Chính trị - Xã hội

Chương trình giảm nghèo phải thực chất hơn

08:31, 19/07/2016 (GMT+7)

Phát biểu tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững ngày 18-7 ở Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu, 5 năm tới, chương trình giảm nghèo phải đi vào thực chất hơn, thay đổi nội dung và cách làm với mục tiêu cao hơn để góp phần phát triển đất nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, điều quan trọng là phải hoàn thành khuôn khổ thể chế cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Chính phủ sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo rà soát danh mục các huyện, xã nghèo; rà soát chính sách, bảo đảm thận trọng cả chính sách đã có và ban hành chính sách mới. Một số nơi vẫn phải có chính sách cấp không nhưng phải căn cơ, cụ thể, giảm bớt phần của Nhà nước càng nhiều càng tốt, huy động nguồn lực xã hội và ý chí vươn lên của người dân. Không bao cấp tràn lan để triệt tiêu động lực của người dân.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tích hợp các chương trình, giảm bớt số lượng văn bản. Cần thiết có thể ban hành một văn bản sửa cho nhiều văn bản, thay đổi theo hướng phát huy ý chí khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu của người dân, làm cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn; tôn vinh, vinh danh các tấm gương thoát nghèo; không để các xã “chạy” vào danh mục xã khó khăn. Cần có chính sách hỗ trợ thêm tín dụng thương mại với lãi suất hấp dẫn, ưu đãi, thủ tục thuận tiện hơn.

Báo cáo do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm trình bày cho thấy, các bộ, ngành đã chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách giảm nghèo theo lộ trình và tiến độ phù hợp với tình hình thực tế. Những chính sách hiện hành còn hiệu quả như y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản xuất… tiếp tục được tập trung ưu tiên nguồn lực triển khai, không ngừng giảm các thủ tục hành chính cũng như nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Việc sửa đổi, bổ sung chính sách đã ưu tiên thứ tự phân loại đối tượng, từng bước phân định rõ đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với một số nhóm, tăng dần chính sách cho vay có điều kiện.

Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, báo cáo kết quả sơ bộ của các địa phương cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cả nước là 15,1%; trong đó, tỷ lệ nghèo là 9,88%, tỷ lệ cận nghèo là 5,22%. Các chính sách giảm nghèo tiếp tục được bố trí kinh phí và đã phát huy tác dụng, hỗ trợ hiệu quả cho hộ nghèo, người nghèo. 6 tháng đầu năm, ngân sách đã bố trí khoảng 6.800 tỷ đồng để mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình; 4.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, trợ cấp học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh bán trú và trường dân tộc bán trú...

TTXVN

.