứ làm việc của Chính phủ, còn nhân dân cử tri mong muốn Quốc hội làm việc của Quốc hội. Cử tri cũng đặt câu hỏi là cho đến nay chưa thấy các đại biểu Quốc hội ở các tỉnh miền Trung và các Ủy ban Quốc hội có ý kiến gì cả, chí ít là có thông tin, chí ít là dự kiến sẽ làm gì”, ông Trương Trọng Nghĩa nêu.
Đại diện đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, chính sự vào cuộc của Quốc hội đã tiếp thêm sức mạnh cho Chính phủ và phù hợp với đường lối của Đảng. Do vậy, một lần nữa đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội có một chuyên đề về môi trường. Nếu Quốc hội điều chỉnh chương trình kịp thời sẽ đáp ứng nguyện vọng, tâm tư của cử tri, giới trí thức, những người lao động, cán bộ chiến sĩ...
Quốc hội phải giám sát cấp phép các dự án tác động lớn tới môi trường
Liên quan đến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị có giám sát chuyên đề về môi trường. “Xuất phát từ cảm nhận, tính bức xúc, nghiêm trọng nên Quốc hội phải có giám sát chuyên đề quy định pháp lý về trình tự thủ tục, trách nhiệm trong việc phê duyệt giám sát các dự án đầu tư nước ngoài liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên môi trường”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị.
Tại hội trường đại biểu cũng đề cập đến các dự án đầu tư tư nhân hàng trăm nghìn tỷ đồng. Theo đại biểu, các dự án này có tác động vào xã hội rất lớn, do đó không thể cứ để các tỉnh giải quyết, các bộ giải quyết, mà Quốc hội không quan tâm. Theo đại biểu, phải sửa đổi luật theo hướng nếu như dự án đầu tư tư nhân có tác động rất lớn về môi trường, kể cả về an ninh quốc phòng thì Quốc hội phải giám sát ở khâu cấp phép.
“Tôi kiến nghị có chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư trong và nước ngoài liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên môi trường và chương trình kỳ họp 3 năm 2017 có giám sát chuyên đề về việc phê duyệt các dự án đầu tư nước ngoài, trong đó một trong những trọng điểm có dự án Formosa”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị.
Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị thành lập Ủy ban lâm thời hoặc thành lập đoàn giám sát liên ngành giữa các Ủy ban của Quốc hội để cùng với Chính phủ điều tra xác minh những vấn đề liên quan đến Formosa. Qua đó làm việc với chủ đầu tư dự án, tìm hướng giải quyết những vấn đề hiện nay và kiểm soát các vấn đề liên quan trong thời gian tới để không xảy ra tình trạng như vừa qua.
Nhiều ý kiến đề nghị lựa chọn giám sát chuyên đề về an toàn thực phẩm
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), chuyên đề giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” là vấn đề cử tri rất bức xúc, thực phẩm không an toàn đã và đang tác động tiêu cực, hủy hoại chất lượng cuộc sống của người dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé phân tích mặc dù nội dung này đã được Quốc hội khóa XII tổ chức giám sát tại Kỳ họp thứ 3 nhưng việc Quốc hội tiếp tục giám sát lại lần này cũng dịp để Quốc hội đánh giá lại việc thực hiện của các cơ quan chức năng đối với kiến nghị của Quốc hội khóa trước về vấn đề này, qua đó Quốc hội kiểm điểm lại hệ thống pháp luật đã ban hành có phù hợp và đầy đủ để điều chỉnh.
Cũng nhìn nhận vấn đề an toàn thực phẩm là vấn đề bức xúc của xã hội, được cử tri đặc biệt quan tâm, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) bày tỏ sự lo lắng trước thực tế tất cả các khâu từ sản xuất đến chế biến thực phẩm, lưu thông, tiêu dùng thực phẩm hiện nay đều có nguy cơ không an toàn.
Phân tích trong thực tế quản lý nhà nước, vấn đề về an toàn thực phẩm hiện nay có 3 Bộ cùng tham gia là Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Tô Văn Tám đánh giá mặc dù 3 Bộ đã rất nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp nhưng thực tế còn nhiều bất cập.
Đại biểu đồng tình với nhận định trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu do không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chung và công tác điều hành phối hợp còn chưa có đầu mối chỉ đạo.
Nhận định này cũng phù hợp với đánh giá của Chính phủ, trong đó đề cập có việc chức năng nhiệm vụ của một số cơ quan vẫn còn chồng chéo, chưa rõ thẩm quyền trách nhiệm cá nhân....
Giám sát để tăng cường, củng cố niềm tin của người dân
Phân tính tình hình thực tế, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng sự vận hành hành bộ máy nhà nước và việc thực hiện trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đang là nguyên nhân của nhiều bức xúc trong xã hội, rất cần Quốc hội tổ chức giám sát.
Trên cơ sở đồng tình cao nội dung chuyên đề thứ 2 về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016," đại biểu Nguyễn Sỹ Cương thấy rằng cần đi vào nội dung cụ thể để giám sát làm rõ việc thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công vụ.
Theo đại biểu thực hiện thành công cuộc giám sát này ngay từ đầu nhiệm kỳ sẽ góp phần kiện toàn củng cố nhà nước vững mạnh. "Cuộc giám sát này sẽ giúp chúng tra đạt được sự tăng trưởng, nhưng không phải là sự tăng trưởng về kinh tế mà tăng trưởng về niềm tin của người dân đối với nhà nước, chế độ," đại biểu nhấn mạnh.
Một số ý kiến đề nghị Quốc hội cần tăng cường hơn công tác giám sát về thi hành pháp luật, công tác hướng dẫn triển khai thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội; đồng thời tăng cường hơn nữa công tác "hậu giám sát," đánh giá việc tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung các nội dung như giám sát về môi trường biển liên quan Formosa, an toàn giao thông, đầu tư trong nước và nước ngoài...
Kết luận phần thảo luận này tại phiên họp sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ trên cơ sở các ý kiến góp ý tại phiên thảo luận sáng nay, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến đến các đại biểu Quốc hội về các chuyên đề giám sát năm 2017. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, sẽ lựa chọn 2 chuyên đề để Quốc hội giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội.
Theo Dân trí - Vietnam+